BAOTAYNINH.VN trên Google News

Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam:

Làm việc tại xã Hoà Hiệp, huyện Tân Biên 

Cập nhật ngày: 22/11/2022 - 23:29

BTNO - Hoà Hiệp là xã biên giới của huyện Tân Biên, hiện có hơn 2.000 hộ, 7.800 nhân khẩu, trong đó có 269 hộ dân tộc thiểu số với hơn 1.100 nhân khẩu, gồm 257 hộ dân tộc Khmer và 6 hộ dân tộc Hoa.

Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam đánh giá cao những kết quả làm được trong chăm lo cho đời sống của dân tộc thiểu số tại Hoà Hiệp

Sáng 22.11, Đoàn công tác của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam do bà Tôn Ngọc Hạnh- Phó Chủ tịch Hội làm trưởng đoàn đã đến làm việc với lãnh đạo UBND xã Hoà Hiệp, huyện Tân Biên về công tác triển khai chương trình mục tiêu quốc gia “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 2022-2030”, giai đoạn 1 từ năm 2022-2025. Cùng đi có bà Phan Thị Thuỳ Vân- Chủ tịch Hội LHPN tỉnh; ông Trần Minh Nay- Phó Giám đốc Sở Nội vụ và lãnh đạo huyện Tân Biên.

Hoà Hiệp là xã biên giới của huyện Tân Biên, hiện có hơn 2.000 hộ, 7.800 nhân khẩu, trong đó có 269 hộ dân tộc thiểu số với hơn 1.100 nhân khẩu, gồm 257 hộ dân tộc Khmer và 6 hộ dân tộc Hoa.

Thời gian qua, UBND xã triển khai các Nghị quyết, quyết định của ngành cấp trên về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”.

UBND thường xuyên phối hợp với MTTQ, các đoàn thể chăm lo cho đồng bào dân tộc như xét hỗ trợ vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho 110 hộ dân tộc thiểu số với số tiền trên 2,3 tỷ đồng; hỗ trợ 7 bảo hiểm y tế cho phụ nữ dân tộc Khmer; hỗ trợ vay vốn không tính lãi cho một hộ dân tộc thiểu số với số tiền 5 triệu đồng/năm.

UBND xã quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho bà con dân tộc thiểu số như tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho đồng bào dân tộc vối tổng số tiền 45 triệu đồng nhân các ngày lễ lớn; tạo điều kiện cho các vị già làng, người uy tín đi tham quan, học tập kinh nghiệm mô hình sản xuất trong và ngoài tỉnh; xây dựng mới 1 điểm trường Tiểu học Hoà Đông A với nguồn vốn xây dựng nông thôn mới; nâng cấp, nhựa hoá tuyến đường Chàng Rục – Sóc Thiết tạo điều để người dân đi lại dễ dàng.

Về việc bố trí, huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực thực hiện Chương trình, xã đã đề nghị về trên phân bổ nguồn vốn thực hiện dự án 4 mua sắm thiết bị cho trạm y tế xã với số tiền gần 30 triệu đồng; kiến nghị bổ sung nguồn vốn xây dựng nhà hỏa táng cho đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn với tổng số tiền trên 3 tỷ đồng.

Thực hiện dự án 7, địa phương cũng đã tổ chức chăm sóc sức khoẻ nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc cho người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em. UBND xã còn phối hợp với Hội LHPN xã nâng cao Tổ “Phụ nữ dân tộc với pháp luật” tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho phụ nữ nông dân và phụ nữ dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Phó Chủ tịch UBND xã Hoà Hiệp báo cáo tình hình dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Bà Tôn Ngọc Hạnh - Phó Chủ tịch Trung ương Hội đánh giá cao những kết quả đã làm cũng như những đề xuất của lãnh đạo địa phương. Bà đặc biệt ấn tượng với việc tổ chức xây dựng nhà hỏa táng trong khu đồng bào dân tộc thiểu số. Đây thực sự là một cách làm mới, thể hiện nét văn minh, tiến bộ trong đồng bào dân tộc thiểu số. Bà Tôn Ngọc Hạnh mong rằng, địa phương tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, tạo nền tảng để làm tốt hơn nữa công tác chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, Trung ương Hội đề nghị địa phương cần có những kế hoạch, những nội dung cụ thể trong công tác bình đẳng giới. Trong đó, cần phát huy vai trò của Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ, có thêm những cách làm mới trong xây dựng, đào tạo kỹ năng cho chị em phụ nữ như kiến thức nuôi dạy con, kỹ năng quản lý tài chính, phát triển kinh tế… chứ không chỉ dừng lại ở một số hoạt động chăm lo cho cán bộ, hội viên vào những ngày lễ, tết.

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam mong rằng, thời gian tới, lãnh đạo xã Hoà Hiệp cũng như huyện Tân Biên sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho công tác hội, quan tâm nhiều hơn nữa đến phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ yếu thế, khuyết tật.

Về công tác hội, bà mong rằng chị em sẽ nghiên cứu cách thức chuyển tải các nội dung tuyên truyền đến bà con dân tộc thiểu số một cách hiệu quả như dịch ra một số những nội dung quan trọng bằng tiếng của đồng bào dân tộc, cán bộ Hội chủ động học tiếng dân tộc thiểu số để có thể trực tiếp trao đổi với người dân, thay vì phụ thuộc vào già làng, người uy tín, người phiên dịch như hiện nay.

Ngọc Diêu