BAOTAYNINH.VN trên Google News

Làm hoa bằng tiền thật có vi phạm pháp luật ? 

Cập nhật ngày: 16/10/2021 - 10:44

BTNO - Vào các ngày lễ lớn trong năm hay những dịp đặc biệt như sinh nhật, kỷ niệm ngày cưới… không khó để bắt gặp những tờ tiền thật với đủ mệnh giá xếp thành hình bó hoa rất đẹp, bắt mắt, được rất nhiều người lựa chọn làm quà tặng.

Làm hoa bằng tiền gây nát, hư hỏng, huỷ hoại tiền có thể bị xử phạt.

Chị N.T.N.H (ngụ huyện Châu Thành) - một người kinh doanh cho biết: “Khách hàng chủ yếu đặt các bó hoa làm từ tờ 10.000, 20.000, 50.000 đồng, có giá trị khoảng 200.000 – 500.000 đồng, vừa lên màu đẹp, hợp túi tiền, vừa không cảm thấy lãng phí”.

Chị H cho hay, những tờ tiền làm hoa đều phải mới, đẹp, không nếp nhăn, người bó hoa phải rất tỉ mỉ, cẩn thận. Trung bình người làm mất từ 2-3 tiếng đồng hồ mới hoàn thành một bó hoa làm bằng tiền. Đối với những bó hoa có giá trị vài triệu đồng, khách hàng đặt mua phải cọc tiền trước.

Bên cạnh đó, không ít người còn kinh doanh loại cây tiền tài lộc (sử dụng tiền thật để trang trí cây) mệnh giá tiền từ 1.000, 2.000, 5.000 đồng. Tiền được dùng chỉ gấp, tạo hình thành những cánh hoa, chim công, chim phượng… và dùng keo gắn vào cây (không cắt, xé, đốt, keo dính trên tiền hơ nóng là có thể tách ra). Một số người bán chia sẻ, cây tiền tài lộc mang yếu tố phong thuỷ, đem phúc lộc, may mắn, tiền tài đến cho gia đình người sở hữu nên được rất nhiều người tìm mua. 

Có thể thấy, những cây hay bó hoa làm từ tờ tiền thật ngày càng được nhiều người yêu thích, nhưng không ít người tỏ ra lo lắng, lo sợ điều này sẽ vi phạm pháp luật. Anh Minh Tiến (ngụ thị xã Hoà Thành) chia sẻ: “Tôi thấy bó hoa bằng tiền rất độc, lạ và đẹp, định mua tặng vợ nhân ngày phụ nữ Việt Nam 20.10 sắp tới. Nhưng tôi khá lo lắng, không biết việc mua bán, trao đổi tiền thế này có vi phạm pháp luật không?”.

Luật sư Phan Văn Vĩnh, Đoàn Luật sư Tây Ninh cho biết, về vấn đề này, có một số quy định pháp luật tại 2 văn bản sau: khoản 2, Điều 3 Quyết định số 130/2003/QĐ-TTg ngày 30.6.2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo vệ tiền Việt Nam quy định nghiêm cấm hành vi huỷ hoại tiền Việt Nam bằng bất kỳ hình thức nào; khoản 3, Điều 31 Nghị định 88/2019/NĐ-CP ngày 14.11.2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng nêu rõ phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng đối với hành vi phá hoại, huỷ hoại tiền Việt Nam trái pháp luật. Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như tịch thu toàn bộ tang vật, phương tiện thực hiện hành vi vi phạm và giao cơ quan có thẩm quyền xử lý.

Như vậy, có thể thấy Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định pháp luật đã mở rộng thêm hành vi phá hoại bên cạnh hành vi huỷ hoại tiền Việt Nam. Có thể hiểu hành vi làm cho đồng tiền bị hư hỏng là huỷ hoại, còn hành vi phá hoại được xác định là hành vi của người có ý thức, cố ý làm cho đồng tiền có thể bị hư hỏng, như xếp, gấp, dán keo, tạo hình, viết vẽ trên đồng tiền không thể bôi xoá, khắc phục...

“Quy định là vậy, nhưng có một số vấn đề khó khăn trong việc xác định hành vi vi phạm như ranh giới giữa cố ý hay vô ý trong trường hợp này không thực sự rõ ràng; việc dùng tiền làm hoa tặng cho bạn bè, người thân thông thường không xảy ra hậu quả. Trong nhiều trường hợp, mục đích của người tặng trong suy nghĩ chủ quan là để nâng cao giá trị món quà mà không lãng phí, vì người được tặng sẽ tiếp tục dùng số tiền đó đúng như chức năng vốn có của nó.

Vì vậy, người làm đã thao tác một cách tỉ mỉ, chỉ tạo dáng những bó hoa, lẵng hoa, giả cây… mà không làm biến dạng hoặc hư hại đồng tiền. Mọi người cần biết, nếu xác định là hành vi vi phạm, ngoài việc xử phạt hành chính, ở một số trường hợp sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự (nếu đã bị xử phạt vi phạm hành mà còn vi phạm)”- luật sư Vĩnh chia sẻ.

Thiên Di