Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Làm đẹp cho tầm vông
Chủ nhật: 23:00 ngày 15/09/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Xước thì dùng dao bén lớn róc cho hết vết xước rồi trám keo vào. Chỗ nào nứt thì quẹt một vệt keo kéo dài theo vết nứt và dùng con dao nhỏ ém thật nhanh vệt keo đó xuống cho keo không tràn ra ngoài.

Chị Gái với công việc “làm đẹp tầm vong”.

Dọc theo các con đường của ấp Long Kim, nơi mệnh danh là “đại bản doanh” của nghề mây-tre-lá (xã Long Thành Trung, huyện Hoà Thành), ta dễ dàng thấy không ít phụ nữ  tham gia làm nghề. Với nhiều người, đây là nghề truyền thống của gia đình. Từ hơn 10 tuổi, nhiều bé gái ở đây đã biết lựa tầm vông suôn cho vào máy cắt, xếp đọt tầm vông vào đống gọn gàng.  Riêng nghề “làm đẹp cho tầm vông” thì phải cần người có bàn tay khéo léo và tỉ mỉ cùng cái lưng “chịu ngồi” mới làm được.

Làm đẹp cho tầm vông là gì? Chính là trám keo (khằn trét ghe) vào các chỗ xước, vết nứt trên sản phẩm bằng tầm vông để sản phẩm hoàn hảo. Tầm vông sau khi cắt theo kích cỡ của đơn hàng (bàn, ghế, giường, cũi trẻ em, thang…) thì cho vào máy lau cho sạch bụi bẩn. Công đoạn lau tầm vông tuy nhẹ nhưng nhiều bụi và máy khá ồn ào.

Tầm vông lau sạch phải qua công đoạn sấy. Sấy xong sẽ qua các công đoạn khác như khoan răng, khoan “mộng” để ráp sản phẩm. Sản phẩm ráp xong nhưng vẫn chưa thể gọi là hoàn tất để xuất hàng mà còn qua công đoạn đánh vec-ni để chống mối mọt và trám keo vào các vết nứt của cây mà trong quá trình sản xuất đã khiến cây nứt.

Chị Lê Thị Gái, 36 tuổi, là một trong những nhân công theo nghề này được tám năm nay cho biết: “Cây tầm vông trong quá trình cắt, khoan sẽ bị nứt hoặc xước vỏ. Hàng mình xuất đi thì cần an toàn tuyệt đối cho khách và đẹp mắt. Nếu không trám keo (chị gọi khằn là keo) vào các vết nứt thì sản phẩm sẽ mất đẹp. Mấy chỗ xước vỏ cũng cần trám keo luôn, vì nếu để vậy vết xước sẽ cắt đứt tay người sử dụng”.

Một ngày của chị Gái bắt đầu từ 8 giờ sáng, sau khi cho con cái đi học hoặc lo cơm nước nhà cửa xong xuôi. Chị đi làm cùng “bộ đồ nghề” là chiếc ghế ngồi, hai cây dao lớn - nhỏ nhưng bén và chiếc lon để đựng nước. Tuýp “keo” do chủ cơ sở giao cho khi thợ đến làm. Chị Gái múc một lon nước, ngồi bên đống sản phẩm mà thợ trong xưởng đã làm xong, cầm từng món lên kiểm tra xem nơi nào xước, nơi nào nứt.

Xước thì dùng dao bén lớn róc cho hết vết xước rồi trám keo vào. Chỗ nào nứt thì quẹt một vệt keo kéo dài theo vết nứt và dùng con dao nhỏ ém thật nhanh vệt keo đó xuống cho keo không tràn ra ngoài. 

Cây dao nhỏ sau khi ém nhanh vệt keo thì nhúng vào lon nước, để chậm keo sẽ dính cứng vào dao khó sử dụng tiếp. Công việc đòi hỏi có đôi mắt tinh và đôi tay nhanh. Tiền công lao động của chị cả ngày là 120 ngàn đồng. “Giá công lao động thấp vì làm tới 3 giờ là xong rồi. Làm nữa trời tối lắm, keo trét vào vết nứt sẽ không kỹ được, sản phẩm không đẹp”, chị Gái cho biết.

Bàn tay chị Gái thoăn thoắt đưa những đường keo trám kín các vết nứt trên sản phẩm tầm vông. Quanh chỗ chị ngồi dậy mùi thơm ngọt đặc trưng của làng nghề truyền thống này.

TRANG ĐÀO

 

data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục