Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Trong hồi ký “Đại tướng Lê Đức Anh - Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng” (Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia), nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh đã viết những dòng tâm sự như sau: “Tôi sinh ngày 1/12/1920 trong ngôi nhà tranh tại gia đình ông bà nuôi ba tôi ở làng Trường Hà, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Quê gốc của tôi ở xứ Truất, làng Bàn Môn, xã Lộc An, huyện Phú Lộc”.
Làng nghèo theo cách mạng
Trong hồi ký, Đại tướng Lê Đức Anh viết rất rõ: “Bà cô của ba tôi là Lê Thị Kiêm lấy chồng ở làng Trường Hà, xã Vinh Phú, huyện Phú Vang. Chồng bà là ông Lý Quang Cảnh làm thầy thuốc và dạy chữ Nho. Ông bà sống hiền lành, chân chất nhưng không có con.
Theo sự sắp xếp của gia đình, ba tôi sang làm con nuôi của ông bà. Ông bà nuôi truyền nghề làm thuốc Đông y cho ba tôi và cho ba tôi học chữ Nho, rồi cưới vợ cho. Ba má tôi sinh được 13 người con, 4 người chết lúc nhỏ, còn 9 người. Anh chị em chúng tôi đều sinh ra ở làng Trường Hà, huyện Phú Vang”.
Đại tướng Lê Đức Anh tại đảo Trường Sa Lớn năm 1988. Ảnh: Tư liệu
Thôn Trường Hà, xã Vinh Phú, Phú Vang là một làng vùng ven, cách Huế độ chục cây số, nằm ven Phá Tam Giang. Làng rất nghèo bởi nằm trên cồn cát, có lẽ ngoài con người thì chỉ cây phi lao mới sinh sôi nảy nở nổi. Những ngôi nhà nhỏ, trong vườn toàn cát, trồng cây gì cũng bị gió đầm phá, cát, nắng nóng thiêu đốt. Chính nơi đây đã tôi rèn bản lĩnh và ý chí cách mạng của Đại tướng Lê Đức Anh từ tấm bé.
Tôi có nhiều lần về thôn Trường Hà là bởi bác dâu tôi, nghệ sĩ ca Huế Mộng Điệp là người làng này. Bác tôi cùng thế hệ với đại tướng Lê Đức Anh. Bác Mộng Điệp kể rằng: “Nhà bác với nhà ông Lê Đức Anh chỉ cách nhau mấy chục mét. Làng này rất nghèo, nhưng yêu thích văn hóa văn nghệ, dân sớm đi theo cách mạng. Lúc bác còn nhỏ, bố bác đưa bác đi hát đó đây, cổ vũ lòng yêu nước. Ông Lê Đức Anh khi ấy cũng còn nhỏ, nhưng tham gia cách mạng, sau này do tránh sự truy đuổi của Pháp nên sớm thoát ly. Đại tướng Lê Đức Anh nổi tiếng là hiếu động và rất gan lỳ, việc gì đã làm là quyết làm cho tới cùng”.
Tuổi trẻ, chí cao
Anh Hồ Văn Nhất, Chủ tịch xã Vinh Phú cho tôi biết: “Cụ Hoàng Trọng Viễn ở trong làng chính là người giác ngộ cho đại tướng và là người dìu dắt đại tướng trên bước đường đầu tiên làm cách mạng, là người giới thiệu đại tướng vào Đảng. Mỗi lần về thăm Trường Hà, đại tướng đến tận nhà thăm cụ Hoàng Trọng Viễn, cùng ôn lại năm tháng tuổi trẻ”.
Trong cuốn hồi ký, đại tướng kể chuyện cắm cờ cách mạng ở làng Trường Hà chi tiết như sau: “ Anh Viết (Hoàng Trọng Viễn) chính là cậu thiếu niên năm 1930 đã giao cho tôi cất giấu lá cờ cách mạng. Và đêm 30/4, rạng ngày 1/5/1930, tôi bí mật trao lá cờ cho anh Viết treo trên ngọn phi lao ở chợ Trường Hà bên phá Tam Giang”.
Theo cụ Viễn kể lại với lãnh đạo xã, đêm 30/4/1930, đại tướng tuy còn là một cậu bé mười tuổi nhưng đã gan góc bí mật đưa cờ vào chợ để cho anh Viễn là một thanh niên theo cách mạng leo lên buộc trên cây cao giữa chợ để phát động phong trào đấu tranh tại cố đô Huế cùng ngày nổ ra phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1/5/1930.
Để đảm bảo an toàn cho cậu bé Lê Đức Anh, tổ chức chỉ giao cho cậu đem cờ đến để ở vị trí bí mật rồi nhanh chóng rời đi. Sau đó, trời tối anh Viễn tới lấy cờ để treo lên cổng chợ.
Theo chân vị tướng
Đại tướng Lê Đức Anh cả đời rong ruổi theo các cuộc chiến đấu giải phóng và bảo vệ dân tộc.Phần lớn thanh niên trong làng Trường Hà đã theo chân ông tham gia cách mạng. Giữa vòng vây trùng điệp của quân thù, làng Trường Hà vẫn đứng vững trước các cuộc càn quét của địch. Lãnh đạo xã cho biết: “Đây là vùng gần đầm phá, hoang vu, nhiều rừng cây ven biển nên các lực lượng du kích ta hoạt động mạnh. Người dân nuôi giấu, tiếp tế cho cách mạng. Trai tráng lớn lên thì thoát ly”.
Anh Thông, cựu chiến binh kể: “Tôi cùng nhiều bạn bè vào rừng, đi bộ đội, chiến đấu nhiều chiến trường, có nghe bác Lê Đức Anh người làng tôi giờ đã là một tướng lĩnh chỉ huy tài ba. Tuy không có dịp được gặp bác nhưng lòng tôi rất tự hào được làm người chiến sĩ dưới lá cờ chiến đấu của đại tướng”.
Bác dâu tôi, nghệ sĩ Mộng Điệp ra Bắc hoạt động trong đoàn Ca kịch Huế. Một lần bác tôi đang diễn ở vùng Vĩnh Linh, chợt có một chàng bộ đội trẻ nói rặt tiếng Huế đến xin gặp và hỏi: “Có phải O đó không?”. Hóa ra đó là anh Thông, cháu gọi bác Mộng Điệp tôi là O (cô) ruột. Anh Thông kể: “Con với các bạn noi gương bác Lê Đức Anh rời làng Trường Hà, đi qua nhiều vùng địch, lên chiến khu, vào bộ đội”. Nghệ sĩ Mộng Điệp nghe vậy không cầm được nước mắt.
Nghệ sĩ Mộng Điệp là người nghệ sĩ đầu tiên và duy nhất của tỉnh Thừa Thiên- Huế được phong danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú đợt I của nhà nước. Ông Lê Đức Anh là đại tướng đánh đông dẹp bắc. Có thể nói làng Trường Hà là một ngôi làng văn - võ song toàn của xứ Huế mộng mơ.
4 lần về thăm Trường Hà
Anh Hồ Văn Nhất, Chủ tịch xã Vinh Phú nói với tôi: “Đại tướng Lê Đức Anh có 4 lần về thăm thôn Trường Hà. Trong đó lần đầu tiên bác lấy phiếu bầu cử đại biểu quốc hội và trở thành Chủ tịch nước. Sau đó, bác còn về thêm 3 lần nữa. Lần nào bác cũng đi thăm bạn bè, đồng chí, thăm xã, thăm các công trình mới”.
Bức ảnh Đại tướng Lê Đức Anh về thăm Trường Hà đã phai màu thời gian (Ảnh tư liệu của UBND huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế)
Chị Na ở Phòng văn hóa thông tin huyện Phú Vang chuyển cho tôi những tấm ảnh chụp Đại tướng Lê Đức Anh 4 lần về thăm Trường Hà. Ảnh đều đã phai màu thời gian. Chị Na bảo: “Nhà báo thông cảm, chúng em ở đầm phá gió cát khí hậu khắc nghiệt nên hình ảnh mau bị phai màu”.
Xã Vinh Phú dân số không đông nhưng hệ thống trường học ở đây đạt chuẩn quốc gia, tuổi trẻ ham học hỏi.
Du khách thăm Huế, xuôi xuống phá Tam Giang, đi vào khu cồn cát, gặp một ngôi làng nhỏ phần nhiều nhà lợp ngói đỏ, những hàng phi lao, đường sá được đổ bê tông. Ghé thăm chợ Trường Hà, du khách thỉnh thoảng vẫn nghe chuyện về một cậu bé 10 tuổi mang cờ cách mạng cắm ở chợ. Cậu bé ấy trở thành đại tướng quân đội và Chủ tịch nước - Đại tướng Lê Đức Anh.
Mỗi lần về Trường Hà, Đại tướng Lê Đức Anh thường căn dặn: “Xã phải phát triển kinh tế giỏi, đồng thời phải giữ an toàn trật tự xã hội cho thật tốt”.
Nguồn TPO