Văn hóa - Giải trí   Đất nước mến yêu

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Làng cổ Thủ Lễ

Cập nhật ngày: 29/04/2012 - 05:09

Theo tiếng Hán, “Thủ Lễ” có nghĩa là “giữ lễ”. Điều đó cho thấy dân làng Thủ Lễ rất coi trọng việc giữ gìn lễ nghi, nền nếp và phong tục. Thủ Lễ là một làng thuần nông, đất rộng không tới 4km2, ruộng đất bình quân đầu người không quá một sào nhưng lại là vùng đất văn vật với nhiều công trình văn hóa đặc sắc như: đình, chùa, miếu thờ Ngũ Hành gắn với truyền thuyết về Huyền Trân Công chúa thời Trần (1225 - 1400) theo chồng mở cõi Đàng Trong, Văn Thánh Miếu thờ Khổng Tử, Võ Thánh Miếu thờ Quan Công...
 



 Một trong số những câu đối chữ Hán ca ngợi truyền thống 
và vị thế của làng

 



 Dâng hương ở nhà thờ họ trong làng Thủ Lễ

Làng Thủ Lễ ngày nay có cả thảy 14 dòng họ. Trong đó có 8 dòng họ lớn là: Lê, Nguyễn, Hồ Đăng, Phan Gia, Phan Ngọc, Phan Như, Ngô Văn, Ngô Thời. Theo lệ làng, “bát tộc” luân phiên mỗi năm một họ cùng dân làng và ban chức dịch đứng ra lo việc cúng tế trong làng. Dọc theo con đường lớn chạy giữa làng, người ta thấy có nhiều ngôi nhà thờ họ. Mỗi ngôi nhà thờ họ là nơi lưu giữ dấu ấn văn hóa, lịch sử của mỗi dòng họ, còn là một công trình văn hóa kiến trúc đẹp.

Ngoài hệ thống nhà thờ họ, làng còn có một ngôi chùa cổ. Chùa làng Thủ Lễ có cổng tam quan cao lớn, uy nghi, đường bệ. Gian chính của chùa dựng theo kiểu nhà rường dọc, một lối kiến trúc lạ, rất hiếm thấy ở Huế. Mái chùa khảm sành sứ hình “long, lân, quy, phượng”. Phần gỗ của chùa chạm khắc tinh xảo, thể hiện rõ dấu ấn tài hoa của những người thợ làng Mỹ Xuyên xứ Huế xưa kia. Trên bốn cánh cửa giữa, bằng nghệ thuật chạm lộng điêu luyện, các nghệ nhân xưa đã tạo nên những bức tranh tứ bình, bát bửu (8 vật quý) rất đẹp. Những cánh cửa hai bên chạm hình năm con dơi mồm ngậm chữ “Thọ” tượng trưng cho “ngũ phúc” (5 điều phúc). Từ bao đời nay, chùa làng Thủ Lễ là nơi để dân làng thành tâm lễ Phật vào những ngày lễ tết, sóc vọng, và cũng là chốn vãn cảnh của du khách muôn phương.



 Cổng tam quan chùa làng Thủ Lễ

 

 



 Chùa làng Thủ Lễ

 

 



 Mái đình làng Thủ Lễ khảm sành sứ hình "long, lân, quy, phượng"

 


 

 



 Đình làng Thủ Lễ mang phong cách nhà rường truyền thống Huế

 

 



 Kỹ thuật chạm khắc tinh xảo trong kiến trúc đình làng Thủ Lễ

Cách chùa Thủ Lễ một quãng chừng 400m là đình làng Thủ Lễ. Đình được xây dựng theo thuật phong thủy. Đây là di tích nghệ thuật kiến trúc tiêu biểu vùng ven đô Huế với lối kiến trúc gỗ mang đậm dấu ấn dân gian hồi thế kỉ XIX. Đó là phong cách nhà rường Huế với kiểu dáng, quy mô, mĩ thuật, tính năng sử dụng và các đồ sứ trang trí mang đặc trưng thời Nguyễn. Các đề tài trang trí trong kết cấu gỗ của đình cũng được chạm trổ tinh xảo. Đặc biệt, đình còn lưu giữ được nhiều hiện vật cổ có giá trị như: bia đá, khánh đá, phiến đá dùng làm bùa yểm các loại ôn dịch... và bộ sắc phong gồm 57 chiếc do các vua triều Nguyễn phong tặng.

Hàng năm, cứ vào ngày mồng 6 tháng Giêng, dân làng Thủ Lễ lại tổ chức hội vật. Vào ngày nay, sới vật được mở ở ngay giữa sân đình làng Thủ Lễ. Tiếng trống hội vật vang lên thúc giục trai tráng khắp vùng kéo nhau đến thử sức, tranh tài. Dân chúng khắp nơi cũng nô nức đổ về xem đông như trẩy hội. Hội vật làng Thủ Lễ và hội vật làng Sình là hai hội vật cổ và nổi tiếng nhất ở Huế, cũng như của cả miền Trung. Sang đến ngày mồng 7, khi hội vật kết thúc, dân làng lại nô nức rủ nhau đi xem hội đua ghe. Suốt hai ngày đầu năm mới, không khí hội vật và hội đua ghe cứ thế diễn ra tưng bừng, náo nhiệt, thể hiện tinh thần lạc quan và thượng võ của một làng quê đất Cố đô.
 



 Lễ rước thành hoàng làng Thủ Lễ

 



 Hội đua ghe đầu xuân ở làng Thủ Lễ

 



 Hội vật cổ truyền làng Thủ Lễ

Bên cạnh những lễ hội mang tính vui chơi giải trí, hàng năm, đến tháng Chạp, dẫu tiết trời có mưa phùn gió bấc lạnh lẽo đến đâu, các bậc bô lão làng Thủ Lễ vẫn tề tựu đông đủ tại đình làng để bàn việc tảo mộ cô hồn (hồn ma không nơi nương tựa). Và ba năm một lần, làng lại tổ chức lễ tế cô đàn để cầu cho những linh hồn vô chủ ấy được siêu thoát. Tục lệ ấy cứ thế truyền từ đời nọ sang đời kia, thể hiện tinh thần nhân ái, bao dung của dân làng.

Với truyền thống hiếu học, vượt khó, lớp trẻ làng Thủ Lễ ngày nay vẫn tiếp tục phát huy được tinh thần hiếu học của cha ông xưa, góp phần vun đắp, xây dựng làm cho làng Thủ Lễ ngày càng trở nên nổi tiếng khắp đất Cố đô.

Ngày nay, nếu có dịp về thăm làng cổ Thủ Lễ, du khách sẽ có dịp được khám phá những nét đẹp cổ kính, bình dị của một ngôi làng nổi tiếng xứ Huế. Ở đó có những con đường rợp mát bóng tre xanh, có những ngõ nhỏ bình yên, có tiếng trẻ nhỏ ê a học bài, có những ngôi nhà thờ họ, đình, chùa cổ kính rêu phong, có những con đò, bến nước, sông quê gợi nhớ lại một thời xa xưa, dĩ vãng.

Theo BAVN