Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Đến ấp Trường Thọ, xã Trường Hoà, huyện Hoà Thành trong những ngày này, người ta nghe tiếng máy, tiếng cưa, tiếng đục… vang lên khắp nơi.

Đến ấp Trường Thọ, xã Trường Hoà, huyện Hoà Thành trong những ngày này, người ta nghe tiếng máy, tiếng cưa, tiếng đục… vang lên khắp nơi. Không khí như khẩn trương hơn, hối hả hơn, làng nghề tiện gỗ gia dụng ở đây đang vào mùa làm ăn cao điểm nhất trong năm.
Ông Trần Công Danh (71 tuổi), một trong những nghệ nhân đầu tiên của làng nghề Trường Thọ, cho chúng tôi biết: Vào thập niên 60 của thế kỷ trước ấp này dân cư rất thưa thớt. Do ảnh hưởng chiến tranh, ông Ba Hình từ miền Tây mang theo nghề tiện đến Trường Thọ lập nghiệp. Ông làm nghề để nuôi sống gia đình, với những sản phẩm đơn giản như: lư hương, chân đèn, chủ yếu bán cho những gia đình có đạo để thờ cúng. Nguyên vật liệu là gỗ quý có sẵn trong rừng, lúc này rừng còn rất gần nhà, chỉ việc vào rừng đốn hạ, kéo về, xẻ ra theo kích thước quy định, cưa ngắn, gọt, giũa… tất cả đều làm thủ công. Thấy công việc thích hợp trong hoàn cảnh xã hội lúc đó, có nhiều người hàng xóm với ông Ba Hình đến xin học nghề, ông vui vẻ nhận lời, tận tình chỉ dạy. Làng nghề manh nha từ dạo ấy.
![]() |
Sản xuất sản phẩm đồ gỗ ở làng nghề Trường Thọ |
Nghề tiện gỗ gia dụng ấp Trường Thọ không phát triển rầm rộ, chỉ cha truyền con nối hoặc những người bà con thân thuộc học tập lẫn nhau, lúc cực thịnh có hơn 30 hộ làm nghề. Hiện nay cũng còn hơn 20 hộ. Nghề này không giàu nhưng có thu nhập ổn định. Theo thời gian, làng nghề tiện gỗ Trường Thọ không còn làm thủ công nữa, máy móc đã giúp họ rất nhiều, cho ra những sản phẩm chất lượng. Mặt hàng làm ra cũng nhiều chủng loại, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng: chân đèn, lư hương, khay, kỷ, chò… Nếu như trước đây làm bằng gỗ quý như gõ, lim, căm xe, hương, nay chỉ còn làm bằng gỗ thông thường, gỗ cây trồng, nhất là cây tràm vàng. Những địa phương lân cận cho con em đến đây học nghề, trở về địa phương mình làm nghề, hình thành nên một “khu làng nghề”, cạnh tranh cũng lành mạnh, thường là giúp đỡ lẫn nhau.
Anh Võ Đức Thái (43 tuổi, ở ấp Trường Lộc, xã Trường Tây) sang Trường Thọ học nghề và đã làm nghề hơn 14 năm. Cất được ngôi nhà kiên cố, sắm máy tiện, máy khoan, hộ anh Thái luôn có 4 lao động phụ việc. Thái cho biết, một sản phẩm tiện làm ra ít nhất là 8 công đoạn: tiện tộ, cốt, búp, dĩa, ráp, cắt răng, đánh giấy nhám, thổi PU. Anh đang hướng dẫn cho những người đến đây học việc, người học việc chỉ học một công đoạn, vừa học vừa làm, khoảng 3, 4 tháng là thạo việc. Nhưng nếu học để làm được một sản phẩm hoàn chỉnh, thời gian sẽ lâu hơn. Làm một công đoạn rất đơn giản, do đó, những em học sinh cấp 2 vẫn có thể vừa đi học chữ, vừa học nghề. Số tiền công cho một công đoạn tuy ít, nhưng cũng mua thêm được cuốn sách, quyển vở, góp phần phụ giúp gia đình, trong làng nghề này có nhiều em như thế. Sản phẩm làm ra tiêu thụ nhanh nhất là từ tháng 10 âm lịch đến Tết Nguyên đán hoặc trong những ngày rằm lớn, tháng Giêng, tháng 7, tháng 8. Những tháng còn lại trong năm bán rất chậm, những tháng này hàng hoá không bán được phải trữ lại chờ đến vụ, công việc làm cầm chừng. Thời điểm hiện nay, bà con làng nghề rất cần có vốn để mua nguyên liệu (anh Thái đã vay 25 triệu đồng ở quỹ tín dụng địa phương, xoay vòng liên tục đã 10 năm rồi). Đến “mùa thu hoạch” sản phẩm làm ra không đủ bán. Hiện nay bình quân gia đình anh thu nhập 6 triệu đồng/tháng.
Xã hội ngày càng phát triển, đời sống người dân được nâng lên. Không chỉ những người có đạo mới cần lư hương, chân đèn... Tất cả mọi người khi có “của ăn, của để”, họ thường có xu hướng chú trọng đến đời sống tinh thần, tâm linh. Tuỳ vào điều kiện của mỗi nhà, những vật dụng này đơn giản hay cầu kỳ cho thích hợp. Sản phẩm làng nghề Trường Thọ đã vươn ra đến các tỉnh miền Tây. Mỗi năm khi dự hội xuân núi Bà trở về, quà tặng của người dân “lục tỉnh” mang về cho người thân không thể thiếu những bộ lư hương, chân đèn, chò, kỷ…
Duy Đức