Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Văn Quang đã có buổi tiếp và làm việc với đoàn công tác của Bộ Công thương Việt Nam và đoàn công tác Bộ Thương mại Campuchia.

(BTNO) – Sáng 10.10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Văn Quang đã có buổi tiếp và làm việc với đoàn công tác của Bộ Công thương do ông Trần Bảo Giám – Vụ trưởng Vụ thương mại miền núi làm trưởng đoàn và đoàn công tác Bộ Thương mại Campuchia do ông Ho Sivyong – Phó Cục trưởng Cục Thương mại song phương dẫn đầu.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Văn Quang rất hoan nghênh việc đoàn công tác của Bộ Công thương và Bộ Thương mại Campuchia đã chọn Tây Ninh làm điểm đến để khảo sát và nghiên cứu lập Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ biên giới Việt Nam - Campuchia đến năm 2020 và chuẩn bị cho Hội nghị hợp tác phát triển thương mại biên giới Việt Nam – Campuchia lần thứ IV.
Ông Đỗ Thanh Hoà – Giám đốc Sở Công thương khái quát một số nét cơ bản về thương mại biên giới và công tác xây dựng, phát triển chợ biên giới Tây Ninh với các tỉnh giáp biên thuộc Vương quốc Campuchia.
![]() |
Ông Đỗ Thanh Hoà – Giám đốc Sở Công thương phát biểu tại buổi làm việc |
Tây Ninh có đường biên giới dài khoảng 240km thuộc 5 huyện, 20 xã tiếp giáp 3 tỉnh với 7 huyện, 22 xã thuộc Vương quốc Campuchia; có 02 cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (huyện Bến Cầu), Xa Mát (Tân Biên), 04 cửa khẩu chính (Kà Tum, Chàng Riệc, Phước Tân, Tống Lê Chân) và 10 cửa khẩu phụ. 9 tháng đầu năm 2011, tổng kim ngạch xuất – nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới đất liền là 928,5 triệu USD, so cùng kỳ (627,6 triệu USD) tăng 47,9%. Bên cạnh đó, hiện toàn tỉnh có 17/20 xã biên giới có chợ. Trong đó chợ biên giới 16 chợ; chợ liên xã 03 chợ; chợ cửa khẩu 05 chợ, Chợ trong Khu kinh tế cửa khẩu 01 chợ…
Ông Đỗ Thanh Hoà cho biết thêm, để tiếp tục phát triển chợ và thương mại biên giới, tỉnh đang xúc tiến việc ký kết các chương trình hợp tác ngành, trong đó có lĩnh vực thương mại giữa Tây Ninh với các tỉnh Svay Rieng, Prey Veng, Kampong Cham; phối hợp tham gia trong việc xây dựng chợ thí điểm tại xã Dar, huyện Memot, tỉnh Kampong Cham để làm cầu nối cho hàng hoá của các tỉnh, thành trong vùng Đông Nam bộ đến Campuchia và Lào theo đường quốc lộ 6, 7 của nước bạn Campuchia. Trước mắt, địa phương cấp huyện hai bên phối hợp tạo điều kiện cho cư dân biên giới đưa hàng hoá sản xuất được đến trao đổi, mua bán tại các chợ xã hiện có. Các tỉnh giáp biên phối hợp xây dựng hạ tầng, đặc biệt là các tuyến đường giao thông ra biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và nhân dân qua lại và mua bán hàng hoá…
Cũng tại buổi tiếp này, tỉnh Tây Ninh đề nghị Bộ Công thương và Bộ Thương mại Campuchia thảo luận với Bộ Nông nghiệp hai nước thống nhất việc xuất- nhập khẩu hàng hoá là nông sản; Đưa các loại nông sản như mía, mì, lúa vào danh mục các mặt hàng được trao đổi qua lại của cư dân biên giới hai nước.
Đ.H.T