Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Lão nông dân tộc Thái với trăn trở gìn giữ văn hoá truyền thống
Thứ sáu: 08:59 ngày 23/08/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hơn 30 năm vào sinh sống ở Tây Ninh, ông Hà Văn Nọng vẫn canh cánh trong lòng nỗi nhớ quê. Những lúc đó, ông thường xem hình ảnh, điệu nhạc của dân tộc Thái trên mạng rồi tìm hiểu và học.

 62 tuổi, ông Nọng mới bắt đầu tập thổi khèn bè- nhạc cụ đặc trưng của dân tộc mình. Mỗi khi ôm khèn thổi, những âm thanh nhẹ nhàng, du dương giúp ông nguôi nỗi nhớ quê xa.

Nhọc nhằn cho con tìm chữ

Năm 1992, ông Nọng cùng anh trai đưa gia đình di cư từ Thanh Hoá vào Tây Ninh sinh sống tại vùng biên giới huyện Bến Cầu. Đã hơn 30 năm, ông bám rễ nơi vùng đất Phước Trung, xã Long Phước. Những nhọc nhằn, khó khăn ở vùng đất biên giới luôn được ông nhớ rõ như vừa mới hôm qua. Đó là những tháng ngày ròng rã đổ mồ hôi trên đồng hay gian nan trong những mùa nắng hạn thiếu nước.

Nông dân Hà Văn Nọng.

Nhưng, với ông, hơn hết là ký ức về việc nhọc nhằn tìm chữ của các con mình. Ông Nọng nhớ hình ảnh hai đứa con trai cùng đèo nhau trên chiếc xe đạp cái để đến trường những mùa nắng hay mưa lầy lội. Rồi dần dà, ông dành dụm tiền mua thêm chiếc xe cũ cho các con đi học để bớt nhọc nhằn. Ông vẫn nhớ niềm vui lần đầu mua được chiếc xe Wave cũ từ tiền vay ngân hàng để đưa rước con đi học nơi trường huyện, mỗi tuần hai bận.

Biết bao nhiêu nhọc nhằn nhưng ông Nọng và vợ vẫn quyết tâm cho con đến trường. Ông Nọng nói: “Khi quyết định vào Nam, tôi đã xác định 2 việc: phải cho con học hành đầy đủ và có được bữa ăn no”.

Đến giờ, hai con trai ông Nọng đều đã tốt nghiệp đại học và có việc làm, kinh tế gia đình ông cũng ổn định. Hình ảnh đứa con trai đầu vui mừng đến phát khóc chạy xuống ruộng bí báo cho vợ chồng ông kết quả đậu Đại học An ninh vẫn in hằn trong trí nhớ của ông. Đến giờ nhắc lại, ông vẫn còn xúc động.

Niềm vui của ông Nọng càng lớn hơn, và, xen vào đó là niềm tự hào nho nhỏ khi con trai ông là người đậu đại học đầu tiên trong xã Long Phước khi ấy. Con trai thứ hai của ông Nọng cũng có bằng đại học và làm việc tại địa phương nhiều năm nay.

Ông Hà Văn Nọng với niềm đam mê thổi khèn bè.

Ông Nọng cho hay, bản thân mình chỉ học xong lớp 7 rồi phải nghỉ vì điều kiện khó khăn. Nhưng ông luôn động viên và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các con học. Việc chọn nghề cũng vậy, ông để cho các con thoải mái lựa chọn.

Ông Nọng còn tích cực tham gia công tác ở địa phương trong vai trò Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh ấp. Ông cũng từng làm trưởng ấp một thời gian. Với suy nghĩ sự học là vô cùng, học nữa, học mãi, khi tham gia công tác tại địa phương, ông muốn được học nhiều hơn những điều hay, điều mới và để hoà nhập tốt với cộng đồng nơi vùng đất mới. Trong cuộc sống, ông tạo được uy tín, lòng tin với mọi người xung quanh, mạnh dạn đóng góp ý kiến khi cần thiết.

Đến nay, gia đình ông Nọng nhiều năm liền được công nhận là gia đình văn hoá, đạt danh hiệu gia đình học tập. Bản thân ông Nọng được ghi nhận và trao học bổng “Học không bao giờ cùng” năm 2024.

Biết đâu, mai này...

Gần đây, ông Nọng bắt đầu theo những người quen trong cộng đồng người Thái học thổi khèn bè. Ông cho biết mình học thổi khèn bởi muốn gìn giữ nét văn hoá của dân tộc. Dẫu tuổi cao, trí nhớ kém hơn xưa, tay vẫn còn cứng bấm phím chưa quen, nhưng ông vẫn kiên trì học.

Đến nay, ông đã có thể thổi liên tục những giai điệu khèn bè. Ngoài ra, ông còn tìm hiểu ý nghĩa ca từ, giai điệu của những điệu hát dân tộc từ những người lớn tuổi và kể lại cho những người trẻ.

Trong cuộc trò chuyện, ông Nọng say sưa kể về câu chuyện của điệu nhạc “Xuôi dòng” hay “Dạo sân dạo ngõ” đầy chất văn học, đặc trưng văn hoá của cộng đồng dân tộc Thái.

Ông Hà Văn Nọng chuẩn bị cho vụ lúa mới.

Trong cộng đồng dân tộc tại xã Long Phước- với hơn 100 người sinh sống, ông Nọng là người thứ 3- cũng là người trẻ nhất- biết thổi kèn bè. Ông được tin tưởng giao cho cây khèn để giữ và tập luyện vì những người trẻ không quá đam mê. Nhắc đến đây, giọng ông đầy vẻ suy tư.

Khi thấy một số người trẻ không có đam mê, không có tinh thần lưu giữ văn hoá truyền thống, ông Nọng tiếc nuối nhưng lại không thể làm gì khác, vì “thời buổi bây giờ, người trẻ có nhiều lo toan trong cuộc sống nên không thể ép họ học thổi kèn, tham gia học múa xoè”.

Chỉ có một điều chắc chắn rằng, khi có điều kiện, ông sẽ học để góp phần lưu giữ được phần nào những giá trị truyền thống của văn hoá dân tộc. Bởi, ông vẫn luôn giữ hy vọng: “Tôi đang cố gắng học thổi khèn bè và muốn thổi thật hay để truyền cảm hứng và đam mê cho người khác. Biết đâu, khi mọi người thấy thích thì sẽ có hứng thú tìm hiểu và học”.

Vi Xuân

Báo Tây Ninh
thương hiệu nhang sạch uy tín
Tin cùng chuyên mục