Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Viết ngắn
Lan man chuyện… “coi hát cọp”
Thứ hai: 18:49 ngày 01/06/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Lúc nhỏ, cha thường chở tôi đi hóng chuyện giữa cha với những người bạn vong niên tuổi lớn hơn cha trong lúc trà dư tửu hậu. Từ đó, tôi nghe được chuyện về con cọp như vầy: thuở hồng hoang- loài vật còn nghe được tiếng người- không biết con cọp có công trạng gì trong việc cứu nhân độ thế mà người thời ấy không dám “phạm thượng”, nên gọi chúa sơn lâm là “ông cọp” hay “ông ba mươi”...

Muốn coi “ông cọp” thì phải mua vé vô sở thú gì đó nghe nói xa tít mù tận xứ Sài Gòn, nên thời ấy mấy ai tường tận mặt mũi nó thế nào, hoạ chăng chỉ thấy/biết qua tranh vẽ. Còn “coi cọp” ở đây có lẽ là tiếng lóng hay phương ngữ chỉ người miền Nam trước 1975 mới biết, mới hay xài (?).

“Coi cọp” chỉ chung là người thụ hưởng một loại hình văn hoá nghệ thuật, kể cả ẩm thực… có bán vé, có thu phí mà bằng chiêu trò mánh lới nào đó- có khi không hợp pháp- để họ không phải trả tiền. Còn tại sao không mượn hình ảnh con vật khác mà phải là “con cọp”, thì tù mù, không ai có đáp án cặn kẽ. Duy có một cụ Tây học thông thái nhứt làng giải thích: do phiên âm từ copier: (Cọp-dê, tiếng Pháp, nghĩa là sao, chép), lâu ngày người mình Việt hoá đọc trại thành ra vậy.

Học trò làm bài kiểm tra trong lớp nhìn ngó nhau gọi là cọp-dê. Nghe cũng có lý, nhưng đem nghĩa “sao, chép” ra để gán vào “coi cọp” thì e có phần khập khiễng. Còn cái vụ “coi cọp” của tôi kể ra cũng khá “phong phú”, trong đó đáng nhớ nhất là coi hát và đọc sách báo “cọp”.

Ở quê, hễ chiều chiều nghe tiếng trống “rao bảng” thùng thùng từ chiếc xe lôi đạp do chủ gánh hát mướn, chạy theo sau là lũ con nít chúng tôi hò reo giành lấy những tấm giấy xanh đỏ in “chương trình đêm nay” được rải lung tung ra, thì cả làng vui như có hội.

Người ta háo hức truyền tai nhau: “Gánh hát dìa!”. Gọi là “gánh hát” vì làng tôi là một cù lao thoi loi giữa bốn bề mênh mông sông nước; đường đi chỉ là con đường mòn độc đạo hẹp té loanh quanh trong xóm. Việc giao thương, đi lại của dân làng đều dùng phương tiện ghe, xuồng; nên cả bầu đoàn thê tử, đào kép, đạo cụ, phông màn… của “gánh hát” đều chất cả lên một chiếc ghe chài lớn.

Men theo sông, rạch; đến một bãi đất trống hay trong sân đình, nhà lồng chợ… khi nào “ông/bà bầu” coi vừa mắt vừa bụng thì neo lại, ai nấy tự gánh đồ đạc tư trang tập kết lên bờ (ngoài “gánh hát” ra, còn có “đoàn hát” chỉ lưu diễn ở ngoài thị xã với nhiều xe tải, xe con chuyên chở đồ đạc; lực lượng đào kép, nhân viên hùng hậu; rạp diễn quy mô đèn điện sáng choang, quạt trần quay vù vù, ghế ngồi đầy đủ đàng hoàng cho hàng trăm khán giả)...

“Rạp hát” chóng vánh dựng lên với những tấm thiếc cũ đã gỉ sét lỗ chỗ, hoặc bằng tấm vải thô dày vá chằng vá đụp ráp nối lại dừng xung quanh. Công việc xem ra rất đơn giản, hoàn tất chỉ trong vòng vài mươi phút.   

Mấy đêm đầu, ngoài lộ đỏ đuốc lá dừa trông như một con rồng lửa di động. Người ta hồ hởi ơi ới gọi nhau đi coi hát. Nói nào ngay, coi hát phần nhiều là người trung niên trở lên, còn các nam thanh nữ tú tre trẻ cỡ 17, 18 tuổi có cớ để chưng diện áo quần gặp gỡ, hẹn hò nhau hợp pháp.

Riêng bọn nhóc là dịp hiếm có, không phải ở nhà “tắt đèn ngủ sớm”; chúng tha hồ la cà tung tẩy, đứa nhóp nhép đậu phộng rang, đứa xì xụp nước đá nhận, nước đá bào pha si-rô các chị bày bán “ăn theo” trước “rạp hát”. Khán giả vào “rạp” lấn chen lố nhố vì “rạp” không trang bị ghế ngồi, ai muốn ngồi thì tự đem theo ghế nhà.

Hàng “ghế danh dự" sát “sân khấu”- chỉ là mấy cái bục đóng bằng gỗ- thường dành ưu tiên cho các ông, bà lão. Gác cửa kiêm thu tiền mặt (không in vé); thường do bà bầu gánh hoặc người thân tín trong gánh đảm trách, chìa tay ra nhận những tờ giấy bạc một, hai đồng nhăn nhúm từ tiền bán lúa khoai, cá mắm… của những nhà nông có máu mê văn nghệ.

Người lớn 3 đồng, con nít 2 đồng (gần đến ngày “lui ghe” thì hạ giá xuống còn một nửa). Thế nên mới có chuyện kỳ kèo bớt một thêm hai: ông nọ đưa 5 đồng nhưng đòi cho vô 3 “trự” người lớn. Cũng có một cô sồn sồn trả tiền một “chỗ đứng” 3 đồng, nhưng “quá giang” theo sau có đến 3 cháu nhỏ khiến bầu gánh chỉ còn nước la trời! Tuồng tích thì hầu hết là “mượn” từ các vở cải lương của các đoàn hát lớn như “Tôn Tẩn giả điên”, “Tiết Nhơn Quí chinh đông”, “Chiêu Quân cống Hồ”… (phỏng theo các truyện Tàu xưa), rồi sao chép, lược bỏ cho vừa thời gian buổi hát độ chừng một tiếng đồng hồ.

Cũng có những vở được cải biên từ những truyện xưa của nước ta như  “Phạm Công - Cúc Hoa”, “Lâm Sanh - Xuân Nương”… làm khán giả thích thú hơn vì lời thoại/câu ca dễ gần dễ hiểu. Đặc biệt, “đạo diễn” chỉ đạo nghệ sĩ khai thác triệt để những tiểu cảnh lâm ly bi đát của nhân vật Phạm Công khi mang theo quan tài vợ, dắt 2 con ra đánh trận với tướng giặc Sầm Hưng; hay nàng Xuân Nương hiền lành luôn bị mẹ chồng đối xử tàn ác, hành hạ như kẻ tôi đòi.

Cả hai tình huống này đều lấy được nhiều nước mắt của người xem, nhất là các bà già vừa bỏm bẻm nhai trầu, vừa sụt sịt mũi xúc động. Phía dưới rộ lên tiếng xì xào nguyền rủa mụ mẹ chồng ác độc xen lẫn tiếng tặc lưỡi xót thương cho hai đứa bé Nghi Xuân - Tấn Lực còn nhỏ mà đã mồ côi mẹ.

Vãn hát, người ta đem lên “sân khấu” những món từ cây nhà lá vườn làm quà biếu cho các “nhân vật”: người này một chục bắp, người kia vài ký khoai mì, khoai lang… để nấu ăn bồi dưỡng lúc khuya khi vãn hát. Thật thắm thiết nghĩa tình…

Trở lại chuyện coi hát “cọp” của các nhóc tì. Chính vì rào giậu che chắn lỏng lẻo của gánh hát mà bọn tôi mới “phát huy” mạnh mẽ và thuận lợi hơn trong việc “coi cọp”. Trừ những đứa nắm áo “đu” theo người lớn vô trong được; mấy tên còn lại đem theo lưỡi lam rạch, khoét, mở rộng thêm các lỗ tấm vải phủ xung quanh cho vừa tầm mắt hoặc kê con mắt sát các lỗ hở của tấm thiếc.

Có đứa táo tợn giở luôn tấm vải định chui vô, bị anh con của bà bầu gánh “quả tóm” nắm lỗ tai (cũng có nương nhẹ), kéo lê ra ngoài kêu la đau điếng. Còn những con mắt mở hết cỡ nhìn vào trong “rạp” qua các kẽ hở. Trời ạ! Thật ra có thấy gì đâu! Mang tiếng đi coi hát bằng tiền của cha mẹ cho mà chỉ coi được toàn đầu là đầu… người lô nhô lố nhố thì biết về ăn nói kể lể làm sao đây? Tôi may mắn hơn bọn nó nhiều.

Vì bà ngoại tôi khi coi hát đã “chấm” được cô “đào thương” mà bà gọi là “sầu nữ Út Bạch Lan… hai”- vì chị thường đóng những vai khổ sở bi luỵ như nghệ sĩ Út Bạch Lan ở Sài Gòn- nên bà thường mời chị về nhà vào ban ngày dùng cơm, ngủ nghỉ. Thế là hằng đêm tôi được chị “bảo lãnh” vào cửa coi hát miễn phí, không phải khổ sở “canh me” để “coi cọp”.

Được vào trong mà tôi có coi gì đâu! Ai đời, tuồng tích chi mà “hứ, hự, ứ, ư” miết! Ca từ thì toàn từ Hán Việt, nhiều điển tích, điển cố sao chép đâu từ xửa xưa bên Tàu, người sành chữ nghĩa còn chưa chắc hiểu tường tận. Tôi bèn lẻn ra “hậu trường”; đứng phía sau bàn thờ tổ, coi các anh, chị đào kép vẽ mặt, thoa son, đánh phấn… và chờ vãn hát.

Còn nhớ, năm 1966- năm “khai sinh” chương trình truyền hình phát hình đen trắng ở Sài Gòn. Hồi đó, nhà khá giả nhất nhì trong cái làng còn nghèo của tôi mới “đặt” mua nổi cái truyền hình đen trắng cỡ nhỏ nhất. Hằng đêm, gia chủ có truyền hình (kết nối bằng bình ắc-quy, vì nông thôn chưa có điện) rất vui lòng khi phải tiếp những “khán giả không mời”- đa phần là khán giả nhí- đến coi “cọp”/coi ké một cách đường hoàng hợp pháp, không phải lén lút như kẻ gian nữa.

Xôm tụ nhất là vào đêm thứ bảy mỗi tuần, người xem đến đông lắm vì nhà đài sẽ phát một vở cải lương (loại hình giải trí ăn khách nhất thời ấy). Có lẽ thập niên 1960 là thời kỳ hưng thịnh nhất của một nền văn hoá với những ngôi sao cải lương chói sáng Út Trà Ôn, Hữu Phước, Thành Được, Minh Cảnh, Út Bạch Lan, Thanh Nga, Bạch Tuyết… còn lưu danh đến tận bây giờ.

Loại hình “gánh hát” từ lâu đã biến mất khỏi làng quê; ở thành thị, các rạp hát cũng không còn. Và tất nhiên, việc coi hát “cọp” cũng cáo chung. Còn người nặng hoài cổ, ghiền ca cổ, cải lương, chỉ ngồi nhà, bấm nút hay “click” chuột là sẽ tìm thấy/gặp trên một số kênh truyền hình, trên youtube, các trang mạng… để xem những tuồng tích mà từ lâu mình yêu thích.

Ai đó đã nói: “Sự sáng tạo của quá khứ là văn hoá của ngày nay”.

HÀ NHỮ UYÊN

Tin cùng chuyên mục