BAOTAYNINH.VN trên Google News

“Làm theo Bác” từ những việc đơn giản

Cập nhật ngày: 01/08/2009 - 06:08

Hội nghị biểu dương những gương điển hình tiên tiến trong thực hiện cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh do Công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh (NN&PTNT) tổ chức diễn ra thật đơn giản, tiết kiệm nhưng không kém phần trang trọng. 10 tập thể và cá nhân tiêu biểu nhất đã được chọn để báo cáo tham luận. Không dài dòng, hoa mỹ, những điển hình chỉ nói ngắn gọn về hiệu quả công việc “làm theo Bác” mà họ đã làm được. Những tập thể lẫn cá nhân được tuyên dương đều thừa nhận: Chúng tôi thực hiện việc “học tập và làm theo Bác” bắt đầu từ những việc làm đơn giản, cụ thể nhất, hiểu sao làm vậy…

Các cá nhân điển hình của ngành NN&PTNT được tuyên dương.

Những công việc “đơn giản”- theo cách nói của những anh chị công đoàn viên trong ngành NN&PTNT tỉnh nhà thật ra đã đem lại hiệu quả đáng kể. Chẳng hạn như, anh em ở Tổ công đoàn chốt bảo vệ rừng Xa Mát- Suối Mây, thuộc BQL Khu rừng VHLS Chàng Riệc đã đóng góp công sức làm nên cây cầu tạm với kinh phí chỉ  khoảng… sáu trăm ngàn đồng bắc ngang qua Suối Mây để tạo thuận lợi trong việc đi lại tuần tra bảo vệ rừng. Anh em trong tổ cho biết, chốt Suối Mây gần như lọt thỏm giữa khu rừng. Nhiều khi đứng bên này suối thấy đối tượng lấy cắp lâm sản bên kia, nhưng khi anh em lội sang được đến nơi thì đối tượng đã tẩu thoát. Anh em ước ao có cây cầu bắc qua suối để việc đi lại nhanh chóng, thuận tiện hơn, nhưng lại không có kinh phí, vì theo tính toán sơ bộ, muốn làm một cây cầu gỗ cũng phải tốn vài chục triệu đồng. Đầu năm 2008, người có ý tưởng đầu tiên làm cây cầu tạm, không phải tốn nhiều tiền là anh Nguyễn Hoàng Kỵ, chốt trưởng. Anh Kỵ trình bày với Ban quản lý khu rừng nhưng ai cũng ái ngại, vì… biết tìm đâu ra nguồn kinh phí (?!). Với quyết tâm, đồng lòng của tất cả anh em trong chốt, mọi người bàn nhau “lên kế hoạch” và phân công công việc cụ thể, kết hợp đi tuần tra, tranh thủ tìm kiếm những cây rừng đã hỏng, có kích thước phù hợp, để chặt đẽo mang vác về làm cọc, làm đà dọc, đà ngang. Trong chốt có 9 anh em, tất cả đều nỗ lực, góp sức vào dựng lên cây cầu gỗ tạm. Thấy vậy, lãnh đạo BQL ủng hộ bằng cách trích một phần tiền công bảo vệ rừng, khoảng sáu trăm ngàn đồng, để anh em mua thêm vật tư đinh kẽm các loại. Cuối cùng cây cầu gỗ thô sơ hoàn tất có chiều dài 15 mét, ngang 1,5 mét. Sau hơn một năm vừa sử dụng, vừa tiếp tục gia cố, đến nay chiếc cầu gỗ này vẫn vững vàng qua những mùa mưa lũ. Hiện nay, anh em nhân viên ở chốt Suối Mây có thu nhập bình quân chỉ 1,2 triệu đồng/tháng. Cuộc sống của các anh vẫn còn nhiều vất vả, chỉ ở trong căn nhà tranh tạm bợ, không có điện sinh hoạt, phải hứng nước mưa hoặc đi lấy nước sinh hoạt cách 3-4 cây số, nhưng các anh vẫn không ngại khó, ngại khổ, quyết tâm bảo vệ sự bình yên cho khu rừng. Anh em khiêm tốn thừa nhận “Sáng kiến làm cầu gỗ tạm thật ra… không có gì lớn nhưng góp phần rất thiết thực trong việc thực hành tiết kiệm đúng tinh thần cuộc vận động học tập và làm theo gương Bác đề ra”.

Một tập thể điển hình khác là anh chị em cán bộ nhân viên Văn phòng Sở NN&PTNT. Anh Châu Văn Văn – Chánh văn phòng cho biết, Văn phòng Sở là nơi tập trung điều phối mọi công việc cần giải quyết của Sở, cũng là nơi phụ trách chi tiêu kinh phí hành chính. Thực hiện chủ trương tiết kiệm và cải tiến lề lối làm việc, văn phòng đã triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối toàn bộ hệ thống máy tính ở Sở để thuận tiện trong việc trao đổi thông tin, hạn chế sử dụng giấy mực phô- tô văn bản. Anh Văn dẫn chứng: trong 6 tháng đầu năm 2009, Văn phòng Sở đã tiếp nhận 3.832 công văn đến, bình quân hơn 600 văn bản/tháng. Đồng thời, Sở cũng phát hành đi 1.626 văn bản, bình quân hơn 300 văn bản/tháng. Với khối lượng văn bản lớn như thế nếu phô-tô gửi đến các đơn vị trực thuộc ngành, các huyện thị thì thật là tốn kém. Anh chị em trong Văn phòng đã tích cực học tập, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin vào công việc văn thư, cụ thể là tất cả công văn chỉ đạo trong ngành, hồ sơ chuyển đến và đi đều được xử lý trên mạng máy vi tính vừa nhanh chóng, tiết kiệm được giấy, mực in. Hiện nay, tất cả các văn bản đến sở, chỉ cần vài phút là được chuyển tải đến các phòng, ban, đơn vị trực thuộc bằng file văn bản, không tốn tờ giấy nào. Chỉ những văn bản nào thật sự bắt buộc mới chuyển bằng văn bản giấy in thông thường. Đặc biệt, Văn phòng cũng đã tham mưu BGĐ Sở xây dựng và đưa vào hoạt động website thông tin của ngành, trong đó phần lớn hoạt động chỉ đạo chuyên môn của Sở được “tin học hoá” bằng “siêu văn bản” (HTTM)… Nhờ những giải pháp trên, Văn phòng Sở đã tiết kiệm kinh phí được hơn 50 triệu đồng trong 6 tháng  đầu năm, tăng thêm thu nhập cho cán bộ, công chức trong cơ quan bình quân 200.000 đồng/người/tháng.

Những tập thể khác như BQL dự án đầu tư xây dựng ngành NN&PTNT vận dụng “làm theo Bác” bằng việc vận động người dân Hoà Thành, Châu Thành hiến đất xây dựng các kênh thuỷ lợi; Trung tâm Khuyến nông tỉnh vận động đoàn viên công đoàn thực hiện tiết kiệm trong sử dụng văn phòng phẩm, quyên góp giúp đỡ các gia đình công đoàn viên gặp khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo được trên 5 triệu đồng…

Về cá nhân, tiêu biểu có anh Lê Anh Tâm, nhân viên Chi cục Thuỷ lợi, quê ở Tiền Giang, Anh Tâm tốt nghiệp trung học thuỷ lợi, vào làm ở công ty khai thác công trình thuỷ lợi huyện Dương Minh Châu, sau đó chuyển về Chi cục thuỷ lợi trực thuộc Sở NN&PTNT. Với đồng lương ít ỏi, chưa đầy 1 triệu đồng/tháng, anh Tâm đã cố gắng tiết kiệm để đóng học phí theo học Đại học Thuỷ lợi trong 5 năm. Hiện nay, anh Tâm vẫn tiếp tục vừa làm, vừa đăng ký học thêm các khoá Anh văn, Tin học tại TP.HCM trong các ngày thứ bảy, chủ nhật. Anh Tâm chia sẻ “Tuy cuộc sống hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, với đồng lương ít ỏi nhưng tôi vẫn kiên định mục tiêu đeo đuổi việc học, nâng cao trình độ để đáp ứng tốt nhiệm vụ được giao, đó là giúp đơn vị thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai…”. Một điển hình khác, anh Âu Phước Quý, công tác tại Phòng Quản lý- bảo vệ rừng thuộc Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh, là một tấm gương về thực hành tiết kiệm văn phòng phẩm, đồng thời biết vận dụng tin học, sử dụng phần mềm quản lý lĩnh vực diễn biến rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Anh còn thường xuyên vận động anh em trong đơn vị siêng năng tập luyện thể dục, thể thao để đảm bảo sức khoẻ làm việc và học tập, đồng thời quyên góp giúp đỡ những gia đình nhân viên có hoàn cảnh khó khăn trong đơn vị…

Chị Võ Thị Tư- Chủ tịch Công đoàn ngành NN&PTNT Tây Ninh nhận định: “Những việc làm của các tập thể, cá nhân tiêu biểu kể trên, dù rất khiêm tốn nhưng thật sự là những tia lửa sáng, hình ảnh đẹp cần tiếp tục được phát huy, nhân rộng trong đội ngũ công nhân viên chức lao động của ngành, để mọi người cùng hưởng ứng, thực hiện cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

KIM NGÂN