Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Lần đầu tiên tổ chức hội nghị triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khoá XV
Thứ năm: 09:59 ngày 07/09/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngày 6.9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khoá XV. Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc hội nghị

Hội nghị được kết nối trực tuyến tới 62 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trong cả nước. 

Dự tại điểm cầu Tây Ninh có bà Hoàng Thị Thanh Thuý - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh, đại diện lãnh đạo các ban, ngành liên quan.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, đây là lần đầu tiên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức hội nghị triển khai các luật, nghị quyết của Quốc hội nhằm đưa các luật, nghị quyết của Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 sớm đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả; đồng thời, rà soát, đôn đốc việc thực hiện các luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành từ đầu nhiệm kỳ khoá XV. Đây cũng là nhiệm vụ của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong giám sát việc thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, sửa đổi, bổ sung năm 2020.

Báo cáo về tình hình tổ chức triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội được thông qua từ đầu nhiệm kỳ khoá XV đến trước Kỳ họp thứ 5; công tác chuẩn bị và kế hoạch triển khai các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, ngay khi kết thúc các kỳ họp của Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ ban hành kế hoạch để triển khai thi hành; rà soát nội dung giao quy định chi tiết để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục và phân công cơ quan soạn thảo văn bản quy định chi tiết.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo quyết liệt công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết. Chính phủ ban hành Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 14.8.2023 về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ. 

Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ thường xuyên theo dõi, đôn đốc tình hình thực hiện nhằm kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết.

Các bộ, cơ quan ngang bộ đã có chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng pháp luật. Công tác xây dựng pháp luật đã gắn kết hơn với công tác thi hành pháp luật, cải cách thủ tục hành chính. Tổ chức pháp chế phát huy tốt hơn vai trò đầu mối trong công tác xây dựng pháp luật, góp phần rút ngắn thời gian ban hành văn bản, nâng cao chất lượng công tác xây dựng và thi hành pháp luật.

Từ đầu nhiệm kỳ đến kỳ họp thứ 4, trên cơ sở phân công của Thủ tướng Chính phủ, các bộ có nhiệm vụ trình hoặc ban hành theo thẩm quyền 50 văn bản để quy định chi tiết 20 luật, nghị quyết đã có hiệu lực. Tính đến ngày 15.8.2023, số văn bản đã được ban hành là 37 văn bản, còn lại 11 văn bản chưa được ban hành. Trong số 37 văn bản được ban hành, có 9/37 văn bản được ban hành đảm bảo có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật. Đối với luật, nghị quyết hoặc nội dung giao quy định chi tiết chuẩn bị có hiệu lực, các bộ có nhiệm vụ phải ban hành hoặc trình ban hành 41 văn bản quy định chi tiết Luật Thi đua, khen thưởng, Luật Khám bệnh, chữa bệnh sẽ có hiệu lực từ 1.1.2024 và Luật Kinh doanh bảo hiểm có hiệu lực từ 1.1.2028. 

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Tây Ninh

Từ đầu nhiệm kỳ (tháng 7.2021) đến ngày 15.6.2023, Bộ Tư pháp đã tiến hành kiểm tra theo thẩm quyền đối với 10.504 văn bản (gồm 1.122 văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ; 9.382 văn bản của địa phương). Trong 6 tháng cuối năm 2023, Chính phủ có nhiệm vụ phối hợp chỉnh lý và trình Quốc hội 16 dự án luật tại Kỳ họp thứ 6 và trong năm 2024, Chính phủ sẽ phối hợp chỉnh lý và trình mới 16 dự án luật. 

Theo báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV đến nay, Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 1.010 văn bản, bao gồm 23 luật và 101 nghị quyết của Quốc hội, 4 pháp lệnh và 882 nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, kịp thời thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng, điều chỉnh toàn diện mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, giám sát tối cao và quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước.

Các luật, nghị quyết được Quốc hội ban hành từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai thực hiện các giải pháp quyết liệt, hiệu quả phòng chống đại dịch Covid-19; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo sự chủ động cho Chính phủ và chính quyền địa phương trong quản lý, điều hành. Bên cạnh đó, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục được hoàn thiện đồng bộ; văn hoá phát triển; an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh được bảo đảm…

Đặc biệt, Quốc hội đã cho phép thí điểm một số chính sách mới, một số cơ chế, chính sách đặc thù trên một số lĩnh vực và cơ chế, chính sách đặc thù phát triển một số tỉnh, thành phố (Hải Phòng, Cần Thơ, Nghệ An, Thanh Hoá, Thừa Thiên Huế, Khánh Hoà và TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk) và gần đây nhất là TP.HCM, tạo điều kiện cho các địa phương phát huy tiềm năng, lợi thế, thu hút nguồn lực đầu tư để phát triển nhanh, bền vững, tạo động lực thúc đẩy phát triển các vùng kinh tế - xã hội và cả nước.

Theo Nghị quyết số 89/2023/QH15 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình năm 2023 và các nghị quyết điều chỉnh, bổ sung Chương trình, tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10.2023), Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 9 luật, cho ý kiến đối với 8 dự án luật khác và trong năm 2024, Quốc hội xem xét, thông qua 18 luật, 1 nghị quyết, cho ý kiến về 2 dự án luật khác. Bên cạnh đó, khối lượng công việc lập pháp có thể còn tăng thêm do tiếp tục bổ sung một số dự án mới vào Chương trình để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Tại hội nghị, các đại biểu nghe báo cáo tham luận của các cơ quan về việc triển khai đối với 21 luật, nghị quyết của Quốc hội như việc triển khai Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; việc tổ chức phiên tòa trực tuyến; thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam; thí điểm đấu giá biển số xe ô tô; thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tại TP. HCM, TP. Cần Thơ; việc triển khai Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Khám bệnh, chữa bệnh; việc chuẩn bị triển khai Luật Đấu thầu, Luật Hợp tác xã.

Thiên Di

data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục