BAOTAYNINH.VN trên Google News

Lăng kính nghệ thuật: Thơ - không thể đùa

Cập nhật ngày: 18/04/2011 - 07:59

1. Dự lễ ra mắt một câu lạc bộ (CLB) thơ, nhận một ấn phẩm (tuyển tập) thơ bạn tặng, lòng bỗng vui rộn rã. Song nghe những lời khiêm tốn của “chủ xị” đại loại: “Chúng tôi là những người làm thơ nghiệp dư, chỉ ở cấp xã, phường. Làm thơ chủ yếu cho vui!” và đọc lướt qua một vài bài thơ, chợt miên man một nỗi gì khó tả!

Một bạn thơ cao niên rỉ tai: “Chọn thơ ở CLB khó hơn chọn người ra… ứng cử! Chê một câu, sửa một chữ có khi bị ghét suốt đời”.

CLB thơ tụ họp đông đủ, thêm một tí men cay, hừng hực khí thế, thơ tuôn xối xả. Nhiều người đọc thơ. Nghe có khi như bị tra tấn. Vậy là người ta… tản dần. Ai đó đùa vui “Thơ có chức năng giải tán đám đông!” là thế!

2. Thơ cấp xã phường, quận huyện, cấp tỉnh lẻ, thành phố rồi trung ương… Ai phong vậy nhỉ? Hay người ta tự nhận, vận vào mình lâu ngày thành câu nói quen thuộc đầu môi? CLB là nơi tụ họp những người có chung một sở thích, năng khiếu mà CLB thơ là một trong những “tập hợp” của những người làm thơ, yêu thơ. Nhưng CLB chỉ là một cái vỏ hình thức, đâu phải cái “hộp chứa” có dung lượng, thể tích mà có thể cân, đong, đo, đếm để phong cấp hàm? Chỉ có ở đó sự khiêm tốn quá đáng thành tự ti, hoặc tự tôn để rồi chỉ chấp nhận “có khen mà không có chê”, mặc dù ai cũng biết lắm khi chỉ là… “khen nịnh” hay kiểu: “mẹ hát con vỗ tay”, chỉ có mình là nhất, là vượt trội, ngoài ra “chẳng là cái đinh gì”. Lâu ngày chầy tháng, tự huyễn hoặc và đánh mất mình. Tự cổ chí kim đã từng có Cao Bá Quát mỉa mai một thi xã thời bấy giờ: “Ngán thay cái mũi vô duyên/ Câu thơ thi xã con thuyền Nghệ An” hàm ý chê thơ của thi xã kia có mùi… mắm như mùi từ con thuyền chở mắm của Nghệ An! Nhưng phải giải thích ra sao khi nhóm (cũng là dạng ban đầu của CLB) “Bàn Thành Tứ Hữu” gồm những nhà thơ “thứ thiệt” của nền thơ ca Việt Nam như Yến Lan, Quách Tấn, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên. Họ lúc ấy cũng ở một tỉnh lẻ Bình Định đấy thôi. Hay nhóm thơ “Chiêu Anh Các” của Đông Hồ, Mộng Tuyết ở Hà Tiên ai dám nói thơ của nhóm không lan toả ra cả nước?

Cái hay, tinh tuý của thơ được mọi người công nhận là ở trí tuệ và bút lực của người làm thơ, không phải ở CLB hay hội này, hội kia. Nhưng “Ngọc bất trác, bất thành khí”, không cọ xát, mài giũa làm sao ánh lên vẻ đẹp? Không bình luận, khen chê, không chân thành chấp nhận sự khen chê, làm sao mà tiến bộ và ngày càng hay lên được? Điều đó ai cũng biết, nhưng không phải ai cũng tiếp nhận dễ dàng!

3. Bình thơ! Người xưa thật chí lý khi tổ chức quy tụ bạn bè tri âm, tri kỷ để trao đổi và bình phẩm tác phẩm của nhau. Tầm trí tuệ được nâng lên, bút lực ngày một uyển chuyển và sắc bén. Còn gì hơn?

Bây giờ, nhiều khi cứ thấy thơ ào ào ra đời y như sản xuất bằng máy. Vèo vèo, xong ngay một bài thơ! Cũng vần vè, âm điệu, lãng đãng như mây, hoặc ghép bằng những… khẩu hiệu, nghị quyết, đọc lên nghe… “rổn rảng”! Bái phục! Cái dễ dãi, xem thường “nàng thơ” (vốn là sản phẩm của trí tuệ) đã “đẻ” ra những bài… vè tuyên truyền không hơn không kém!

Tạm kết: thơ không thể đùa, không thể làm chơi, nhất là khi đã in thành sách thành tập, cho dù chỉ in vi tính, lưu hành nội bộ. Nhà thơ Phùng Quán từng nói “Làm một bài thơ như cày xong một thửa ruộng”, vất vả cực nhọc lắm. Để nâng chất lượng CLB thơ, xoá bỏ cái ranh giới xã phường, người làm thơ cần nhìn lại chính mình, cẩn trọng với cảm xúc và ngòi viết của mình.

TRẦN HOÀNG VY