Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Kyrgyzstan và nỗi lo âu của các quốc gia Trung Á
Thứ bảy: 04:07 ngày 17/04/2010

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Những người ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Bakiyev đã bắt đầu hạ vũ khí khi Thủ tướng lâm thời Kyrgyzstan, bà Roza Otunbayeva công bố một bức fax được cho là đơn xin từ chức của ông Kurmanbek Bakiyev.

Sáng 16.4, những người ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Bakiyev đã bắt đầu hạ vũ khí khi Thủ tướng lâm thời Kyrgyzstan, bà Roza Otunbayeva công bố một bức fax được cho là đơn xin từ chức của ông Kurmanbek Bakiyev. Việc chính phủ lâm thời “nhắm mắt làm ngơ” cho ông Bakiyev bay sang Kazakhstan xem như đã chấm dứt một “triều đại” được dựng lên từ cuộc Cách mạng hoa tulip do Mỹ giật dây vào năm 2005.

Tuy nhiên, chắc chắn rằng, dư âm của cuộc biểu tình bạo động đẫm máu ngày 7.4 vẫn còn tiếp tục ảnh hưởng đến đời sống chính trị - xã hội ở Kyrgyzstan, và mang lại một tín hiệu xấu cho các quốc gia Trung Á, đặc biệt là Uzbekistan, Tajikistan và Turkmenistan. Với những bất ổn xã hội đặc thù, việc bùng phát một cuộc biểu tình nổi dậy kiểu Kyrgyzstan chỉ còn là vấn đề thời gian, nếu chính phủ của các nước này không thay đổi chính sách. Dù cũng là một quốc gia Hồi giáo, nhưng lực lượng đối lập giành chính quyền ở Kyrgyzstan là thế tục trong khi lực lượng đối lập ở 3 quốc gia trên lại là những phong trào Hồi giáo, đó mới chính là mối lo ngại cho Nga và các nước phương Tây.

Hầu hết các nhà phân tích đều đồng ý với quan điểm, các phong trào Hồi giáo ở khu vực Trung Á lại nhận được sự ủng hộ của người dân hơn là chính phủ. Như ở thung lũng Fergana, Uzbekistan, họ đã tạo được một chỗ đứng khá vững chắc. Từ sự thành công của cuộc nổi dậy ở Kyrgyzstan, nhiều tổ chức Hồi giáo đang nghiên cứu lại đường lối, chủ trương của họ.

Phong trào Hồi giáo có thế lực nhất ở Trung Á là Hizb ut-Tahrir (Đảng Giải phóng) hiện có khoảng 20.000 thành viên. Mục tiêu của đảng này là sáp nhập tất cả các quốc gia Hồi giáo thành một quốc gia Hồi giáo thống nhất, áp dụng luật Shariah hà khắc và Vua Hồi sẽ do các tín đồ bầu chọn. Đảng này đã từ bỏ con đường sử dụng bạo lực để chống lại chính phủ kể từ sau những cuộc cách mạng màu lần thứ nhất. Họ cho rằng, mọi chính phủ đều có thể bị lật đổ bằng cách tạo nên một làn sóng “bất phục tùng” lan rộng trong xã hội, bằng chứng rõ ràng nhất là sự kiện ngày 7.4 ở Kyrgyzstan.

Một người phụ nữ ủng hộ chính phủ lâm thời tranh cãi với một người phụ nữ ủng hộ cựu Tổng thống Kurmanbek Bakiyev tại thành phố Osh, miền Nam Kyrgyzstan ngày 15.4. Ảnh: Reuters

Chủ trương như Hizb ut-Tahrir, nhưng phong trào Akromiya - được thành lập ở thung lũng Fergana, Uzbekistan vào năm 1996 – tỏ ra nguy hiểm hơn khi họ sử dụng chiến thuật vết dầu loang, xâm nhập vào các thành phần kinh tế và các thế lực chính trị địa phương để hợp pháp hoá dần những điều luật Hồi giáo.

Nhưng không phải tổ chức Hồi giáo nào cũng có tư tưởng tiến bộ, chủ trương bất bạo động như Hizb ut-Tahrir hay Akromiya. Vẫn còn những tổ chức Hồi giáo như Hizb un-Nusrat, Tablighi Jamaat, Phong trào Hồi giáo Uzbekistan (IMU), Phong trào Thánh chiến Hồi giáo (IJM)… vẫn muốn lật đổ chính phủ các nước bằng bạo lực. Không những gây bất ổn tình hình trong nước, các tổ chức này còn đưa người đến các quốc gia như Afghanistan, Pakistan tham gia những cuộc “thánh chiến”…

Các đảng phái, tổ chức Hồi giáo cực đoan đã và đang chuẩn bị cho một kháng chiến lâu dài chống chính phủ các quốc gia Trung Á, vốn “ngập ngụa” trong tình trạng tham nhũng. Các nhà phân tích nhận định, nếu các tổ chức Hồi giáo cực đoan này linh hoạt hơn trong việc sử dụng “bàn tay sắt” – vũ lực và “bàn tay mềm” – biểu tình, chính phủ các nước sẽ gặp nhiều khó khăn.

Có một thực tế là chính phủ các quốc gia Trung Á lại không mấy ủng hộ chiến lược mới của Mỹ ở Afghanistan, theo đó kể từ năm 2011 họ sẽ chuyển dần quyền kiểm soát an ninh cho chính quyền địa phương để rút đi. Các quốc gia Trung Á cho rằng, Afghanistan chính là nguồn gốc của mọi vấn đề. Cuộc chiến của Mỹ tại Afghanistan là “thỏi nam châm” hút tất cả các tổ chức Hồi giáo cực đoan, vũ trang. Khi đã kết thúc, “những phiền phức này” sẽ trở lại chính nơi mà nó đã được sinh ra.

Đặng Hoàng Thái

(tổng hợp)

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục