Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Ký ức những người lính tình nguyện
Thứ hai: 12:57 ngày 07/01/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Khí hậu khắc nghiệt, điều kiện sống vô vàn gian khó, thiếu thốn, nhưng những người lính tình nguyện Việt Nam vẫn luôn hết mình, sẵn sàng quên bản thân để đổi lấy tự do cho người dân Campuchia.

Ông Trịnh Văn Quây với đời sống thường ngày.

Hơn 40 năm trước, tập đoàn Pol Pot đã gây ra bao đau thương, tang tóc trên khắp đất nước Campuchia và dọc tuyến biên giới Tây Nam, Việt Nam. Ðể chặn đứng và tiêu diệt sự tàn bạo đó, những người lính tình nguyện Việt Nam đã lên đường chiến đấu. Họ đối đầu với cái chết, chấp nhận mọi gian khổ, bệnh tật để giành lại bình yên cho Campuchia, hồi sinh cho một đất nước đang chìm vào bóng tối của chết chóc.

Vì bạn quên mình

Ông Nguyễn Ngọc Lý, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hoà Hiệp, huyện Tân Biên có 5 năm tham gia chiến trường Campuchia. Ông Lý kể, ông đặt chân lên đất bạn vào tháng 4 năm 1978. Ðó là khoảng thời gian cam go và ác liệt nhất của cuộc chiến. Ông Lý và đồng đội mãi không quên được sự tàn bạo của chế độ Pol Pot: cảnh xóm làng bị tàn phá, người dân bị giết hại một cách man rợ. Chính sự tàn bạo đó đã khiến cho ông và đồng đội, những người lính tình nguyện của Việt Nam càng quyết tâm chiến đấu, tiến lên phía trước, giải phóng hoàn toàn Pnom Penh vào ngày 7.1.1979. 

Pnom Penh giải phóng, nhưng lực lượng tàn quân Pol Pot vẫn chưa hoàn toàn bị tiêu diệt. Chúng nằm rải rác khắp nơi, ẩn mình trong rừng sâu, len lỏi trong dân cư. Cuộc chiến vẫn còn kéo dài. Các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam phải cùng với lực lượng quân đội của Campuchia truy quét chúng trong khó khăn, gian khổ và hy sinh mất mát. Ông Lý vẫn nhớ, có khi vừa ăn cơm vừa đội áo mưa. Có những lúc lương thực có trong túi, nhưng không sao tìm được nguồn nước để nấu. Cả đơn vị cứ lầm lũi đi mãi đến tận 12 giờ đêm mới tìm được nước, dừng chân, ăn vội.

Sau năm 1975, Việt Nam còn rất khó khăn, đời sống người dân thiếu thốn. Vậy nhưng, những người lính Việt sẵn sàng chia sẻ một phần lương thực, thực phẩm của mình cho người dân Campuchia. Chủ trương nhường cơm sẻ áo đó đã được thống nhất trong từng người lính tình nguyện. 

“Trước khi đi, tất cả bộ đội đều được quán triệt, chỉ được giúp bạn, không được lấy gì của bạn, kể cả củi cũng phải mang qua. Chỉ có nước mới được lấy tại đó. Thế nên, ngay trước mắt là những kho gạo của Pol Pot mà ta đã đánh thắng và chiếm được, vẫn không hề động đến, dù anh em phải chia đôi nhau từng hạt bo bo”- ông Lý nhớ lại.

Còn ông Trần Văn Tới (xã Phước Vinh, huyện Châu Thành), đại đội trưởng một đại đội trinh sát, thuộc Sư đoàn 4 khi đó, ký ức về những năm tháng trên đất bạn Campuchia là những cơn sốt rét rừng.

Ðơn vị của ông làm nhiệm vụ trinh sát, bám nắm địa bàn, tìm ra căn cứ của bọn Pol Pot trú nấp để báo cho lực lượng chiến đấu vào triệt phá. Ðây thực sự là nhiệm vụ không hề đơn giản, chỉ cần một sơ suất nhỏ là có thể dẫn đến thương vong. Nhưng, với ông Tới, chuyện đối đầu với Pol Pot, thiếu thốn về thức ăn vẫn không đáng sợ bằng những trận sốt rét rừng.

Bởi, chỉ cần có sự cảnh giác cao, có chiến thuật tác chiến rõ ràng thì Pol Pot vẫn trong tầm kiểm soát của anh em. Lương thực có thể không đủ no vẫn có thể chia sẻ cùng nhau cầm cự chờ tiếp viện. Nhưng sốt rét rừng, gần như là nỗi ám ảnh, mọi người phải chấp nhận đối diện khi phải sống giữa rừng thiêng, nước độc.

“Cứ chiều xuống là những cơn sốt rét lại hoành hành. Da người cứ vàng như bị sơn một lớp màu. Có thời gian dài tôi đã phải chống gậy mới có thể đi được. Nhưng rồi cũng qua. Ðáng sợ nhất là sốt rét ác tính, sốt rét đái huyết cầu tố. Anh em đang ngồi trò chuyện, đột nhiên có người giật bắn lên, văng từ trên võng xuống đất rồi chết. Lúc đó, số người chết vì sốt rét rất nhiều”, ông Tới nhớ lại.

Khí hậu khắc nghiệt, điều kiện sống vô vàn gian khó, thiếu thốn, nhưng những người lính tình nguyện Việt Nam vẫn luôn hết mình, sẵn sàng quên bản thân để đổi lấy tự do cho người dân Campuchia.

Ông Trần Văn Tới từng tham gia chiến trường Campuchia.

Kiến thiết đất nước Campuchia

Không chỉ giúp bạn thoát khỏi nạn diệt chủng Pol Pot, Việt Nam còn giúp bạn xây dựng lại chính quyền, khôi phục lại nền kinh tế bằng sự giúp sức của những chuyên gia.

Ông Trịnh Văn Quây (xã Hoà Hiệp, huyện Tân Biên) từng là chuyên gia phụ trách huyện Romeas Haek tỉnh Svay Rieng, Campuchia. Ông Quây nhớ lại, đầu năm 1978, ông nhập ngũ vào lực lượng quân đội của tỉnh Long An. Ðến ngày 30.12.1978, đơn vị Tiểu đoàn 1, Ðại đội 2 của Long An đã đánh vào cửa khẩu Sóc Nì, giáp với huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An.

Trong vòng 7 ngày, đơn vị ông phối hợp cùng các đơn vị khác dồn sức đánh vào vào giải phóng được Pnom Penh. Sau khi ăn tết Việt Nam tại Campuchia, đơn vị ông được lệnh rút quân về nước. “Sau đó, đơn vị tôi củng cố lại lực lượng, cùng tham gia duyệt binh kỷ niệm chiến thắng ngày 30.4. Ngay đêm đó, chúng tôi lại được lệnh tức tốc lên đường, trở lại Campuchia, đến tận năm 1989 tôi mới về nước”- ông Quây kể.

Tháng 10.1979, ông Quây được cử đi học phái viên chuyên gia 6 tháng, đến năm 1980, phụ trách một xã thuộc địa bàn huyện Romeas Haek. “Lúc bấy giờ, dù Pnom Penh được giải phóng, nhưng tàn quân Pol Pot vẫn còn. Chúng ẩn nấp trong dân. Ban ngày là dân, nhưng đêm xuống, chúng hoạt động bí mật, tiếp tục tàn sát, gây hại bà con Campuchia. Do đó, một mặt chúng tôi phải xây dựng được mạng lưới gỡ địch ngầm, mặt khác phải hỗ trợ, giúp đỡ bà con xây dựng lại cuộc sống”- ông Quây nhớ lại.

Việc xây dựng chính quyền cấp xã cũng tương tự như ở Việt Nam. Cũng có bí thư, chủ tịch xã, có các tổ chức Thanh niên, Phụ nữ… Campuchia sau khi trải qua thảm hoạ Pol Pot, hầu như tất cả đều trở về con số không. Văn hoá, chùa chiền đều bị xoá sạch. Ðời sống kinh tế vô cùng khó khăn. Ðể người dân có thể vươn lên, ông Quây bắt đầu hướng dẫn mọi người làm nông nghiệp theo kiểu mới.

“Trước đó, người dân làm theo phong tục tập quán của họ, riêng rẽ. Có khi một đám ruộng cấy cả tháng chưa xong. Ðầu tiên, chúng tôi thành lập một tổ đoàn kết, tập hợp những người có ruộng gần nhau vào chung. Sau đó hướng dẫn họ cách bắt mạ bao nhiêu là vừa, quy định trong một ha đất phải cấy trong vòng thời gian bao lâu.

Vì nếu để quá thời gian, mạ già, năng suất không có. Mọi người trong tổ đoàn kết đều phải làm vần công cho nhau, không có người nào ở không, trừ người già, người bệnh tật. Từ đó, năng suất lúa mùa đã nâng lên được 50-60 giạ lúa/ha. Trước đó chỉ chừng 20 giạ là tối đa”- ông Quây chia sẻ.

Cùng với đó, ông Quây sử dụng nghiệp vụ, công tác vận động quần chúng để khai thác các nguồn tin khác nhau tìm lực lượng Pol Pot còn trú ẩn trong dân.

Ðến năm 1984, ông Quây được cử về làm chuyên gia cấp huyện của Romeas Haek, phụ trách 16 xã của huyện. Ðây cũng là khoảng thời gian Romeas Haek không còn địch ngầm, bắt đầu tập trung vào sản xuất, khôi phục lại đời sống.

“Khi đó, sinh hoạt trao đổi hàng hoá ở Campuchia bắt đầu phong phú hơn. Ta đã hình thành những hợp tác xã với nhiều mặt hàng như vải vóc, muối, dầu hoả… được đưa sang từ Việt Nam. Người dân sẽ dùng lúa, gạo họ sản xuất được để đổi lấy những nhu yếu phẩm hằng ngày, cuộc sống lúc đó đã thay đổi dần”- ông Quây kể.

Ðặc biệt, từ khi có quân đội Việt Nam sang, công tác y tế, giáo dục cũng được chú trọng. Trẻ em được đến trường. Người bệnh có trạm xá để điều trị. Tuy nhiên, cũng có không ít người vẫn tin vào thầy mo. Gặp trường hợp này, ông Quây phải vận động người dân đi bệnh viện, rồi gặp thầy mo trao đổi, cho công an làm việc, nói rõ cái đúng, cái sai để thay đổi dần cách suy nghĩ, cách sống của họ.

10 năm để hồi sinh sự sống cho một vùng đất vừa đi qua chiến tranh là một hành trình gian nan. Vậy mà, các chuyên gia Việt Nam đã làm được, cho một đất nước có nhiều khác biệt với chúng ta. Tất cả xuất phát từ tinh thần yêu chuộng hoà bình, mong muốn mọi người đều sống hạnh phúc của dân tộc Việt Nam. Và bên cạnh đó, là để biên giới Việt Nam - Campuchia mãi mãi bình yên, thắm chặt tình hữu nghị.

Ngọc Diêu

Tin cùng chuyên mục