Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Bộ trưởng NN&PTNT và Bộ trưởng TN&MT:
Làm việc với Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà
Thứ tư: 08:52 ngày 03/05/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngày 2.5, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà đến làm việc với Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng- Phước Hoà.

Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Phạm Văn Tân cùng Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường và Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà chủ trì buổi làm việc.

Tham dự buổi làm việc còn có Bí thư Tỉnh uỷ Tây Ninh Trần Lưu Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến cùng lãnh đạo các sở, ngành tỉnh và huyện Dương Minh Châu.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Công ty Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà báo cáo những thuận lợi, khó khăn trong quá trình hoạt động, đồng thời có một số kiến nghị với đoàn, như: Cần sớm điều chỉnh lại quy trình vận hành liên hồ chứa cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay; bố trí kinh phí sớm để sửa chữa, nâng cao an toàn đập hồ Dầu Tiếng cũng như sửa chữa, nâng cấp kênh chính Tây và kinh phí cắm mốc chỉ giới hành lang bảo vệ công trình kênh chính Đông, kênh chính Tây; sớm triển khai dự án lấy nước trực tiếp từ hồ Dầu Tiếng về cung cấp cho các nhà máy nước của Thành phố Hồ Chí Minh; bổ sung quy hoạch hồ Dầu Tiếng theo hướng phát triển đa mục tiêu, khai thác nguồn tài nguyên (nước, cát, sỏi), phát triển du lịch…

Ông Phạm Văn Tân- Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu với đoàn công tác, ông Phạm Văn Tân- Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị lãnh đạo các Bộ hỗ trợ thêm về kinh phí để mở rộng các tuyến kênh, sớm đưa nguồn nước từ hồ Dầu Tiếng sang phía bên kia sông Vàm Cỏ nhằm phục vụ cho sản xuất, chăn nuôi của nông dân các huyện Châu Thành, Bến Cầu.

Chương trình đa mục tiêu Hồ Dầu Tiếng là dự án đã chuẩn bị khá lâu, ông Tân mong các cấp lãnh đạo Trung ương và địa phương hỗ trợ để đề án sớm được thông qua.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến và lãnh đạo huyện Dương Minh Châu cũng có một số kiến nghị, đề xuất về vấn đề phát triển du lịch trong hồ Dầu Tiếng, việc khai thác cát trong lòng hồ, cần có giải pháp để sử dụng đất bán ngập có hiệu quả, vấn đề ô nhiễm nước từ suối Xa Cách ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước…

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho rằng, một trong những điểm cần quan tâm đó là tài nguyên nước sẽ càng ngày càng quý hiếm, nên việc khai thác, quản lý sử dụng như thế nào là hết sức quan trọng, bởi chính nước từ hồ Dầu Tiếng đã làm thay đổi hoàn toàn vùng đất này.

Ông Hà cảnh báo, nước sạch là nguồn tài nguyên, nếu làm tốt công tác quản lý sẽ bảo vệ được vùng sinh thái thuỷ sinh ở lòng hồ Dầu Tiếng và ngược lại. Riêng vấn đề khai thác cát, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho rằng, việc nạo vét để lòng hồ thông thoáng là cần thiết nhằm đảm bảo trữ lượng nước của hồ, nhưng quá trình thực hiện phải có sự kiểm soát chặt chẽ, cần làm rõ 2 vấn đề, đó là đấu thầu chọn ra người có thể tham gia quá trình nạo vét theo đúng kế hoạch đặt ra và cát nạo vét được phải sử dụng đúng mục đích.

Bộ trưởng Bộ TN&MT cũng đề nghị, Tây Ninh cần phát triển du lịch gắn với hồ Dầu Tiếng, bởi đây là lợi thế mà không phải tỉnh nào cũng có được.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại buổi làm việc.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, nguồn tài nguyên nước từ trước và hiện nay được xác định là hết sức quan trọng trong sản xuất cũng như đời sống sinh hoạt của người dân. Riêng tỉnh Tây Ninh hết sức tự hào có công trình hồ chứa nước Dầu Tiếng rất quý giá, với trữ lượng 1,58 tỷ m3 nước, diện tích phần mặt nước 270 km2, diện tích lưu vực lên đến 2.700 km2. Qua 32 năm quản lý, sử dụng các ngành, địa phương đã khai thác tốt tiềm năng này.

Ngoài việc sử dụng tưới cho 108.000 ha cây trồng nông nghiệp, nguồn nước hồ Dầu Tiếng còn được dùng cho hoạt động sản xuất công nghiệp rất có hiệu quả, đặc biệt là sử dụng vào mục đích sinh hoạt cho người dân các tỉnh vùng hạ du, nhất là TP.Hồ Chí Minh. Quan trọng hơn nữa là các địa phương, các ngành đã từng bước cùng nhau tham gia quản lý, bảo vệ tuyệt đối an toàn hồ nước, công tác vệ sinh môi trường và khai thác tiềm năng, lợi thế của hồ Dầu Tiếng đạt hiệu quả.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng nêu những bất cập của hồ Dầu Tiếng mà các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm xử lý trong thời gian tới: Công trình đưa vào sử dụng đã 32 năm, các hạng mục đập chính, đập phụ, cống tràn xả lũ... xuống cấp; hoạt động khai thác tài nguyên (sử dụng nguồn nước, khai thác cát, sỏi...) chưa được quản lý chặt chẽ, gây thất thoát nguồn tài nguyên thiên nhiên trong hồ; việc vận hành, điều tiết nguồn nước hồ trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay đã lạc hậu, không kịp thời; công tác quản lý, khai thác ở từng địa phương còn chồng chéo, chưa thống nhất, kém hiệu quả...

Một góc Hồ Dầu Tiếng.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, sắp tới sẽ cùng Bộ TN&MT và các ngành, địa phương liên quan đánh giá tổng quan, toàn diện lại công trình hồ Dầu Tiếng để có cơ sở quy hoạch, đầu tư, khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên trong hồ đạt hiệu quả theo hướng đa mục tiêu, trong đó có mục tiêu phát triển du lịch, nhưng bảo đảm không gây ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước và an toàn của hồ.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng hoan nghênh lãnh đạo tỉnh Tây Ninh đã kịp thời cho tạm dừng các điểm khai thác cát sỏi trong hồ Dầu Tiếng để chấn chỉnh, đánh giá lại hoạt động khai thác nguồn tài nguyên này để quản lý hiệu quả và bảo đảm an toàn.

Hữu Thiện

Báo Tây Ninh
Mẫu cv xin việc đa dạng
Tin liên quan