Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Họ là những người làm việc, mưu sinh như bao người lao động khác, nhưng ẩn chứa trong công việc hằng ngày của họ là sự tận tuỵ, cống hiến và sự hy sinh thầm lặng. Họ như những bông hoa trong rừng hoa lặng lẽ toả hương để mang đến niềm vui, niềm yêu thương cho cuộc sống tươi đẹp này.
Chị Nguyễn Thị Quẵn với công việc của mình hằng đêm. Ảnh chụp tối 27.4
1. Quê quán ở Tiền Giang, nhưng anh lại chọn mảnh đất Tây Ninh để cống hiến. Suốt 17 năm qua, từ một kỹ sư điện mới ra trường, anh luôn nỗ lực học hỏi để bản thân mình không bị tụt hậu so với công việc và cuộc sống. Anh Nguyễn Quốc Huy, Tổ trưởng Tổ điện kế thuộc Phòng Kinh doanh, Ðiện lực Tân Biên (thuộc Công ty Ðiện lực Tây Ninh) tâm niệm như thế với công việc mà anh xem như một phần máu thịt của mình.
Học hết phổ thông, anh thi vào Trường cao đẳng Ðiện lực TP Hồ Chí Minh để thực hiện điều bản thân thấy “thinh thích” từ nhỏ. Tốt nghiệp ra trường, dù kinh qua nhiều đơn vị, công tác chuyên môn khác nhau, từ quản lý vận hành, kế hoạch kỹ thuật, xây dựng và bảo trì lưới điện, phụ trách tổ điện kế… anh đều hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nhờ sự nhiệt thành, ý thức trách nhiệm với công việc nên dù ở vị trí công tác nào, anh đều được đơn vị, đồng nghiệp tín nhiệm.
Dù công việc chuyên môn “ngập đầu” nhưng trong quá trình làm việc, anh Huy vẫn sắp xếp được thời gian để nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả công việc của bản thân và tập thể đơn vị. Năm 2016, sáng kiến “Cải tiến bổ sung tính năng thử ty leo cho dụng cụ thử dây an toàn” của anh được công ty công nhận và đưa vào ứng dụng. Anh kể: “Việc sử dụng ty leo lâu ngày, nếu không kiểm tra khả năng chịu lực có thể gây mất an toàn cho công nhân khi làm việc, dù bằng mắt thường vẫn thấy các ty leo rất chắc chắn.
Anh em chúng tôi xác định, niềm vui của khách hàng sử dụng điện là động lực để nỗ lực và trách nhiệm hơn nữa trong công việc. Anh Nguyễn Quốc Huy |
Tại đơn vị đã có sẵn máy kiểm tra dây an toàn nên mình vận dụng những kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn để cùng anh em bổ sung thêm tính năng thử ty leo”. Năm 2013, một năm sau khi chuyển công tác từ Ðiện lực Tân Châu về, Huy được anh em trong đơn vị cử làm Tổ trưởng Tổ xây dựng bảo trì, đến đầu năm nay, anh “luân chuyển” sang làm Tổ trưởng Tổ điện kế. Vừa đảm nhiệm quản lý, vừa làm công tác chuyên môn, có thể có người nghĩ rằng anh “ôm rơm rặm bụng”, nhưng với anh đó lại là niềm vui dù cho phải “trả giá” bằng việc khi rời khỏi đơn vị về nhà, con anh đã ngủ, mâm cơm vợ anh nấu chờ cũng đã nguội đi. Nói về Huy, Phó Giám đốc Ðiện lực Tân Biên Châu Quang Ðạt cho biết: “Chúng tôi ghi nhận ở Huy về thái độ, trách nhiệm với công việc, khả năng tìm tòi, học hỏi trong công tác chuyên môn. Huy cũng là đảng viên trẻ nhận được sự tín nhiệm cao trong chi bộ của đơn vị”.
2. Hai mươi năm gắn bó với rừng, anh Huỳnh Tấn Ðạt, Ðội trưởng Ðội quản lý bảo vệ rừng Biên Giới thuộc Ban Quản lý Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát nắm rõ từng hàng cây, lối mòn trong rừng. Gắn kết với rừng như ngôi nhà thứ hai của mình, anh thốt lên rằng: “Xa rừng là điều tôi chưa một lần nghĩ đến từ khi đặt chân đến đây”.
“Anh Ðạt đã gắn bó cả tuổi thanh xuân của mình để giữ gìn, bảo vệ từng gốc cây trong rừng. Ðiều đó thật đáng trân quý biết bao”.
Ông Châu Văn Văn - Giám đốc Vườn quốc gia Lò Gò-Xa Mát |
3. Ðã 0 giờ, tiếng chổi quét rác của các chị công nhân vệ sinh vẫn vang lên khắp các tuyến đường. Ðó là công việc quen thuộc hằng ngày của các chị, khi tất cả cư dân đô thị đã chìm trong giấc ngủ.
Theo quy định của Công ty Công trình đô thị Tây Ninh, 21 giờ hằng ngày, công việc quét dọn rác trên các tuyến đường của các chị mới bắt đầu. Tối nay, một chị xin nghỉ vì người thân ốm nên tổ 8, nơi chị Phan Thị Sâm, quê Hà Tĩnh và các đồng nghiệp làm việc chỉ còn 5 chị em. 5 chị em thực hiện việc quét dọn đường 30.4, đoạn từ vòng xoay giao lộ Cách Mạng Tháng Tám đến ngã ba Mũi Tàu.
Chị Sâm kể: “Ban đầu, tôi không nghĩ mình vào đây để mưu sinh, vì lúc đầu tôi chỉ nghĩ mình đến Tây Ninh vào nhà người thân chơi ít bữa rồi về quê. Thế mà, đến giờ đã hơn 20 năm rồi”. Mảnh đất Tây Ninh như có duyên với chị. Ở đây, chị lập gia đình với một anh quê Nghệ An. Hai đứa con trai của chị cũng lớn lên và trưởng thành từ những ngày chị tần tảo, chịu khó với công việc của mình. Ở tuổi ngoài 50, chị vẫn gắn bó với cây chổi đều đặn hằng đêm. Chị tâm sự: “Gắn bó lâu rồi thấy công việc cũng nhẹ nhàng thôi. Ai cũng có một công việc để làm, miễn sao mình thấy vui với nó là được rồi”.
Còn chị Nguyễn Thị Quẵn, quê gốc Quảng Ngãi theo cha mẹ vào đây từ bé. Hồi trước, chị bán hàng trên núi Bà Ðen, nhưng công việc không ổn định nên “bén duyên” với nghiệp “cầm chổi đêm” từ hơn 4 năm nay. Công việc của chị dù có phải hy sinh giấc ngủ, nhưng chị vẫn thấy vui bởi vợ chồng chị muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho hai đứa con trai của mình, nhất là cậu út đang học cấp 3. Mỗi khi bên con, chị vẫn hay dặn nó phải ráng học thật giỏi để sau này trở thành người có ích cho xã hội.
1 giờ sáng. Những tiếng chổi vẫn vang lên đều đặn. Mỗi nơi các chị đi qua, tuyến đường sạch sẽ, tươm tất hơn. 5 con người chậm rãi làm việc tỉ mỉ trong đêm. Tranh thủ mấy phút giải lao bên vệ đường, chị Quẫn tâm sự: “Mùa khô còn đỡ, mùa mưa công việc của chị em cực gấp mấy lần. Mưa xuống, lá rụng nhiều lại ướt sũng nên dọn dẹp rất vất vả. Rồi những hôm lễ, tết, lượng rác nhiều hơn ngày thường chị em phải về muộn hơn. Sáu chị em ở đây, ai cũng đã ít nhất vài ba lần đón giao thừa… ngoài đường”.
Trên đường về, tôi thầm nghĩ: Dù ai cũng có một công việc mưu sinh, nhưng nếu không có những người “an tâm” với công việc như chị Sâm, chị Quẫn thì mỗi khi trời sáng, mọi người sẽ không thấy được những con đường sạch sẽ.
Xuân Phú