Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Giữa thập niên 80, tôi chính thức bước vào làng báo, gia nhập “thế hệ làm báo thứ hai”, tiếp bước các bậc đàn anh, đàn chú “thế hệ thứ nhất” từ vùng kháng chiến, trong quá trình phát triển Báo Tây Ninh.
Tác giả chia vui cùng lão nông sau khi được trả lại 4 bánh xe bò (ảnh chụp năm 1988 tại sân Toà soạn Báo Tây Ninh cũ).
Ngày còn là học sinh trung học, tôi có tham gia làm báo tường, báo xuân của trường, nhưng chỉ với vai trò “kép phụ”, mục đích cho vui. Lúc ấy, tôi không hề nghĩ lớn lên mình sẽ làm báo, mà chỉ tập trung vào mục tiêu gia đình mong muốn là theo nghề dạy học. Một lần tình cờ gặp lại anh bạn thân cũ, từng học chung trung học là Nguyễn Tấn Hùng- phóng viên Báo Tây Ninh, bên tách cà phê ở một quán ven đường, anh Hùng rủ tôi làm báo.
“Liệu tui có làm được không vậy ông? Tui học văn đâu có giỏi”. Tôi nhớ rõ lời anh: “Nhà báo đâu phải nhà văn mà cần câu cú bóng bẩy, trau chuốt. Làm báo cần có kiến thức thực tế, óc quan sát, khả năng phân tích, tổng hợp tốt và diễn đạt câu cú ngắn gọn, dễ hiểu.
Tui tin ông làm được”. Thế là từ đó, con đường sự nghiệp của tôi bỗng “sang trang”. Giữa thập niên 80, tôi chính thức bước vào làng báo, gia nhập “thế hệ làm báo thứ hai”, tiếp bước các bậc đàn anh, đàn chú “thế hệ thứ nhất” từ vùng kháng chiến, trong quá trình phát triển Báo Tây Ninh.
Thời ấy, Toà soạn Báo Tây Ninh còn ở ngôi nhà cũ- cũng tại vị trí bây giờ. Đó là ngôi cấp 4 xập xệ mà theo cách nói đùa của cố Tổng Biên tập Nguyễn Đức Tâm là “mùa nắng trực thuộc Đảng, nhưng mùa mưa thuộc… nhà nước”, bởi mùa mưa nước dột tứ tung do nhiều năm chưa được sửa chữa.
Theo anh Ba Võ Hữu Thành- nguyên Phó tổng Biên tập Báo Tây Ninh, sau khi giải phóng, đơn vị nào cũng có nơi tiếp quản, chỉ có Báo Tây Ninh là không, bởi chính quyền Tây Ninh cũ không có cơ quan báo chí. Trong lúc đi tìm, các anh thấy một ngôi nhà cấp 4 cũ xì chẳng có ai, nên rủ nhau vào ở tạm.
Từ đó, căn nhà này trở thành trụ sở của Báo Tây Ninh. Diện tích nhà chật hẹp nên chỗ làm việc cũng chật chội, trong đó một phòng nhỏ xíu được bố trí cho Tổng Biên tập, một phòng hành chính - trị sự, một phòng công tác bạn đọc, một phòng biên tập và một phòng dành cho phóng viên. Thư ký toà soạn và các trưởng phòng ngồi chung với anh em, không có phòng làm việc riêng.
Phương tiện đi lại thời ấy cũng hết sức đơn sơ. Phương tiện công chỉ có 1 chiếc xe con sản xuất từ… “đời cô Lựu”, lúc chạy lúc không và 2 chiếc xe Honda 67 cũ mèm làm chân cho các vị lãnh đạo. Phóng viên hầu hết chỉ có xe đạp để đi công tác. Chuyện đi thực tế ở các huyện bằng xe đạp là bình thường.
Chỉ có vài huyện như Trảng Bàng, Gò Dầu đường giao thông thuận tiện, có xe đò lên xuống thì phóng viên bắt xe đò đi,nhưng leo được lên xe chẳng phải dễ như bây giờ. Những huyện có đường giao thông đi lại khó khăn như Bến Cầu, Tân Biên, Dương Minh Châu..., phóng viên hầu hết đi xe đạp.
Dụng cụ tác nghiệp cũng chẳng nhiều, phóng viên chỉ trang bị cây bút, cuốn sổ tay, còn máy ảnh thì phóng viên ảnh mới có. Sau khi thu thập thông tin, phóng viên về viết bằng tay bản nháp, viết chưa ổn là phải viết lại từ đầu, có khi phải viết đi viết lại mấy ngày mới xong một bài.
Tôi cũng có một chiếc xe đạp cà tàng làm chân đi công tác. Thời buổi bao cấp, cái gì cũng phân phối nên phụ tùng xe đạp rất khó kiếm, vì vậy, dù xe đạp của tôi có một số phụ tùng quá đát nhưng phải ráng cót két chạy đi thu thập thông tin. Từ đó mới xảy ra nhiều “sự cố” nhớ đời, có lúc phải tập tễnh dắt xe đi bộ hàng chục cây số, gần nửa đêm mới về đến nhà.
Chẳng những vậy, gia cảnh của nhiều anh em trong Toà soạn thời đó rất khó khăn. Mặt bằng chung về lương lúc ấy là rất thấp- thường chỉ vài trăm đồng mỗi tháng, chẳng đủ nuôi bản thân. Chế độ nhuận bút không là bao, thù lao mỗi bài viết chỉ đủ ăn vài tô phở.
Nhiều phóng viên phải bươn chải thêm để đủ chi tiêu tối thiểu trong gia đình. Anh Tấn Hùng sau khi làm công việc cơ quan về phụ vợ chăn nuôi; anh Trần Việt mở quán cà phê cóc nội bộ; anh Mai Thuỷ phụ vợ bán quán ăn; anh Phong Châu lúc rảnh vác máy đi chụp hình đám cưới, đám tang...
Riêng tôi, ban đêm vào dạy thêm ở trường bổ túc văn hoá Hoà Thành, sau mấy năm phải lên “trình diện” tại Bệnh viện A2 (Bệnh viện Lao và Bệnh phổi bây giờ) để trị lao phổi. Thế nhưng, điều đáng quý là dù hoàn cảnh gia đình khó khăn như vậy, anh em vẫn hết sức nhiệt tình với công việc làm báo- chấp nhận đi công tác bất kỳ đâu, bất kể giờ giấc nào, thậm chí còn bất chấp cả sự nguy hiểm đến tính mạng.
Một trong những chuyến tác nghiệp nhớ đời của tôi trong giai đoạn này là cùng phóng viên Trần Việt đi theo Tiểu đoàn 14 rong ruổi suốt một tuần bên đất bạn Campuchia, để tận mắt chứng kiến hậu quả tàn khốc của bọn diệt chủng Pol Pot và ghi lại những nghĩa cử cao đẹp của quân tình nguyện Việt Nam.
Về nghiệp vụ chuyên môn, thời ấy, ngoài các bậc đàn anh, đàn chú thuộc “thế hệ thứ nhất” được tham dự các khoá đào tạo nghiệp vụ báo chí ở trong vùng kháng chiến, hầu hết phóng viên “thế hệ thứ hai” chưa qua khoá đào tạo báo chí nào.
Thậm chí có người còn chưa được học hết bậc phổ thông. Khi vào nghề, tôi cũng chẳng biết nghiệp vụ báo chí là gì. Thế nhưng, ai cũng có tinh thần trách nhiệm cao, cố gắng học hỏi và nhất là có sự hướng dẫn nhiệt tình của các bậc đàn anh thế hệ trước- đặc biệt là anh Sáu Nguyễn Đức Tâm, nên “tay nghề” mọi người dần được nâng cao.
Không chỉ trong những cuộc họp hằng tuần, hằng tháng, anh Sáu Tâm đưa ra phân tích, đánh giá một số bài viết của phóng viên để mọi người rút kinh nghiệm, mà anh còn trực tiếp tham gia tác nghiệp cùng phóng viên nếu quá trình thực hiện đề tài phức tạp.
Qua đó, anh chỉ đạo, góp ý để phóng viên khai thác đề tài tốt, bài viết chất lượng hơn. Khi có sự cản trở của đơn vị hay địa phương nào đó, anh Sáu Tâm là người trực tiếp can thiệp, tháo gỡ khó khăn cho phóng viên tác nghiệp. Quả là rất may cho tôi và cho các đồng nghiệp thuộc “thế hệ làm báo thứ hai” khi bước vào nghề báo lại có được một người đàn anh, người lãnh đạo tận tâm như vậy.
Trong thập niên 80, tuy phóng viên ở Báo Tây Ninh chưa có ai được học nghiệp vụ chính quy ngành báo chí, nhưng đã có nhiều vụ chống tiêu cực đăng trên báo gây tiếng vang trong và ngoài tỉnh, như: vụ tiêu cực ở Xí nghiệp vật liệu xây dựng Hoà Thành; vụ bạo hành người làm công của cô giáo Ảnh ở huyện Dương Minh Châu; vụ bắt giữ bất hợp lý 4 bánh xe bò của một lão nông ở huyện Gò Dầu; vụ sai phạm ở Công ty xuất nhập khẩu huyện Châu Thành...
Một trong những vụ nổi cộm mà anh Sáu Tâm trực tiếp cùng phóng viên “trên từng cây số” là vụ Công ty Vedan lén lút đổ chất thải có tên là Vedagro trên đất Tây Ninh, gây ô nhiễm môi trường. Đây là một trong những vụ gặp khó khăn lớn nhất bởi loại chất thải này đã được một ngành chức năng
Trung ương có văn bản công nhận là “phân bón”. Để có thể vượt qua lực cản, bài viết được thực hiện không chỉ với sự hỗ trợ hết mình của anh em phóng viên, biên tập, Tổng Biên tập trực tiếp chỉ đạo... mà có cả sự giúp đỡ của những chuyên gia trong lĩnh vực đó.
Sau hàng loạt bài viết đăng trên Báo Tây Ninh, lãnh đạo tỉnh có văn bản chỉ đạo ngưng đổ Vedagro trên địa bàn tỉnh. Công ty Vedan “rút lui” và Tây Ninh thoát khỏi nạn ô nhiễm môi trường do loại “phân bón” này gây ra.
Cuối thập niên 80, anh em làm báo còn được lãnh đạo tổ chức cho tham gia học văn hoá, nghiệp vụ báo chí, ngoại ngữ, tin học để trang bị kiến thức chính quy, nhằm theo kịp đà tiến bộ của làng báo cả nước lúc bấy giờ.
Cuối thập niên 90, hầu hết phóng viên Báo Tây Ninh đều sử dụng được máy tính, bài viết bắt đầu được đánh trên máy, chuyển qua mạng cho biên tập. Sau đó, Toà soạn cử kỹ thuật viên về Thành phố Hồ Chí Minh học tập phương pháp dàn trang bằng máy tính để hoàn chỉnh quy trình làm báo ứng dụng công nghệ thông tin.
Từ cuối thập niên 90, Báo Tây Ninh bước vào giai đoạn làm báo mới. Những năm đầu thế kỷ 21, có nhiều báo từ các địa phương khác cử đoàn đến tham quan, học tập Báo Tây Ninh về quy trình làm báo ứng dụng công nghệ thông tin.
Tác giả (bên phải) cùng phóng viên Trần Việt trong chuyến tác nghiệp tại Campuchia (ảnh chụp năm 1989, tại một nhà dân ở Campuchia).
Nếu có ai đó hỏi, “thế hệ làm báo thứ hai” tâm đắc nhất điều gì, tôi sẽ trả lời ngay: đó là sự đoàn kết, thống nhất- cả Toà soạn như một gia đình, thủ trưởng Sáu Tâm như người anh cả. Thật vậy, ở những thập niên 80, 90 thế kỷ trước, mọi người trong Toà soạn giống như anh em trong cùng một nhà.
Thời bao cấp, lương thực, thực phẩm khan hiếm, anh em phóng viên tác nghiệp ở đâu, được cơ quan đơn vị nào đó biếu vài ký đường, cân thịt... đều đem về toà soạn chia sẻ. Trong công tác cũng như cuộc sống, những lúc gặp khó khăn, anh em hỗ trợ nhau là chuyện thường, chẳng ai tính đến lợi ích cá nhân.
Làm việc cùng nhau hàng mấy chục năm, hiếm khi chúng tôi phải to tiếng với nhau. Thủ trưởng- người anh cả Sáu Tâm lại càng đặc biệt hơn, khi họp cơ quan bàn về công việc, anh góp ý, phê bình rất thẳng thắn, có khi còn gay gắt. Thế nhưng sau khi họp xong, “Tụi bây vô nhà tao lai rai vài ly, có gì làm nấy”, tình cảm luôn tràn đầy. Toà soạn báo thời đó giống như là gia đình thứ hai của chúng tôi.
“Thế hệ làm báo thứ hai” của chúng tôi so với các bậc đàn anh, đàn chú “thế hệ làm báo thứ nhất” có nhiều thuận lợi hơn, nhưng nếu so với thế hệ làm báo bây giờ thì lại gian khổ hơn rất nhiều. Những năm sau này, nền kinh tế cả nước phát triển ngày càng mạnh, thu nhập khá hơn, cuộc sống những người làm báo “dễ thở” hơn.
Bây giờ, anh em phóng viên được trang bị kiến thức và phương tiện tác nghiệp đầy đủ. Tuy nhiên, tôi vẫn luôn nhớ và tự hào với công việc làm báo của mình trong những năm tháng cả nước còn nhiều khó khăn, thiếu thốn sau chiến tranh. Bây giờ, đã nghỉ hưu, nhưng tôi luôn hướng về “gia đình thứ hai” này và thỉnh thoảng vẫn viết bài tham gia để nhắc nhớ mình đã từng là một trong những thành viên trong đại gia đình Báo Tây Ninh thân yêu.
Sơn Trần