BAOTAYNINH.VN trên Google News

Lạm phát: Bộ trưởng bảo yên tâm, Thường vụ QH nói chớ chủ quan

Cập nhật ngày: 19/03/2010 - 05:37

Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh

Mở màn phiên chất vấn sáng 19.3, các câu hỏi đặt ra với Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh xoáy vào 4 nhóm vấn đề: kiềm chế lạm phát; huy động và giải ngân trái phiếu Chính phủ; quản lý vốn, tài sản Nhà nước; trách nhiệm của Bộ trước việc thua lỗ kéo dài của một số doanh nghiệp, đặc biệt tại Công ty cổ phần hàng không Jetstar Pacific (JPA).

Còn nhiều yếu tố ảo

Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý I tăng khá nhanh, dự báo khoảng 4%. Như vậy, đã chiếm gần 60% chỉ tiêu Quốc hội cho phép.

Ông lo ngại về khả năng lạm phát năm 2010 sẽ tăng cao, vượt mức 7% mà Quốc hội đề ra cho năm 2010.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh, chỉ số giá tiêu dùng tháng 1-2 so với nhiều năm là "bình thường, không có gì đột biến. Việc điều chỉnh giá điện, than, nếu quản lý tốt sẽ tác động không lớn đến CPI".

Ông Ninh phân tích, CPI tháng 3 tại hai thành phố lớn là Hà Nội khoảng 0,3-0,4%, TP.HCM còn thấp hơn. Dự đoán, CPI tháng 3 khoảng 0,5-0,6%, cộng với hai tháng chiếm khoảng 50% chỉ số giá Quốc hội cho phép. Ông tin rằng "Chính phủ hoàn toàn có khả năng và điều kiện khống chế được lạm phát".

Tuy nhiên, ông Phùng Quốc Hiển vẫn chưa hết băn khoăn. Ông lưu ý, quy luật cho thấy hai tháng đầu năm giá cả tăng mang tính chất thời vụ, nhưng sau đó đến tháng 3 lại giảm.

Chẳng hạn, năm 2006, CPI tháng 3 giảm 0,5%, năm 2007 giảm 0,2%, năm 2009 giảm 0,17%. Song, có hai năm CPI không theo quy luật này, với biểu hiện bất thường là năm 2008, tăng 2,88% kéo CPI cả năm lên tới 19,96%. Năm 2010 cũng vậy khi dự báo CPI tháng 3 tăng 0,65%.

Vị Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội ngại rằng lạm phát năm 2010 sẽ "theo chân" năm 2008.

Chính Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cũng thừa nhận rằng phân tích đó có lý. Ông giải thích, CPI tháng 3 năm nay tăng do giá điện, giá than tăng. Song điều này lại trái ngược với chính lời ông đã giải thích ở trên.

Để trấn an các đại biểu, ông Ninh thông báo mới đây Bộ Tài chính đã chỉ đạo nhiều biện pháp kìm giá, ví như từ nay đến hết năm 2010 sẽ không điều chỉnh giá điện, giá than bán cho điện; đến hết tháng 6, nếu giá xăng dầu thế giới tăng, sẽ giãn thời gian điều chỉnh tăng giá xăng trong nước lên 20 ngày, thay vì chỉ 10 ngày như hiện nay...

Mặc dù vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên vẫn lưu ý, còn nhiều yếu tố ảo dẫn tới tăng giá, cần phải kiểm soát chặt. Tuy CPI có tăng giống các năm trước, nhưng trên cơ sở mặt bằng giá mới, tác động đến đời sống người dân nên Chính phủ không được chủ quan.

Việc tăng giá xăng, điện, tuy thực hiện theo lộ trình nhưng phải cân nhắc về thời điểm, mức độ điều chỉnh do tác động liên hoàn tới giá cả nói chung.

Đã từng đặt vấn đề giải thể Jetstar Pacific 
Liên quan đến việc quản lý sử dụng vốn tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và liên doanh với nước ngoài, vấn đề tại sao không cho phá sản JPA (khi đó là Pacific Airlines) khi công ty thua lỗ 14 năm liền.

Từ năm 1991 đến năm 2005, JPA lỗ lũy kế 360 tỷ đồng, nợ không có khả năng thanh toán 340 tỷ đồng và âm vốn 320 tỷ đồng.

Có đến 3 đại biểu chất vấn Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, rằng cần phải xem xét hoạt động của JPA như thế nào nếu liên doanh này tiếp tục hoạt động thua lỗ (Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Lê Quốc Dung) và tại sao không giải thể JPA (Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng - An ninh Lê Quang Bình; đại biểu Nguyễn Văn Thuyết - Yên Bái). Trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc để JPA thua lỗ mà trả lương lãnh đạo lại cao ngất?

JPA đã từng bị đặt vấn đề giải thể năm 2005 khi thua lỗ kéo dài. 

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho hay, năm 2005 đúng ra JPA đã phải giải thể. Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận và xem xét lại toàn bộ hồ sơ, Bộ Tài chính nhận thấy cần để JPA tồn tại để phát triển một thị trường hàng không nội địa cạnh tranh.

Hơn nữa, việc đánh giá thương hiệu của JPA thời điểm đó là 166 triệu USD, nên giữ lại và đề xuất phương án tái cơ cấu. Khi đó, nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng bỏ vốn. Cuối cùng, tập đoàn Qantas của Australia đồng ý mua 30% vốn của JPA, hiện đã nộp 45 triệu USD.

"Đến nay, tuy hoạt động gặp nhiều khó khăn nhưng từ 1 máy bay nay hãng có 6, chiếm thị phần 20% thị trường hàng không nội địa. Giả dụ nếu có bán JPA hiện nay cũng rất nhiều người mua", ông Ninh bênh vực.

Người đứng đầu Bộ Tài chính nói thêm, đây là công ty cổ phẩn, hoạt động theo luật Việt Nam và Australia, hai bên cùng chịu trách nhiệm. Bộ không quản lý trực tiếp mà thông qua đại diện diện là SCIC.

Khi đó, JPA đã thuê tư vấn xây dựng chiến lược phát triển 10 năm là có lãi nên lương cao, nhưng sau đó không được như vậy Bộ Tài chính đã chỉ đạo cắt giảm. Năm 2009, JPA đã cắt giảm 6 triệu USD tiền lương.
Đối với các DNNN khác, đại biểu Lê Quốc Dung nhận xét việc cổ phần hóa "quá chậm". Theo ông, cần đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu những doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm vốn. Hay SCIC hiện nắm quá nhiều đầu mối, lên tới hơn 900 đơn vị, là không cần thiết.

Ông Vũ Văn Ninh cho biết nguyên nhân cổ phần hóa chậm do bán vốn cho cổ đông chiến lược rất khó khăn, chẳng hạn như ở Ngân hàng Công thương và Ngoại thương. Hơn nữa, như lời Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên, thời gian cổ phần hóa cần gắn với sự phát triển của thị trường chứng khoán.

Về SCIC hàng năm đều có bán vốn Nhà nước tại hơn 900 đầu mối nhận về. Với cơ cấu 87% doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ vốn sẽ tiến tới cần phải bán, bán càng nhanh càng tốt nhưng không để thất thoát. Hiện SCIC chỉ nắm 1,8% tổng vốn của DNNN, còn phần lớn ở các tập đoàn, tổng công ty.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nhắc nhở, nếu các DNNN thua lỗ kéo dài, phải có lộ trình cụ thể, có biện pháp cụ thể với từng DN như cơ cấu lại, chuyển đổi hoặc phá sản... Các biện pháp này thời gian qua mới nói nhiều nhưng xử lý chậm, cần đặt ra mốc cuối cùng để xử lý.  

Về lãi suất thỏa thuận đối với các khoản vay trung và dài hạn, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu phát biểu, Ngân hàng Nhà nước đã có thông tư hướng dẫn. Do có tác dụng trả lại cung cầu theo thị trường, các chuyên gia cơ bản là ủng hộ. Thời gian qua, các ngân hàng cho vay lãi suất thoả thuận ở mức 14-15%, còn các ngân hàng TMCP phổ biến ở mức 16-17%, cá biệt có ngân hàng cho vay với lãi suất 18%, thậm chí 20%.

Tính đến nay, tiền gửi của người dân tăng 8% so với cuối năm 2009.

Ông Giàu cho biết, năm nay Quốc hội đặt chỉ tiêu chỉ số giá tiêu dùng không quá 7%, Ngân hàng Nhà nước sẽ cố gắng đưa lãi suất chung bám sát chỉ tiêu định hướng này.

(Theo Vietnamnet)