BAOTAYNINH.VN trên Google News

Lãnh đạo các sở, ngành trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 22 HĐND tỉnh

Cập nhật ngày: 10/12/2010 - 01:46

Toàn cảnh kỳ họp

Kỳ họp thứ 22 HĐND tỉnh khoá VII có 16 nội dung được Thường trực HĐND tỉnh đưa ra chất vấn UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan. Dự kiến có 11 sở, ngành trả lời chất vấn tại kỳ họp. Tuy nhiên do thời gian dành cho phiên chất vấn có hạn nên chỉ có 6 sở, ngành trả lời chất vấn trực tiếp tại hội trường, còn lại là trả lời bằng văn bản. Phiên chất vấn diễn ra chất lượng, có trọng tâm, các đơn vị trả lời chất vấn có trách nhiệm. Báo Tây Ninh lược ghi một số nội dung đang được cử tri quan tâm.

* Giám đốc Sở KH&ĐT Huỳnh Văn Quang: Giai đoạn 2011-2015, hạ tầng giao thông là một trong những khâu đột phá

Hạ tầng giao thông đang là vấn đề được đông đảo cử tri quan tâm. Tại kỳ họp thứ 22, đại biểu đã đặt vấn đề chất vấn “Một trong những hạn chế của tỉnh là hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được sự phát triển kinh tế- xã hội. Giải pháp huy động nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông trong năm 2011 và những năm tiếp theo như thế nào?”.

Ông Huỳnh Văn Quang giải trình: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX xác định “hạ tầng giao thông là một trong các khâu đột phá quan trọng của tỉnh trong giai đoạn 2011-2015. Tuy nhiên, nhu cầu vốn đầu tư để nâng cấp, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông là rất lớn. Trong điều kiện ngân sách tỉnh còn hạn hẹp- khả năng chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu vốn nên cần có những cơ chế, chính sách giải pháp phù hợp để kết hợp nguồn vốn từ ngân sách địa phương với nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương, đồng thời có huy động vốn từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước, nguồn vốn từ nhân dân đóng góp. Song song với việc tăng cường huy động vốn đầu tư cần phải nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng vốn đầu tư.

Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp xây dựng kế hoạch, chương trình hành động về đầu tư hạ tầng giao thông. Định hướng huy động nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông năm 2011 và những năm tiếp theo là: kết hợp nguồn vốn từ ngân sách địa phương, vốn hỗ trợ có mục tiêu của Trung ương, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA và kêu gọi đầu tư bằng hình thức BOT, BT để nâng cấp, bảo trì các công trình giao thông hiện có và xây dựng mới công trình hạ tầng giao thông trọng điểm như đường 781, 782, 782-784, 786, 787, 792, 795, 799, đường vào các khu, cụm công nghiệp, hạ tầng giao thông đô thị, giao thông nông thôn và nâng cấp tải trọng cầu phù hợp. Đồng thời kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương đầu tư các tuyến đường giao thông quan trọng qua tỉnh như: đường cao tốc, đường sắt TP.HCM- Mộc Bài, nâng cấp QL22B, QL14C, đường tuần tra biên giới, đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường HCM… Song song với định hướng huy động vốn đầu tư, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng nêu cụ thể các giải pháp tăng cường khả năng huy động vốn đầu tư như vận dụng và thực hiện linh hoạt các cơ chế, chính sách để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, các chính sách về đất đai, tài nguyên khoáng sản, nâng cao chất lượng quy hoạch, tranh thủ sự tư vấn của các bộ, ngành để được hỗ trợ vốn…

Sau khi Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư giải trình, có nhiều ý kiến chất vấn thêm. Trong đó có ý kiến băn khoăn về cơ chế, chính sách huy động vốn chủ yếu là vận dụng từ Trung ương, liệu có khả năng huy động đủ theo nhu cầu hay không? Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sẽ kết hợp với các ngành liên quan chuẩn bị kế họach đề xuất Trung ương tăng cường vốn hỗ trợ từ nguồn trái phiếu Chính phủ, nguồn ODA…

* Giám đốc Sở GT-VT Cao Thị Nhạn: Sở đang khẩn trương thực hiện đề án quy hoạch cảng, bến thuỷ nội địa

Một trong những nội dung được đại biểu quan tâm nhiều nhất tại kỳ họp này là tiến độ xử lý các bến bãi dọc sông Vàm Cỏ Đông theo chủ trương của UBND tỉnh.

Giám đốc Sở Giao thông -Vận tải (GTVT) Cao Thị Nhạn giải trình: Từ tháng 7.2010, UBND tỉnh ban hành quyết định thu hồi một số diện tích đất công được các đơn vị cho thuê làm bến bãi trái quy định. Sở GTVT cũng có văn bản gửi Cảng vụ đường thuỷ nội địa khu vực III đề nghị khẩn trương thu hồi giấy phép khai thác bến thuỷ nội địa đối với 4 doanh nghiệp. UBND huyện Hoà Thành đã chỉ đạo các ngành chức năng và UBND các xã liên quan tiến hành kiểm tra, xử lý các bến bãi trên địa bàn. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp phát triển ven sông và sử dụng bến cảng là tự phát do tỉnh chưa có quy hoạch bến cảng đường thuỷ. Nhận thấy nhiều doanh nghiệp có vi phạm nhưng không do lỗi chủ quan nên việc xử lý cần phải có lộ trình, có thời gian để tạo điều kiện cho doanh nghiệp di dời đến địa điểm mới nhằm giảm thiểu thiệt hại. Do đó, lãnh đạo tỉnh chỉ đạo thời gian để các doanh nghiệp di dời là trước ngày 31.12.2010. Hiện nay, Sở GTVT đang khẩn trương thực hiện Đề án quy hoạch các cảng bến thuỷ nội địa để làm cơ sở đề xuất UBND tỉnh phê duyệt thực hiện trong năm 2011. Riêng tại khu vực cảng Bến Kéo, đơn vị tư vấn đang khảo sát địa hình, thuỷ văn để đưa ra phương án xây dựng các bến cảng hàng hoá quy mô phù hợp.

Sau khi Giám đốc Sở GTVT giải trình, có nhiều đại biểu nêu ý kiến chất vấn thêm. Có ý kiến cho rằng đến nay chưa có quy hoạch cảng bến thuỷ nội địa thì các doanh nghiệp phải di dời đi đâu, đồng thời có được hỗ trợ khi di dời hay không? Giám đốc Sở GTVT trả lời hiện nay do chưa có quy hoạch và quy định nên doanh nghiệp tự di dời là chính.

Chủ toạ kỳ họp kết luận phần chất vấn Sở GTVT cho rằng việc xử lý bến bãi tự phát dọc sông Vàm Cỏ Đông chỉ được tập trung sau khi báo chí nêu thực trạng chứ trước đó chưa được chú trọng. Tuy nhiên, quá trình giải quyết phải có lý, có tình, có lộ trình, có thời gian để hạn chế tối đa thiệt hại cho các doanh nghiệp. Chủ toạ đề nghị Sở GTVT khẩn trương xây dựng và triển khai quy hoạch để hoạt động bến cảng ổn định và các doanh nghiệp có định hướng đầu tư.

S.T