Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Làng nghề Đậu bạc Định Công
Thứ sáu: 11:25 ngày 02/09/2011

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Xưa kia, làng Định Công (Hà Nội) vốn nổi tiếng với nghề kim hoàn đặc biệt là nghề Đậu bạc. Đây là một trong số ít nghề cổ của đất Thăng Long còn tồn tại cho đến ngày nay.

Xưa kia, làng Định Công (Hà Nội) vốn nổi tiếng với nghề kim hoàn đặc biệt là nghề Đậu bạc. Đây là một trong số ít nghề cổ của đất Thăng Long còn tồn tại cho đến ngày nay.

Làng Định Công hiện nay nằm bên bờ sông Tô Lịch, thuộc huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Theo sử sách ghi chép lại, làng nghề Định Công (hay Định Công kim hoàn) nổi tiếng với nghề chạm khắc vàng, bạc. Vào thời vua Lý Nam Đế, có ba anh em họ Trần: Trần Hoà, Trần Điện và Trần Điển sinh sống tại làng. Trong thời gian chạy loạn, ba anh em tình cờ học được nghề làm đồ vàng, bạc. Từ đó, ba người truyền dạy nghề cho nhân dân trong làng, làm nên tiếng tăm cho sản phẩm vàng, bạc Định Công.

So với các làng nghề chạm bạc Đồng Xâm (Thái Bình), Châu Khê (Hải Dương), những sản phẩm ở Định Công có nét đặc trưng riêng. Nó được làm hoàn toàn thủ công, đòi hỏi kỹ thuật, tay nghề cao. Người làm nghề phải nắm chắc 4 kỹ thuật cơ bản: trơn, đấu, chạm, đậu.

- Trơn: làm những đồ vàng bạc không cần chạm trổ mà chỉ cườm cho nhẵn, bóng, kết hợp gò sao cho hình khối đúng tiêu chuẩn.

- Đấu: lắp ráp các chi tiết hài hòa, cân đối.

- Chạm: khắc hình vẽ, hoa văn, hoạ tiết như chạm ám, thúc nổi, hạ cát… lên mặt trang sức hay vàng, bạc.

- Đậu: kéo bạc đã nung chảy thành sợi chỉ, sau đó se thành sợi mảnh như sợi tóc tạo những họa tiết hoa văn, chim muông, hoa lá… gắn vào đồ trang sức.

Trong đó, kỹ thuật Đậu bạc đòi hỏi phải có bàn tay khéo léo và nhỏ nhắn, tỉ mỉ. Sản phẩm Đậu bạc đạt yêu cầu phải đậu đều tay, hàn luột, không đọng vảy và các chi tiết hài hòa, cân xứng. Mỗi một sản phẩm đều là một tác phẩm nghệ thuật khắt khe về kỹ thuật nhưng lại tinh tuý ở giá trị thẩm mỹ và sử dụng. Bạc được dùng phải là loại 999 (trước gọi là bạc 10) thì mới có thể kéo thành các sợi chỉ nhiều kích cỡ khác nhau. Ngày xưa, những sản phẩm Đậu bạc thường là những mặt hàng nhỏ xinh như: cành hoa, con bướm, lắc, xuyến, nhẫn…

Sau này, do trải qua những năm tháng khó khăn của chiến tranh rồi đến thời kỳ bao cấp, những người thợ mất dần sự tha thiết với nghề, tìm cho mình những hướng đi khác. Nghề chạm khắc kim hoàn cứ rơi rụng dần rồi dần chìm vào quên lãng. Hiện nay, ở làng Định Công chỉ còn khoảng vài hộ là vẫn còn tâm huyết với nghề truyền thống do cha ông để lại. Trước nguy cơ bị mai một của một làng nghề truyền thống lâu đời, Bộ Văn Hóa và các tổ chức cá nhân đã tạo điều kiện giúp đỡ, nhằm khôi phục lại làng nghề đã có truyền thống nhiều thế kỉ của Việt Nam. Với sự giúp đỡ đó, làng nghề Đậu bạc Định Công được khôi phục trở lại, nhiều bạn trẻ của làng nay lại quay về nghề truyền thống mà cha ông mình để lại.

Từ năm 2009, tại khuôn viên Thiên đường Bảo Sơn (km8, đường Láng - Hòa Lạc, Hà Nội), gian hàng Đậu bạc Định Công của gia đình ông Quách Văn Hiểu đã xuất hiện tại khu làng nghề truyền thống. Ở đó, các bạn sẽ tận mắt chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật, những sản phẩm trang sức của gia đình nghệ nhân quốc gia Quách Văn Hiểu, một trong những nghệ nhân đại diện cho Việt Nam đi dự thi cuộc thi tay nghề Asean về hàng thủ công mỹ nghệ và cũng là người duy nhất đem về giải vàng cho đoàn Việt Nam trong tổng số 6 giải vàng.

Vậy mới biết rằng, có được cầm trên tay và thưởng thức những sản phẩm Đậu bạc của làng nghề Định Công mới thấy hết được sức sáng tạo và tinh hoa của bàn tay người thợ trong đó. Qua những hoa văn, hoạ tiết trang trí trên các sản phẩm, ta nhận thấy rõ đức tính kiên trì, sự thông minh khéo léo, óc sáng tạo của những người thợ kim hoàn Việt Nam nói chung và làng nghề Đậu bạc Định Công nói riêng. 

K.D (st)

 

 

Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục