Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Tây Ninh vốn được nhiều người biết đến với các loại bánh tráng như bánh tráng phơi sương, bánh tráng cuốn, bánh tráng ớt…Nhưng còn 1 loại bánh nữa, đó lá bánh tráng dẻo ớt cay, mặn cũng đã được người dân tại ấp Ninh Hưng 1, xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu duy trì qua nhiều thế hệ, được khách hàng ưa chuộng bởi cách làm thủ công, với vị ngon truyền thống, mang đậm hương vị quê hương. Làng nghề bánh tráng nơi đây hoạt động quanh năm nhưng nhộn nhịp nhất vào dịp Tết.
Người dân tráng bánh tráng.
Tháng Chạp về, làng nghề như thay áo mới chuẩn bị đón Xuân. Người dân hối hả tráng bánh phục vụ thị trường Tết. Từ tờ mờ sáng người dân đã thức giấc, chuẩn bị các nguyện vật liệu để tráng bánh, phơi bánh cho kịp nắng rồi lại chờ tối đến sương xuống để phơi sương cho bánh tráng được dẻo, thơm.
Những ngày cuối năm, chúng tôi đến ấp Ninh Hưng 1, các con đường rợp giàn phơi với những chiếc bánh tráng to và tròn. Từ màu phớt vàng mật ong của bánh tráng ớt dẻo chay, đến màu đỏ óng, điểm thêm vài con ruốc của bánh tráng dẻo ớt mặn trên các phên bánh đã khô hòa quyện với mùi thơm từ hành lá, con ruốc, của ớt khiến ai cũng cảm thấy thèm ăn. Đây là 2 loại bánh đặc trưng của bánh tráng Chà Là.
Là đời thứ 2 và đã gắn bó với nghề hơn 10 năm, ông Trần Văn Tùng, ngụ ấp Ninh Hưng 1, xã Chà Là cho biết, để giữ hương vị đặc trưng, hiện nay nhiều người dân vẫn giữ quy trình sản xuất bánh tráng theo phương pháp thủ công, từ tráng bánh, phơi bánh đến phơi sương. Sau những đêm phơi dưới sương giá núi Bà Đen, đã đem lại mùi vị đặc trưng riêng cho bánh tráng dẻo ớt Chà Là, và được người tiêu dùng đón nhận.
Ông Tùng chia sẻ: Gia đình ông bán loại bánh này đã hơn 10 năm nay, bánh rất ngon, ai ăn cũng thích, nên bán rất chạy. Hiện nay, các cửa hàng ở miền Tây, miền Đông hay Đà Lạt (Lâm Đồng), Lagi (Bình Thuận) đều có.
Hầu hết những người dân làm nghề bánh tráng ở Chà Là đã là đời thứ 2, thứ 3 theo nghề, nên người tráng bánh không cần canh giờ, mà chỉ cần nhìn hơi nước bốc lên từ nắp vung là biết bánh chín đến đâu. Cần mẫn thức khuya dậy sớm để giữ cho bếp thường xuyên đỏ lửa, hơn 25 năm làm bánh tráng, bà Lê Thị Thúy Loan, ngụ ấp Ninh Hưng 1 vẫn duy trì việc phơi bánh ngoài trời, trồng cỏ để giúp cho công đoạn phơi sương tiện lợi và vệ sinh hơn. Có lẽ vì vậy mà dù mỗi ngày, các hộ dân sản xuất ra hàng trăm kg bánh nhưng vẫn được các thương lái đến tận nhà thu mua hết.
Công đoạn phơi bánh tráng được thực hiện ngay khi nắng bắt đầu lên.
Bà Loan, cho biết: Nhà tôi tráng 2 lò, mỗi ngày được 2 bao bột, được khoảng 80kg bánh và đều được thương lái đến lấy hết.
Những ngày cuối năm, không khí lao động của bà con làm nghề bánh tráng dẻo ớt ở Chà Là lại trở nên nhộn nhịp và khẩn trương hơn để kịp phục vụ thị trường trong và ngoài tỉnh. Tờ mờ sáng, mọi người đã thức dậy để chuẩn bị cho một ngày lao động mới và chỉ kết thúc công việc của mình khi những mẻ bánh tráng đã được “tắm” đẫm sương đêm. Bởi lẽ theo bà Loan, những ngày tháng Giêng là những ngày bánh tráng được bán chạy hàng nhất vì có khách du lịch vãng lai đi du xuân.
Nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của khách hàng, người dân làng nghề bánh tráng Chà Là đã mày mò để bánh tráng làm ra ngon hơn, đẹp hơn và xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm của mình.
Ông Huỳnh Văn Pháp, Chủ tịch Hội Nông dân xã Chà Là khẳng định: Trong thời gian tới Hội nông dân xã sẽ tạo điều kiện để các hộ dân được tiếp cận nguồn vốn chính sách vay ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, bao bì, nhãn mác, để đến gần hơn với người tiêu dùng.
Những phên bánh tráng hấp dẫn được phơi dưới nắng.
Hàng chục năm tồn tại với bao thăng trầm, giờ đây, bánh tráng dẻo ớt Chà Là đã được nhiều người biết đến. Bằng tình yêu nghề, nhiều gia đình vẫn đang nỗ lực giữ lửa cho làng nghề.
Một mùa xuân nữa lại về, người dân ở các làng nghề trên địa bàn tỉnh nói chung và người dân làm nghề bánh tráng Chà Là càng phấn khởi hơn khi tỉnh đã có hàng loạt chính sách hỗ trợ như đầu tư hạ tầng, đào tạo nâng cao tay nghề, quảng bá thương hiệu gắn với kinh doanh du lịch…Qua đó không chỉ giải quyết việc làm cho lao động địa phương, mà còn góp phần trong việc giữ gìn và phát triển văn hóa truyền thống của quê hương.
Vũ Nguyệt