Nghề đúc đồng Bằng Châu ở Đập Đá (An Nhơn, Bình Định) là một trong các làng nghề truyền thống có từ lâu đời.
Nghề đúc đồng Bằng Châu ở Đập Đá (An Nhơn, Bình Định) là một trong các làng nghề truyền thống có từ lâu đời. Làng nghề có nhiều điểm tương đồng như các làng đúc đồng truyền thống trong cả nước về cách làm khuôn, nấu đồng, pha chế. Ðể có một sản phẩm đồ đồng ra lò hoàn chỉnh thì phải qua một số công đoạn như lấy nguyên liệu, chế biến nguyên liệu, chế tạo khuôn đúc, xây dựng, sửa chữa nhà đúc, lò đúc, lắp ráp khuôn đúc chế tạo sản phẩm và tiến hành kỹ thuật đúc.
Vị tổ sư của nghề đúc đồng ở đây là Dương Không Lộ (văn tế ghi là Việt Nam thánh chúa Không Lộ chủ nghiệp tổ sư), tương truyền ông là một thầy thuốc. Hằng năm, cứ đến ngày 17-3 âm lịch, nhân dân tổ chức cúng lễ tổ sư của mình và tưởng nhớ các vị tiền hiền, hậu hiền là những người có công phát triển làng nghề. Từ chỗ chỉ đúc đồng, ngày nay, thợ đúc đã phát triển đúc những sản phẩm nhôm, gang. Và cùng với lịch sử, ngày giỗ tổ đã trở thành lễ hội truyền thống làng nghề đúc đồng Bằng Châu. Ðây là một hình thức sinh hoạt văn hóa sinh động, gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của làng nghề, hướng con người tới cội nguồn, tạo nên sự gắn bó trong đời sống cộng đồng. Bởi thế, dù đi đâu, người dân làng nghề đúc đồng Bằng Châu đều nhớ về lễ hội truyền thống của làng mình.
Theo một số cụ già trong làng nghề ở đây kể, muốn đúc một tấn vật đúc thành phẩm phải sử dụng từ năm đến sáu tấn đất sét hỗn hợp để làm khuôn và ruột. Về nhân lực, việc sản xuất được tổ chức theo gia đình, thường theo nếp cha truyền con nối. Người đi trước truyền lại cho con cháu trong gia đình, con cái coi đây là của cải từ cha ông để lại. Ở các gia đình làm nghề đúc đồng, người cha hay ông nội đóng vai trò thợ cả, là người thông suốt các khâu từ nặn khuôn, đúc và làm hoàn chỉnh sản phẩm, còn các con cháu là những người thợ phụ, nếu gia đình ít con cháu thì vai trò người thợ phụ ưu tiên dành cho hai bên nội, ngoại...
Trước kia ở làng đúc Bằng Châu, những nhà làm nghề đúc đồng thường tập hợp lại thành từng vùng, cụm và sản phẩm gồm các loại như: mâm, nồi, chảo, đèn thờ... Thời kỳ đầu mới sản xuất, sản phẩm còn thô sơ, quy trình chế tạo khuôn đúc tốn nhiều công sức, khuôn ngoài và khuôn trong chỉ dùng đúc được một lần, thời gian tháo khuôn phải mất 12 giờ đồng hồ, có cái phải đập bỏ không sử dụng lại được. Dần dần, làng nghề rút kinh nghiệm, cải tiến kỹ thuật trong sản xuất, đồng thời học hỏi, giao lưu với các làng đúc khác, nên sản phẩm làm ra ngày một tinh xảo, mang tính mỹ thuật cao. Sản phẩm cũng đa dạng hơn như các loại đèn thờ, nồi, bung, mâm, hộp đựng trầu, khay, chiêng cồng... và các loại vật dụng trang trí.
Cùng với thời gian, nghề đúc đồng ở Bằng Châu không những không bị mai một, mà còn được tạo điều kiện phát triển. Bà con trong làng vừa giữ được nét độc đáo riêng của một làng nghề truyền thống, vừa biến nghề truyền thống trở thành nguồn sinh lợi chính đáng, góp phần nâng cao đời sống kinh tế và văn hóa của địa phương.
K.D (st)