Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Ký ức hào hùng của Đội Biệt động thị xã Tây Ninh
Chủ nhật: 06:00 ngày 30/04/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - 48 năm trôi qua (30.4.1975 - 30.4.2023), chiến tranh đã lùi xa nhưng mỗi khi nhắc đến kỷ niệm hào hùng một thời binh lửa, ký ức của những người lính Đội Biệt động thị xã Tây Ninh năm xưa vẫn còn vẹn nguyên trong ngày non sông thu về một mối.

Các đồng chí Ban Liên lạc truyền thống (C2/45) và Ban CHQS TP. Tây Ninh thăm Di tích lịch sử - văn hoá Căn cứ biệt động thị xã Tây Ninh.

Một ngày cuối tháng tư, chúng tôi có dịp cùng các bác, các chú là thành viên Ban Liên lạc truyền thống (C2/45) và các đồng chí Ban CHQS TP. Tây Ninh về thăm Di tích lịch sử - văn hoá Căn cứ biệt động thị xã Tây Ninh.

Những năm kháng chiến chống Mỹ, Đội Biệt động thị xã Tây Ninh đã đóng quân nhiều nơi nhưng Giồng Cà là địa điểm đội đứng chân lâu nhất (1970-1975), làm bàn đạp tiến công vào Thị xã để diệt ác phá kiềm. Vì đây là khu rừng rậm, và là vùng ven, yếu tố thuận lợi cho việc che giấu lực lượng về lâu, về dài, với những điều kiện đó, Giồng Cà trở thành "Căn cứ Biệt động thị xã".

Tại đây, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện lịch sử hào hùng của những người đã đi qua cuộc chiến. Theo dòng lịch sử, tháng 2.1975, Đội Biệt động Thị xã đã dũng cảm, mưu trí đánh thiệt hại nặng 2 toán biệt kích dù 81, diệt tại chỗ 1 tên, bị thương 4 tên, mất tích 4 tên khi chúng càn vào căn cứ ta ở Giồng Cà, thu 2 súng AK và AR-15, 2 máy PRC-25 và nhiều đồ dùng quân sự. Đặc biệt, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, lực lượng Biệt động Thị xã đã kết hợp với lực lượng khác tiến quân vào giải phóng Thị xã ngày 30.4.1975.

Không giấu được niềm hạnh phúc khi gặp lại những đồng đội xưa, cựu chiến binh Nguyễn Công Hạnh, ngụ phường 3, TP. Tây Ninh cho biết: “Kỷ niệm nhớ nhất của tôi là ngày gần giải phóng, tôi bị thương, cậu ruột của tôi hy sinh, đó là kỷ niệm mà cho đến bây giờ tôi không bao giờ quên. Lúc đó giặc cách tôi chừng 7 mét, chúng bắn 4 khẩu súng nhưng tôi may mắn chỉ bị thương ở chân, sau đó tôi chạy và được người dân đưa vô Bệnh xá thị xã Tây Ninh, trận đó gần Trà Vong, hiện giờ tôi là thương binh hạng 4/4”.

Tưởng nhớ các đồng chí, đồng đội đã hy sinh vì Tổ quốc.

“Hôm nay, tôi cảm thấy xúc động khi gặp lại đồng đội, vì mình đã lớn tuổi, đồng đội giờ mỗi người một nơi, người mất người còn, trở về cuộc sống đời thường, đa phần anh em bộ đội khó khăn, tôi không giúp được gì nên rất buồn”- CCB Nguyễn Công Hạnh chia sẻ.

Ngồi xem lại hình ảnh của đồng đội trong cuốn album cũ, CCB Trần Văn Thắng, ngụ phường 1, TP. Tây Ninh không nén nổi xúc động, ông Thắng cho biết: “Nhờ sự chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, sự kết hợp tài tình giữa lực lượng thanh niên với lực lượng nòng cốt của Thị xã nên đi đến thắng lợi vẻ vang. 

Tôi nhớ rất rõ, lúc đồng đội vào Dinh là ngày 5.3.1969, lực lượng C2/45 căn cứ ở Giồng Cà - Trà Vong, đến ngày 30.4.1975 giải phóng thành đô, giải phóng Thị xã, cảm xúc của tôi lúc đó phải nói là quá tuyệt vời, bởi trong cuộc chiến đấu một mất một còn, tôi còn lại đây, trong khi biết bao đồng chí, đồng đội đã hy sinh nằm xuống vì độc lập, tự do dân tộc. Tôi còn sống coi như rất vinh dự, nên cố gắng phấn đấu, góp công sức cho Đảng và Nhà nước”.

Căn cứ Đội Biệt động thị xã Tây Ninh gắn liền với trang sử hào hùng của Biệt động Thị xã nói riêng và quân dân Tây Ninh nói chung, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, căn cứ C2/45 là căn cứ ý chí quyết thắng của lòng quả cảm, khí phách anh hùng. 

Hai thế hệ cùng nhau ôn lại ký ức hào hùng của dân tộc.

Căn cứ Biệt động Thị xã là đầu nối mũi nhọn tiền tiêu, lá chắn cho toàn Khu căn cứ cách mạng Thị xã, thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó quân dân "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh". Chiến sĩ C2/45, quyết một lòng theo Đảng, theo cách mạng đến cùng, góp phần vào sự nghiệp giải phóng quê hương, thống nhất Tổ quốc.

Thiếu tá Nguyễn Thiện Phúc- Phó Tham mưu trưởng Ban CHQS TP. Tây Ninh chia sẻ: “Hôm nay được gặp gỡ và nghe các chú trong Ban Liên lạc truyền thống C2/45, tiền thân của lực lượng vũ trang TP. Tây Ninh, bản thân tôi là một cán bộ Ban CHQS Thành phố, cảm thấy rất tự hào về truyền thống vẻ vang của đơn vị mình trong thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ. Những tấm gương anh dũng hy sinh của cha anh đi trước là những bài học quý giá để lớp trẻ chúng tôi học tập và noi theo.

Hình ảnh đội IV anh hùng thời kháng chiến chống Mỹ, được lưu giữ cẩn thận.

Tuy rằng trong thời bình, nhưng chúng tôi luôn luôn nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, quyết tâm học tập, rèn luyện nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và quân đội giao cho, xứng với truyền thống tự hào của đơn vị, xứng đáng với những tấm gương anh dũng hy sinh của các bậc cha anh đi trước”.

Căn cứ Biệt động thành phố Tây Ninh toạ lạc tại ấp Giồng Cà, xã Bình Minh, thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh. Được công nhận là Di tích lịch sử – văn hoá cấp tỉnh, tại Quyết định số: 60/QĐ-UBND, ngày 23.2.2007 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Tây Ninh.

Hoàng Yến - Nhật Quang

Tin cùng chuyên mục