Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Lãnh đạo tỉnh khảo sát thực tế các vùng sản xuất nông nghiệp
Thứ tư: 08:58 ngày 17/07/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Chiều 16.7, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh dẫn đầu đoàn cán bộ lãnh đạo tỉnh khảo sát thực tế các vùng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Ðoàn đã khảo sát thực tế vùng sản xuất mía đường thuộc Công ty TNHH Hưng Thịnh (xã Ninh Điền, Châu Thành), khu chế tạo ống nước thuộc Dự án thuỷ lợi phía Tây sông Vàm cỏ Đông (khu vực xã An Cơ, Châu Thành) cùng một số vị trí xây dựng tuyến kênh trên địa bàn huyện Châu Thành, khu đầu tư hạ tầng chuyển đổi cơ cấu cây ăn quả (vườn cam Tám Hưng) thuộc xã Tân Bình, huyện Tân Biên.

Đoàn tham quan Nông trại trái cây Tám Hưng, thuộc khu đầu tư hạ tầng chuyển đổi cơ cấu cây ăn quả (xã Tân Bình, huyện Tân Biên).

Chuyến khảo sát thực tế các vùng sản xuất nông nghiệp nhằm định hướng cơ cấu lại nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng, hướng tới xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Theo báo cáo của Công ty TNHH Hưng Thịnh, nông trường mía Ninh Điền có quy mô diện tích 1.500 ha nằm trên địa bàn ấp Gò Nổi, xã Ninh Điền. Nông trường có 1 nhà máy sản xuất, chế biến mía đường với công suất chế biến 2.000 đến 3.000 tấn mía/ngày.

Hiện trạng hạ tầng có hệ thống đường giao thông chính, đường phân các lô mía, hệ thống tưới mía lấy nước từ sông Vàm Cỏ Đông, hệ thống lưới điện, kênh dẫn nước,… Ðịnh hướng phát triển của công ty là sản xuất mía sạch, hữu cơ để tạo tính cạnh tranh trong ngành mía đường trong và ngoài nước.

Tây Ninh có 4 nhà máy sản xuất, chế biến mía đường, với tổng công suất thiết kế của các nhà máy là 15.800 tấn mía/ngày.

Theo Ban quản lý Dự án Đầu tư và xây dựng ngành NN&PTNT Tây Ninh, dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông được triển khai từ đầu năm 2018. Dự án gồm kênh chuyển nước dài 16,67km và một cây cầu máng vượt sông Vàm Cỏ Đông cùng các kênh chính, kênh cấp 1... và các công trình khác, với điểm đầu tại xã Hoà Hội (huyện Châu Thành) dẫn nước ven tuyến biên giới và kết thúc tại rạch Bảo (huyện Bến Cầu).

Lãnh đạo tỉnh khảo sát thực tế công trình xây dựng thuộc Dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông (Hảo Đước, Châu Thành).

Mục tiêu của dự án là cấp nước tự chảy cho diện tích 16.953 ha đất nông nghiệp tại nhiều xã ở hai huyện Châu Thành, Bến Cầu. Dự án này còn cấp nước cho lĩnh vực công nghiệp, sinh hoạt và chăn nuôi.

Theo Sở NN&PTNT, hệ thống thuỷ lợi dẫn nước hồ Dầu Tiếng vượt sông Vàm Cỏ Đông về các địa phương phía Tây là công trình có ý nghĩa rất quan trọng, sẽ làm thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội các địa phương vùng biên giới.

Khu đầu tư hạ tầng chuyển đổi cơ cấu cây ăn quả (Nông trại trái cây Tám Hưng) thuộc xã Tân Bình (huyện Tân Biên) có diện tích 86ha, sản lượng 2,7 tấn/năm, theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Trước đây, khu vực này là vùng khô hạn, thiếu nước tưới, nhưng hiện nay đã chuyển đổi mạnh sang cây ăn trái, chủ yếu là cam xoàn, nhãn, bưởi, quýt…  Qua khảo sát, hệ thống kênh tiêu nội vùng, hệ thống tưới của khu cơ bản hoàn chỉnh. Hiện tại, nông trại này có sản lượng trái cây xuất khẩu ổn định sang thị trường Mỹ.

Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh khảo sát thực tế Xưởng gia công chế tạo ống thép thuộc Dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông (huyện Châu Thành).

Tại buổi khảo sát thực tế, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh đánh giá cao hiệu quả và những đóng góp tích cực của các ngành trong việc phát triển nông nghiệp gắn với cơ cấu lại nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương. Các sở, ban, ngành và địa phương cần quan tâm hỗ trợ, tạo thuận lợi cho phát triển và nhân rộng các mô hình này.

Theo thống kê của ngành Nông nghiệp, tính đến nay, tỉnh có trên 5% nông sản sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP (an toàn). Giá trị sản xuất nông- lâm- thủy sản ước đạt 40,7%, trong đó sản phẩm nông nghiệp ngày càng đạt chất lượng, đáp ứng yêu cầu tiêu thụ ở trong nước và xuất khẩu.

Xưởng gia công chế tạo ống thép thuộc Dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông (khu vực huyện Châu Thành).

Hiện tỉnh đã tập trung tái cơ cấu đầu tư công, đầu tư chuyển đổi tập trung theo hướng phát triển hệ thống hạ tầng đảm bảo tiêu nước nhanh phục vụ chuyển đổi cây trồng cạn. Đầu tư hạ tầng thủy lợi phục vụ vùng phát triển nông nghiệp chuyển đổi cây trồng với diện tích khoảng 6.500 ha, hiện đã triển khai ở một số khu vực thuộc hai huyện Tân Biên và Tân Châu.

Tâm Giang

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục