Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Đưa tôi đi dọc con hẻm số 5, đường Nguyễn Văn Linh, xã Long Thành Bắc, huyện Hoà Thành, chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh- Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Long Thành Bắc cho biết: “Các gia đình trong con hẻm này đều theo nghề làm nhang, tuy cực nhưng vui, thu nhập cũng ổn định”.
Chị Út đứng máy se nhang ở cơ sở cô Thoa.
Chúng tôi đến cơ sở làm nhang của cô Hồ Thị Kim Thoa, sinh năm 1956. Cô kể: “Cô biết làm nhang tư hồi 12 tuổi. Hồi đó, cô còn làm nhang se tay chứ không phải se máy như bây giờ. Sáng ra, lên bàn ngồi, mỗi người một cục bột nhang và một mớ chân, se từng cây nhang, không đều nhau đâu, cây ốm cây mập nhưng phải cố gắng làm sao cho đều… Lớn lên lập gia đình, chồng con cũng theo nghề làm nhang. Nay hai con trai của cô lớn hết, cũng sống nhờ nghề này. Hơn 30 năm nay, cô cực lắm vì làm suốt ngày, nhưng vui vì tự làm chủ…”.
Cô Thoa làm nhang và nhận cung cấp nguyên liệu ngành nhang như chân, bột, mùi hương, giấy gói… cho nhiều hộ khác ở địa phương. Hiện cơ sở của cô Thoa có hai nhân viên đứng máy se, là chị Út và chị Thắm, mỗi ngày một người se 50-60 kg bột, tiền gia công là 4.000 đồng/kg, cơm trưa không tính. Ngày làm việc của họ bắt đầu từ 5 giờ sáng và kết thúc lúc 3 giờ chiều, vì khi ấy nắng xuống thấp, không phơi nhang được. Chị Út cho biết: “Tôi cũng hơi lớn tuổi rồi, 50 rồi đó, nên xin việc ở xí nghiệp cũng khó, có khi lại không làm nỗi. Chị Thoa nhận tôi vô đứng máy se nhang, nay cũng 5, 6 năm rồi, bao cơm trưa luôn nên xem như mỗi ngày mình cũng được 200 ngàn, không dầm mưa dang nắng mà thu nhập vậy là khá rồi”.
Mỗi tháng cơ sở của cô Thoa xuất đi, thường là các tỉnh miền Tây Nam bộ, hơn 2 tấn nhang, gồm cả nhang thường (cây nhỏ) và nhang trường (cây lớn).
Nghề làm nhang lúc nào cũng tất bật, thường là “trắng đêm” vào những tháng giáp Tết hay dịp Trung thu.“Lúc đó, từ người già tới người trẻ của xóm làm nhang này không ai được ngủ vì điện thoại chủ hàng cứ réo gọi liên tục. Mà đâu chỉ nhang thơm, nhang trường mà còn nhang vòng, nhang thường xuất sang Campuchia nữa. Lợi thế của nghề nhang Long Thành Bắc là gần Toà thánh Cao Đài Tây Ninh nên sống được và phát triển tới giờ”- cô Thoa cho biết thêm.
Theo chị Hạnh, nghề làm nhang không cần nhiều vốn, chỉ cần một chiếc máy se và giàn phơi, bột, hương liệu là làm được. Nhưng một hộ làm nhang phải có ít nhất hai thành viên để đứng máy se và phơi. Tổng vốn đầu tư cho một hộ làm nhang khoảng 20 triệu đồng. Khá đông chị em trong xã đã vay vốn từ Hội phụ nữ để phát triển kinh tế hộ gia đình. “Ai không thể tự làm, có thể đi se thuê cho cơ sở lớn, thu nhập cũng ổn định”, chị Hạnh cho biết.
TRANG ĐÀO