Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Lại chuyện đường tồn kho
Chủ nhật: 04:30 ngày 14/05/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, hiện nay, lượng đường tồn kho tại các nhà máy và công ty thương mại cả nước là gần 720 nghìn tấn, cao nhất từ trước đến nay. Lượng đường tồn kho tại các nhà máy là 675 nghìn tấn, trong đó, khu vực Đông Nam Bộ có lượng đường tồn kho lớn nhất với 235,5 nghìn tấn; miền Trung là 222 nghìn tấn, miền Bắc là 154 nghìn tấn và đồng bằng sông Cửu Long là 61 nghìn tấn...

Điều đáng nói, mặc dù lượng đường tồn kho khá lớn nhưng nhiều nhà máy vẫn đang tiếp tục sản xuất, khiến cho sản lượng đường tồn kho có khả năng tăng cao trong thời gian tới.

Theo dự báo, trong tháng 5 này sẽ có thêm khoảng 150 nghìn tấn đường được sản xuất ra và bổ sung vào nguồn cung vốn đang dư thừa.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đường tồn kho cao như hiện nay. Trước hết là do ảnh hưởng của thời tiết dẫn đến chậm thời vụ ép của nhiều nhà máy đường ở khu vực miền trung,

Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long. Sau là do nhu cầu tiêu thụ đường trong nước sau Tết Nguyên đán thường giảm, trong khi các nhà máy đường lại đồng loạt vào vụ ép mới. Bên cạnh đó là sức ép cạnh tranh từ đường nhập từ nước ngoài.

Bộ Công thương cho biết, năm 2017, nước ta tiếp tục phải nhập khẩu 89,5 nghìn tấn đường theo cam kết WTO. Mặc dù số lượng đường nhập khẩu không quá lớn, nhưng cũng là một áp lực cho doanh nghiệp sản xuất đường trong nước bởi giá cả và tâm lý của người tiêu dùng.

Ngoài ra, đường nhập lậu, hay gian lận thương mại thông qua “tạm nhập tái xuất” trong thời gian qua cũng ảnh hưởng tiêu cực đến việc tiêu thụ đường trong nước.

Để hỗ trợ các nhà máy đường đẩy mạnh tiêu thụ, giảm lượng đường tồn kho đang quá cao, cùng với việc tăng cường công tác quản lý thị trường để giảm đến mức thấp nhất lượng đường nhập lậu, nên chăng Bộ Công thương xem xét cho phép lùi thời điểm nhập khẩu đường theo hạn ngạch thuế quan năm 2017 vào quý cuối năm.

Bên cạnh đó, các nhà máy đường cần chủ động xây dựng kế hoạch thu mua nguyên liệu phù hợp năng lực sản xuất, cũng như điều chỉnh giá bán hợp lý để không tạo ra sự chênh lệch quá lớn giữa giá đường sản xuất trong nước và giá đường nhập khẩu, góp phần giảm lượng đường tồn kho, giúp người tiêu dùng và doanh nghiệp chế biến các sản phẩm có đường giảm giá thành sản phẩm.

Về lâu dài, các doanh nghiệp mía đường cần xây dựng chuỗi giá trị cho ngành đường từ khâu sản xuất, thu hoạch, chế biến đến tiêu thụ theo hướng quản lý và điều tiết hợp lý.

Trong đó chú trọng đẩy mạnh phát triển hệ thống phân phối, cũng như thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để giới thiệu về chất lượng đường và các sản phẩm chế biến có đường sản xuất trong nước đến tay người tiêu dùng.

Nguồn Báo Nhân dân

Tin cùng chuyên mục