BAOTAYNINH.VN trên Google News

Làm rõ những băn khoăn về học phí

Cập nhật ngày: 10/06/2009 - 03:35

Với khoảng 20 phút phát biểu, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân, thay mặt Ban soạn thảo Đề án Đổi mới cơ chế tài chính giáo dục 2009-2014, đã làm rõ những vấn đề các đại biểu Quốc hội, cử tri quan tâm, đặc biệt là nội dung liên quan đến học phí, vấn đề đang làm “nóng” nghị trường Quốc hội cũng như dư luận.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định thực hiện cơ chế học phí mới không có các khoản đóng thêm

Vấn đề đầu tiên vị “Tư lệnh” ngành Giáo dục khẳng định tại phiên thảo luận ở hội trường Quốc hội ngày 9.6 là đây không phải Đề án của Bộ Giáo dục và Đào tạo mà là Đề án của Chính phủ trình Quốc hội. Đề án đã được Thường trực Chính phủ xem xét tại 2 cuộc họp, đã xin ý kiến Bộ Chính trị trước khi trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Đồng thời, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đây không phải là đề án tăng học phí như nhiều cơ quan thông tin đã đưa mà là đề án đổi mới cơ chế tài chính gồm 8 nội dung, nhằm “4 tăng”: tăng hiệu quả đầu tư cho giáo dục - đào tạo, tăng số người đi học, đặc biệt là người nghèo đi học sẽ tăng thêm, tăng chất lượng về giáo dục và tăng tính bền vững của hệ thống giáo dục.

Phá vòng luẩn quẩn

Đề án hướng tới mục tiêu gì? Theo Phó Thủ tướng, Đề án xác định 2 khâu đột phá để phá vòng luẩn quẩn về kinh tế. Khi kinh tế phát triển chậm thì đầu tư Nhà nước cho giáo dục còn ít. Thu nhập nhân dân thấp, đầu tư gia đình cho giáo dục cũng ít. Từ hai cái ít đó thì điều kiện vật chất để nâng cao chất lượng giáo dục hạn chế mà chất lượng nguồn nhân lực hạn chế thì hiệu quả kinh tế thấp, theo đó kinh tế lại tăng trưởng chậm.

“Đây là vòng kinh tế luẩn quẩn mấy chục năm như vậy, trong khi nguyện vọng người dân là ngày càng được học tốt hơn”, vị "Tư lệnh" có nhiều tâm huyết với ngành Giáo dục trình bày.

Hai khâu đột phá Đề án hướng đến là làm sao sử dụng kinh phí hiệu quả hơn và tăng được nguồn lực của Nhà nước và nhân dân cho giáo dục .

Phó Thủ tướng nêu ra một thực tế là có hơn 20 địa phương hàng năm không chi hết ngân sách giáo dục theo quy định của Nhà nước, có một số nhà trường, hiệu trưởng chưa quan tâm đúng mức chất lượng, chưa sử dụng hiệu quả kinh phí. Phó Thủ tướng khẳng định, sẽ có chế tài để khắc phục thực trạng này và kiến nghị cho phép triển khai sớm 7 nội dung khác của Đề án ngoài vấn đề học phí.

Nhà nước luôn là người gánh chính

Trước băn khoăn về mức học phí phổ thông, mầm non, Phó Thủ tướng cam kết, Nhà nước luôn là người gánh chính. Bởi nếu tính chi phí bình quân 1 em học mầm non, phổ thông khoảng 2,5 - 3 triệu đ/năm và yêu cầu gia đình trả thì không thể trả được.

Vậy phụ huynh chịu đến đâu? Có đại biểu nêu hình như Chính phủ tính ngược. Ví dụ đối với1 em học mầm non cần 2,9 triệu đồng thì Chính phủ xác định xem gia đình đóng được bao nhiêu, còn lại Chính phủ mới gánh là ngược, mà phải là Chính phủ hỗ trợ được bao nhiêu, còn lại gia đình chịu.

“Chúng tôi phải làm ngược lại là chi 2,9 triệu đồng để 1 cháu đi học được 1 năm và gia đình có thể đóng được bao nhiêu, còn lại Nhà nước lo hết. Cách tính đấy là cố tình để học phí không bao giờ là gánh nặng cho gia đình”, Phó Thủ tướng lý giải.

Kết quả tính thử học phí

Trước băn khoăn về cách tính học phí của nhiều đại biểu, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết đã đề nghị một số tỉnh tính thử theo Đề án thì thấy rõ vùng khó khăn được hỗ trợ nhiều hơn.

Chẳng hạn, tỉnh Lạng Sơn, nếu áp dụng phương pháp này thì khu vực thành phố sẽ đóng góp nhiều hơn, từ 2.000-25.000 đồng, còn ở các vùng thị trấn, miền núi thì giảm từ khoảng 10.000-14.000 đồng.

“Tóm lại phương pháp tính này cũng không quá phức tạp, chúng tôi đề nghị từ nay đến ngày 19.6 trước khi Quốc hội biểu quyết thì các tỉnh đều tính xong và các đại biểu có thể xem bản tính của địa phương mình”, Phó Thủ tướng cho biết.

Cũng có ý kiến nói rằng đóng góp theo khả năng mà không quá tải thì cũng được, nhưng những người có thu nhập cao đã đóng thuế thu nhập thì có bình đẳng hay không?

Theo Phó Thủ tướng, thu nhập bình quân đầu người 5 triệu đồng trở lên mới đóng thuế thu nhập, nếu tính bình quân không có địa phương đạt thu nhập bình quân đến 3 triệu đồng thì những người đóng học phí đều thuộc nhóm đóng góp với mức gần như tương đương.

Còn với đối tượng thu nhập trên 5 triệu đồng mà đóng bằng mức thu nhập 2 triệu, thì cũng không gây gánh nặng cho các gia đình này. “Đề án chưa đụng chạm đến vấn đề mất công bằng trong thuế thu nhập”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Ưu tiên trẻ học mầm non

Có thể miễn học phí cho trung học cơ sở được không? Phó Thủ tướng cho rằng, vì hiện ngân sách còn hạn chế, chưa thể miễn được, sau này thu xếp được nguồn thì có thể miễn. Nếu chúng ta miễn học phí cho 2 học sinh ở vùng thành phố thì Nhà nước phải bù chi phí để 1 em khác đi học. Cho nên trong ngắn hạn để có nhiều em đi học, nhà nước chi tối đa, đồng thời ai có khả năng thì góp thêm để có thêm nhiều em được đi học.

Về mầm non, theo báo cáo, năm 2000, tỷ lệ trẻ đi học mầm non chỉ 48%, đến nay tỷ lệ đi học lên tới 70%. Kinh phí cho mầm non năm 2000 chiếm 6,88% ngân sách giáo dục và năm 2008 chiếm 8,5%.

Như vậy vừa qua ngân sách dành cho mầm non có tăng và tỷ lệ trẻ đi học mầm non tăng khá mạnh trong 8 năm vừa qua. 70% trẻ từ 3 - 5 tuổi đi học mầm non là nhiều hay ít? Phó Thủ tướng đặt câu hỏi đồng thời đưa ra các so sánh. Ở Trung Quốc, tỷ lệ trẻ từ 3 - 6 tuổi đi học là 36%, Cuba 100% nhưng chỉ có 30% đến trường tập trung còn 70% được nhà nước hỗ trợ hướng dẫn thêm ở nhà. Và ở Mỹ, trẻ 3 - 5 tuổi đi mẫu giáo là 61%, thấp hơn chúng ta.

Như vậy trong điều kiện vừa qua chúng ta có đầu tư tập trung nhiều hơn cho mầm non. Trong điều kiện ngân sách hiện nay và sắp tới của nước ta, ngành Giáo dục đang xây dựng đề án tập trung cho mầm non 5 tuổi để tất cả các cháu có thể đi học, đặc biệt là vùng miền núi.

Không có khoản đóng thêm

Phó Thủ tướng khẳng định thực hiện cơ chế học phí mới không có các khoản đóng thêm. Nhưng từng cá nhân muốn đóng theo điều kiện thì cũng khuyến khích và có cách thu nhận phù hợp.

Kết thúc phần phát biểu, Phó Thủ tướng kiến nghị lộ trình, năm 2009 tập trung triển khai quyết liệt 7 giải pháp liên quan đến mức học phí. Về đào tạo nghề như đại học, cao đẳng, điều chỉnh được mức bù một phần mất giá. Năm sau sẽ triển khai chung các phần còn lại và năm 2012 sơ kết, năm 2014 có tổng kết để chuẩn bị các bước tiếp theo.

Kết thúc phần thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên kết luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến Quốc hội sẽ ra nghị quyết về chủ trương định hướng đổi mới một số cơ chế tài chính trong giáo dục đào tạo. Ủy ban sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo chuẩn bị nghị quyết theo hướng trên, gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội sau đó trình Quốc hội thông qua vào phiên họpcuối kỳ họp.

"Đây không phải nghị quyết của Quốc hội thông qua Đề án Đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục đào tạo, mà chỉ là nghị quyết về chủ trương định hướng đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo để phù hợp với chức năng và thẩm quyền của Quốc hội. Còn những vấn đề cụ thể do Chính phủ cụ thể hoá và quyết định cho phù hợp và tổ chức chỉ đạo thực hiện trên thực tế", Phó Chủ tịch chốt lại.

(Theo chinhphu.vn)