BAOTAYNINH.VN trên Google News

Lãnh đạo các sở, ngành trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh

Cập nhật ngày: 09/12/2009 - 05:02

Kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh khoá VII có 24 nội dung được Thường trực HĐND tỉnh đưa ra chất vấn UBND tỉnh và các ngành liên quan. Dự kiến có 11 sở, ngành trả lời chất vấn tại kỳ họp, nhưng do thời gian dành cho phiên chất vấn có hạn nên chỉ có 5 sở, ngành đã trả lời chất vấn trực tiếp tại hội trường, còn lại là trả lời bằng văn bản. Phiên chất vấn diễn ra chất lượng, có trọng tâm, các đơn vị trả lời chất vấn có trách nhiệm. Tuy nhiên do khuôn khổ có hạn, Báo Tây Ninh tường thuật một số nội dung được nhiều cử tri quan tâm.

* Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Cao Thị Nhạn:

Tạm trích khoản tiết kiệm kiềm chế lạm phát để hỗ trợ người chạy xe lôi máy

Giám đốc Sở GTVT Cao Thị Nhạn.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thời gian thực hiện chính sách hỗ trợ cho người chạy xe lôi máy đến hết ngày 21.12.2009. Tuy nhiên đến nay- gần giữa tháng 12.2009 mà Tây Ninh vẫn chưa thực hiện. Đại biểu HĐND tỉnh đặt vấn đề vì sao như thế, trách nhiệm thuộc về ai và bao giờ mới thực hiện?

Bà Cao Thị Nhạn trả lời: Thực hiện chủ trương đình chỉ hoạt động xe lôi máy, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở GTVT phối hợp cùng Sở Tài chính, Sở LĐ-TB&XH cùng UBND các huyện thị tổ chức điều tra, thống kê số lượng phương tiện, đối tượng được hưởng chính sách để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh chính sách hỗ trợ. Đến đầu tháng 10.2009, các địa phương báo cáo về Sở GTVT tổng hợp có 2.708 phương tiện thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ với tổng kinh phí là 17,87 tỷ đồng. Sở đã có văn bản gửi Sở Tài chính để trình UBND tỉnh phê duyệt trước khi gửi Bộ Tài chính hỗ trợ kinh phí. Trong thời gian chờ đợi nguồn kinh phí Trung ương, một số địa phương đã chủ động sử dụng 10% nguồn tiết kiệm kiềm chế lạm phát để kịp thời hỗ trợ các chủ phương tiện bị đình chỉ. Bằng cách này, việc thực hiện chính sách hỗ trợ sẽ đảm bảo đúng thời gian quy định. Hiện nay, thị xã Tây Ninh đã xét duyệt xong đối tượng và đã ra quyết định thực hiện chính sách hỗ trợ, đang thông báo công khai và chi hỗ trợ tại Kho bạc Nhà nước. Các huyện còn lại đang hoàn chỉnh việc xét duyệt đối tượng.

Sau khi Giám đốc Sở GTVT trả lời, có một số đại biểu chất vấn thêm. Trong đó có ý kiến: Quyết định hỗ trợ của UBND tỉnh (ban hành trước) và của Chính phủ (ban hành sau) có một số điểm khác nhau, hiện tại áp dụng như thế nào? Giám đốc Sở GTVT cho rằng quyết định của Chính phủ mở rộng đối tượng hơn nên Sở tham mưu UBND tỉnh áp dụng theo quyết định này.

Chủ toạ kỳ họp đánh giá tiến độ thực hiện chính sách hỗ trợ người chạy xe lôi máy còn chậm và đề nghị Sở GTVT phối hợp các sở, ngành liên quan và UBND các huyện thị khẩn trương giải ngân kịp thời đến các đối tượng.

* Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Hoàng:

Đã kiến nghị đình chỉ nhiều cơ sở gây ô nhiễm môi trường

Phó Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Hoàng.

Vấn đề môi trường ngày càng được nhiều cử tri quan tâm. Tại kỳ họp đại biểu chất vấn về kết quả khắc phục tình trạng gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh đến nay như thế nào? Kết quả xử lý vi phạm đối với các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra sao?

Ông Nguyễn Hoàng trả lời: hiện nay trên địa bàn tỉnh có 115 cơ sở có nhiều khả năng gây ô nhiễm môi trường, trong đó gồm: 90 cơ sở chế biến khoai mì với tổng công suất khoảng 1.500 tấn sản phẩm/ngày và tổng lượng nước thải là 30.000 mét khối/ngày; 25 nhà máy chế biến cao su với tổng công suất khoảng 500 tấn sản phẩm/ngày và tổng lượng nước thải là 15.000 mét khối/ngày. Ngoài ra còn 2 khu công nghiệp và nhiều cơ sở sản xuất gạch, chăn nuôi, giết mổ… Hằng năm Sở tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Năm 2009 UBND tỉnh ban hành kế hoạch xử lý 33 cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Đến cuối tháng 11.2009 đã có 5 cơ sở xây dựng hoàn chỉnh hệ thống xử lý chất thải đúng quy định, 15 cơ sở đã triển khai xây dựng hệ thống xử lý, 16 cơ sở chưa triển khai thực hiện. UBND tỉnh đang xem xét tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở chưa thực hiện xử lý môi trường. Về xử lý, ông Nguyễn Hoàng cho biết năm 2009 UBND tỉnh đã có quyết định đình chỉ hoạt động 3 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường là: DNTN Nhật Huy, DNTN Phúc Phụng và Công ty TNHH tinh bột sắn Tân Châu. Ngoài ra, Sở đã kiến nghị UBND tỉnh xem xét đình chỉ 10 cơ sở gây ô nhiễm môi trường khác không thực hiện xử lý theo kế hoạch từ những năm 2007, 2008; đồng thời xử phạt vi phạm hành chính 41 cơ sở với tổng số tiền hơn 300 triệu đồng, buộc các cơ sở phải thực hiện đúng các quy định về bảo vệ môi trường.

Sau khi ông Nguyễn Hoàng trả lời, có thêm nhiều ý kiến băn khoăn là hiện nay vẫn còn rất nhiều cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, làm sao đạt được chỉ tiêu đến năm 2010 có 100% cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn xử lý môi trường? Ông Nguyễn Hoàng cho biết là ngành cùng các ngành chức năng liên quan phối hợp với Cảnh sát Môi trường tăng cường nỗ lực hơn nữa, có giải pháp hữu hiệu để buộc các cơ sở sản xuất thực hiện xử lý môi trường đúng quy định.

Sơn TrẦn