Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Làng Văn hóa Du lịch 3.200 tỷ “hoang tàn” ngày ấy, bây giờ ra sao?
Thứ năm: 16:08 ngày 25/05/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Làng văn hóa du lịch diện tích 1.544ha, với số vốn đầu tư 3.256,8 tỉ đồng, từng được coi là điển hình của sự lãng phí bây giờ ra sao?

Năm 2016, có người gợi ý tôi mang triển lãm “Trường Sa – Nơi ta đến” trưng bày ở Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội). Tôi chỉ mỉm cười không nói gì vì tôi đã từng đến đó và thấy một “bình địa” sơ sài, vắng vẻ chứ không phải là một “thánh địa” của du lịch - dịch vụ - văn hóa như kỳ vọng ban đầu về Làng Văn hóa diện tích 1.544ha, dù được Nhà nước đầu tư hẳn 3.256,8 tỉ đồng.

"Hoang tàn làng văn hóa 3.200 tỷ đồng", "Xót xa cảnh Làng Văn hóa 3.200 tỷ hoang tàn bị lãng quên", "3.200 tỷ cho mối xông", “Siêu làng văn hóa” ngàn tỷ phơi sương, “Thánh địa” du lịch hoang tàn…là những tiêu đề nhiều bài báo từng viết về Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam trong 2 năm 2014 và 2015 và coi làng như một điển hình của sự lãng phí.

Vừa qua trong một lần ghé qua Làng, tôi đã vô cùng ngạc nhiên vì một cảnh tượng hoàn toàn khác hẳn, một sự đổi thay hoàn toàn bất ngờ: Đầu tiên là con đường đông đúc xe ô tô chở người tham quan xếp hàng dài chờ vào làng. Lúc đó, giám đốc Làng đang ở ngay tại trận và đang gọi điện chỉ đạo bỏ qua khâu soát vé để nhanh chóng giải phóng ùn tắc. Vào trong làng là một cảnh tượng vui nhộn với từng đoàn các em nhỏ cấp 1, cấp 2, cho đến sinh viên và người lớn tuổi đều đang rất hứng thú với các hoạt động cộng đồng.

Nếu như trước kia, những ngôi nhà của đồng bào dân tộc thiểu số bị bỏ hoang, mưa dột, xuống cấp, đồng bào chỉ được đưa đến mỗi dịp làng có sự kiện thì nay những ngôi nhà đã được tu sửa khang trang sạch sẽ và luôn nồng ấm bếp lửa vì đồng bào đã dọn đến ở thường xuyên.

Đồng bào đón tiếp chúng tôi khá niềm nở, mời chúng tôi ăn các món ăn truyền thống của dân tộc mình cũng như giới thiệu về cuộc sống và các sản phẩm mà họ làm ra phục vụ đời sống của chính họ.

Những buổi biểu diễn các trích đoạn tuồng cổ của đồng bào Khmer, hay những buổi kết nghĩa của đồng bào dân tộc Cơ-tu, Tây Nguyên luôn được du khách quan tâm tham dự.

Từ một ngôi làng “hoang vu”, “bị mối xông”, Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam bỗng chốc trở thành một địa chỉ du lịch ăn khách, chỉ trong năm 2016, Làng đã đón tiếp và phục vụ khoảng 500.000 lượt khách du lịch, tăng 200% so với cùng kỳ năm 2015.

Nhiều sản phẩm du lịch trải nghiệm như “Mái trường - Ngôi làng các dân tộc” và “Một ngày bản buôn” đã được xây dựng khá thành công, thu hút nhiều lượt học sinh, sinh viên các tỉnh thành tham gia.

Đưa chúng tôi đi một vòng xe điện quanh làng, cô hướng dẫn viên khẳng đinh, có được sự thay đổi ngoạn mục này là nhờ Giám đốc mới của Làng – anh Nguyễn Thanh Sơn. “Anh là một vị giám đốc tâm huyết, luôn sát sao với công việc. Dù trời nắng hay mưa cũng đều trực tiếp có mặt ở làng, gặp gỡ các du khách để tìm ra hướng phục vụ chu đáo”.

“Những hôm mưa bão, anh Sơn đều đi thăm hỏi từng nhà đồng bào dân tộc sinh sống tại đây. Đồng bào đồng ý chuyển đến ở tại Làng một phần cũng vì sự chân thành của giám đốc”, cô hướng dẫn viên kể.

Gặp Giám đốc Nguyễn Thanh Sơn ở khu vực diễn xướng của đồng bào Khmer, cô hướng dẫn viên mời anh lên xe điện nhưng anh từ chối. “Anh ấy đang bị đau chân mà vẫn đích thân đi thị sát quanh làng”, cô hướng dẫn viên cho biết.

Anh Nguyễn Thanh Sơn được bổ nhiệm làm Giám đốc Làng Văn hóa-Du lịch ngày 15/4/2015 trong cơn lốc truyền thông phê phán coi Làng Văn hóa như một ví dụ điển hình của sự lãng phí.

Ngay khi bắt tay vào công việc, tân Giám đốc cơ cấu lại bộ máy phòng ban để thành lập Trung tâm dịch vụ du lịch từ nguồn nhân sự sẵn có. Trung tâm hoạt động khá hiệu quả khi đến nay đã kết nối được với 92 lượt công ty lữ hành, công ty tổ chức sự kiện gửi khách đến làng và có 19 công ty lữ hành xây dựng sản phẩm du lịch đến Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam với các gói tour 1 ngày kết hợp từ 300.000 đến 750.000 đồng.

Từ một địa chỉ du lịch bị “lãng quên”, dưới sự điều hành của Giám đốc mới, chỉ sau 1 năm, làng đã mạnh dạn xin phép thí điểm Đề án thu phí tham quan và bắt đầu triển khai thu phí từ 25/12/2016.

“Trong 5 tháng đầu năm 2017, đã có 22 lễ hội của 18 cộng đồng dân tộc đã được tổ chức hàng tuần, hàng tháng thu hút 300 lượt đồng bào dân tộc tham dự. Lượng khách du lịch 5 tháng đầu năm ước đạt trên 240.000 lượt đạt gần xong kế hoạch năm. Chúng tôi đã chuẩn bị xong các sản phẩm du lịch hè hướng tới học sinh, sinh viên trải nghiệm. Tiếp tục hoạt động hàng ngày của các làng: Tày, Dao, Mường, Khơ Mú, Tà Ôi, Ê Đê, Khmer… Năm 2017 dự kiến có 15 cộng đồng dân tộc hoạt động hàng ngày tại Làng”, Giám đốc Nguyễn Thanh Sơn cho biết.

Vị Giám đốc rất hào hứng chia sẻ về công việc đầy tâm huyết của mình nhưng khi hỏi về những nỗ lực cá nhân thì rất khiêm tốn và từ chối trả lời. Ông cho rằng mình chỉ đang cố gắng hoàn thành công việc được tín nhiệm giao phó./.

Vậy là sau một năm trì hoãn, kể từ tháng 3/2017, bộ ảnh “Trường Sa - Nơi ta đến” vẫn được Làng ưu ái dành một khu vực để triển lãm cố định cùng các phiến đá chủ quyền được gửi từ các đảo ngoài Trường Sa về. Hôm đến thăm Làng, được biết tôi là tác giả của bộ ảnh, đồng bào đã mời tôi vào nhà, mang đàn tính ra hát một điệu then về Trường Sa, lời bài hát do đồng bào sáng tác. Họ bảo rất mong một ngày ra Trường Sa để hát cho chiến sĩ ta. Nghe vậy, Giám đốc Nguyễn Thanh Sơn bèn ấp ủ kế hoạch đưa đồng bào của Làng mình ra thăm Trường Sa…

Nguồn VOV5

data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục