BAOTAYNINH.VN trên Google News

Làm thế nào để tăng số lượng và chất lượng đàn bò sữa?

Cập nhật ngày: 07/04/2009 - 09:44
So với các vùng lân cận, con bò sữa ở Trảng Bàng phát triển chậm về số lượng, kém hơn về chất lượng

Theo số liệu gần đây nhất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh, tính đến năm 2008 toàn tỉnh Tây Ninh có 1.407 con bò sữa. Trong đó số bò vắt sữa khoảng 700 con, với sản lượng 5,5 tấn sữa tươi/ngày. Trên địa bàn tỉnh có một điểm thu mua sữa bò tươi của Công ty Foremost, đặt tại xã An Tịnh (Trảng Bàng), với số lượng thu mua khoảng 4,5 tấn sữa/ngày. Ngoài ra một bộ phận người chăn nuôi ở Tây Ninh còn hợp đồng với Công ty Vinamilk bán sữa tươi tại điểm thu mua ở huyện Củ Chi (thành phố Hồ Chí Minh), một số ít tiêu thụ sữa tươi tại chỗ. Số hộ chăn nuôi bò sữa chủ yếu tập trung ở huyện Trảng Bàng.

Trích dẫn các số liệu trên, trong một cuộc hội thảo gần đây tại Tây Ninh, các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam nhận xét, việc phát triển đàn bò sữa trên địa bàn Tây Ninh nói chung, ở huyện Trảng Bàng nói riêng như vậy là quá chậm. Nông dân Tây Ninh bắt đầu nuôi bò sữa đã hơn 10 năm qua, vậy mà đến nay, mới có hơn 1.400 con là quá thấp và thua rất xa số lượng đàn bò sữa vùng lân cận là huyện Đức Hoà (tỉnh Long An). Trong đàn bò 1.400 con mà chỉ có khoảng 700 con đang cho sữa thì tỷ lệ bò cho sữa so với tổng đàn là quá thấp (chưa được 50%). Thông thường tỷ lệ bò cho sữa trong tổng đàn phải đạt từ 65% đến 75% thì người nuôi mới có lời. Đồng thời trong số 700 con bò cho sữa, mỗi ngày chỉ thu được khoảng 5,5 tấn sữa tươi, tính ra bình quân một con bò sữa thu hoạch chưa đến 8 kg/ngày/con. Đây là năng suất thấp, thua xa năng suất bò sữa của các huyện lân cận như Đức Hoà hay Bến Cát (Bình Dương). Mỗi ngày một con bò sữa ở Trảng Bàng vắt được chưa đến 8 kg, tính ra cả chu kỳ cho sữa của 1 con bò ở Trảng Bàng bình quân chỉ có hơn 2 tấn. Trong khi đó năng suất sữa ở những nơi khác bình quân trên 4 tấn/con/ chu kỳ. Tại cuộc hội thảo, các nhà khoa học nêu ra câu hỏi: Vì sao con bò sữa Trảng Bàng phát triển chậm cả về số lượng lẫn chất lượng so với vùng lân cận? Trong khi điều kiện chăn nuôi bò sữa của Trảng Bàng không thua kém gì các vùng lân cận! Đáng tiếc là câu hỏi này chúng tôi chưa được nghe câu trả lời cụ thể tại buổi hội thảo.

Để tìm hiểu thêm nguyên nhân vì sao số lượng đàn bò sữa của tỉnh ta nói chung, của Trảng Bàng nói riêng phát triển quá chậm, chúng tôi lại về vùng chăn nuôi bò sữa ở Trảng Bàng và tìm đến một trong những người có nhiều năm kinh nghiệm nuôi bò sữa. Đó là gia đình anh Nguyễn Phước Chơn, ở xã An Hoà. Mới trước Tết Nguyên đán Kỷ Sửu đàn bò của anh Chơn có trên 30 con (kể cả bê), nay chỉ còn lại 25 con. Anh Chơn cho biết là vừa bán bớt, chứ để nhiều quá nuôi không xuể. Trong số 25 con bò sữa của anh Chơn có 13 con đang cho sữa, số còn lại bò hậu bị và bê con. Số lượng sữa tươi gia đình anh Chơn vắt được cũng 130-140 kg/ngày. Bình quân, mỗi con bò sữa ở đây cho được 10kg sữa/ngày. Đối với một người có nhiều năm kinh nghiệm, nắm khá vững kỹ thuật chăn nuôi và có nhiều điều kiện chăn nuôi như anh Chơn mà tỷ lệ bò cho sữa trong tổng đàn cũng chỉ hơn 50% và năng suất cho sữa cũng còn ở mức thấp hơn các nơi khác, thì những người chăn nuôi khác khó mà vượt qua được anh Chơn. Về giá bán sữa, hiện nay tại điểm thu mua ở Trảng Bàng người chăn nuôi bán cho công ty với giá bình quân 7.400 đồng/kg, giảm hơn cách đây mấy tháng khoảng vài trăm đồng/kg (giá trước đây bình quân 7.600-7.700 đồng/kg). Đây cũng là giá sữa mà công ty đã mua “ổn định” từ 3 năm nay, trong khi đó giá các loại thức ăn cho bò ngày càng tăng. Với giá hiện nay, tuy người chăn nuôi vẫn còn có lãi, nhưng mức lãi thấp, không hấp dẫn người chăn nuôi. Anh Chơn cho biết thêm, chính vì vậy mà suốt mấy năm nay toàn xã An Hoà cũng chỉ có 3 hộ nuôi bò sữa với số lượng bò sữa chưa bao giờ lên đến 100 con.

Trong dự thảo kế hoạch phát triển chăn nuôi đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, ngành chức năng có nêu: Đàn bò sữa giai đoạn 2010-2020 tăng bình quân trên 4,31%/năm, đạt khoảng 2.500 con vào năm 2010; năm 2015: 3.000 con và năm 2020: 4.000 con. Theo chúng tôi về chỉ tiêu số lượng, có lẽ ngành chức năng cũng cần xem xét lại, mấy năm qua đàn bò sữa phát triển rất chậm chạp. Theo số liệu trong báo cáo sơ kết quý I năm 2009 của UBND huyện Trảng Bàng, hiện nay đàn bò sữa của huyện là 1.579 con. Vậy thì làm cách nào để trong vòng hơn một năm rưỡi nữa tăng được gần 1.000 con bò (để đến năm 2010 có được 2.500 con) theo dự kiến? Con số này liệu có khả thi không? Trong khi đó giá sữa hiện nay không kích thích được người chăn nuôi, thậm chí có người bán bớt bò (như anh Chơn). Ngược lại suốt giai đoạn 10 năm sau (từ năm 2010 -2020) chỉ tăng thêm có 1.500 con bò sữa (chỉ tiêu năm 2020: 4.000 con), liệu có phải chỉ tiêu này là quá thấp không? Về giải pháp phát triển chăn nuôi, trong phần quy hoạch, ngành chức năng có nêu chăn nuôi bò sữa tập trung ở các huyện Trảng Bàng, Gò Dầu, Dương Minh Châu. Ngoài ra không thấy ngành chức năng nêu giải pháp nào cụ thể để tăng số lượng và chất lượng đàn bò sữa cả.

Khi được hỏi, dưới góc độ người chăn nuôi, làm thế nào để đàn bò sữa của huyện phát triển nhanh hơn? Nhiều người nuôi bò sữa ở Trảng Bàng cho biết, muốn cho đàn bò sữa phát triển nhanh hơn, điều trước tiên là kích thích người chăn nuôi bằng cách tăng giá sữa tươi lên. Nếu các công ty thu mua sữa không tăng giá, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ giá cho người chăn nuôi. Khi thấy chăn nuôi bò sữa có lãi cao, tất nhiên sẽ có nhiều người tập trung nuôi bò sữa. Kế đến Nhà nước cần có chính sách cho vay vốn ưu đãi và hỗ trợ lãi suất (như đã từng thực hiện dự án khuyến khích phát triển chăn nuôi bò sữa trước đây) để người chăn nuôi có điều kiện phát triển đàn bò bằng cách mua bò giống từ các vùng lân cận về. Giá một con bò sữa hiện nay khá cao, gần gấp đôi con bò vàng cùng trọng lượng. Giá một con bò sữa tốt và đang có chửa hiện nay khoảng 20 triệu đồng. Còn bê con vừa tẻ mẹ cũng 5- 6 triệu đồng/ con. Mà muốn nuôi bò sữa có lãi và sống được từ nghề nuôi bò sữa mỗi hộ chăn nuôi ít nhất cũng phải nuôi từ 5 con trở lên. Còn muốn nâng cao chất lượng bò sữa, ngành chức năng cần tăng cường hướng dẫn nông dân về cách chọn giống, về kỹ thuật chăn nuôi, nhất là đối với những người mới vào nghề; đồng thời có biện pháp quản lý tốt về nguồn tinh bò giống, tránh cho người chăn nuôi mua tinh bò giống trôi nổi không đảm bảo chất lượng. Đồng thời còn phải mở rộng các điểm thu mua sữa, để giúp người chăn nuôi không phải vận chuyển sữa từ điểm chăn nuôi đến điểm thu mua sữa quá xa, vừa tốt kém chi phí vận chuyển, vừa mất thời gian và khó bảo quản chất lượng sữa tươi.

D.H