Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Lập chùa buổi đầu ở Tây Ninh
Thứ bảy: 20:58 ngày 08/05/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Từ rất sớm, các vị sư cùng với lưu dân trong cuộc Nam tiến đi đến những vùng đất mới để rộng truyền giáo lý của đức Phật.

Ðiện Bà 1920-1929.

Ngôi chùa ðầu tiên ở Tây Ninh

Sự hình thành và phát triển của đạo Phật ở Tây Ninh, nhất là Phật giáo Bắc tông gắn kết chặt chẽ với tiến trình khai phá và định cư của cư dân nơi đây. Theo thư tịch, Hoà thượng Ðạo Trung - Thiện Hiếu, thường được tôn gọi là Tổ Ðỉa, thuộc phái Thiền, chi phái Lâm Tế, dòng đạo Liễu Quán ở Ðàng Trong thế hệ thứ 38 đi từ chùa Hội Sơn (Thủ Ðức) qua đến vùng núi Bà Ðen (Tây Ninh) khai sơn, phá thạch thành lập nên ngôi chùa đặt hiệu là Linh Sơn Tiên Thạch vào năm Quý Mùi (1763) và hoá đạo tại Tây Ninh hơn 31 năm. Với việc khai sáng ngôi Tam bảo trên núi Bà Ðen từ thế kỷ XVIII, Hoà thượng Thiện Hiếu đã đặt nền tảng ban đầu cho việc phát triển Phật giáo ở Tây Ninh.

Ðặc biệt, khi xưa đường lên núi để viếng chùa còn rất nhiều khó khăn, người Nam kỳ lục tỉnh lên viếng một chuyến có khi cũng phải mất vài ngày. Nên tổ Thanh Thọ - Phước Chí, trụ trì chùa Linh Sơn Tiên Thạch lúc bấy giờ về thôn Vĩnh Xuân lập chùa Phước Lâm vào năm Tân Mùi (1871), chùa nằm cặp ngay bờ rạch Tây Ninh (nay thuộc khu phố 2, phường 1, thành phố Tây Ninh), chính là nơi để bà con lục tỉnh lên đậu ghe nghỉ lại chờ ngày sau lên viếng các chùa trên núi. Năm Bính Tý (1876), tổ Phước Chí lập chùa Linh Sơn Phước Trung ở chân núi Bà Ðen làm nơi dừng chân cho khách thập phương trước khi lên núi.

Lập chùa và phát triển các dòng truyền thừa

Chùa Huỳnh Long do Hoà thượng Liễu Dương - Thiên Tường thuộc phái Thiền, chi phái Lâm Tế, dòng Tổ Ðạo thế hệ thứ 37 khai hoang mở đất, thành lập chùa vào năm Ðinh Dậu (1777), hiện nay ngôi cổ tự này còn nằm giữa cánh rừng rậm còn sót lại ở khu phố Gia Huỳnh (Trảng Bàng).

Hoà thượng Liễu Linh - Chơn Ứng thuộc đời thứ 37 dòng Lâm Tế Tổ Ðạo từ tổ đình Phụng Sơn (Thành phố Hồ Chí Minh) vân du hoá đạo đến xứ Cầu Xe thuộc địa phận Trảng Bàng thành lập chùa đặt hiệu là Hội Phước. Hoà thượng là bậc danh tăng của vùng Gia Ðịnh, Chợ Lớn, Tây Ninh và cả Nam bộ, ở chùa Hội Phước ngài mở lớp Gia giáo đào tạo tăng tài, nói kinh giảng pháp cho cư dân trong vùng. Ðây là hai ngôi chùa trong những ngôi chùa Phật giáo Bắc tông được thành lập rất sớm tại Tây Ninh rộng truyền dòng phái Lâm Tế Tổ Ðạo.

Buổi ban đầu, người dân thường dựng các am tranh để thờ Phật và các vị thần bảo hộ cho cư dân trong quan niệm tín ngưỡng của dân gian. Từ miệt Gò Ðen theo chân các lưu dân trong cuộc Nam tiến, đặt chân đến vùng đất Trảng Bàng có người nữ tên Nguyễn Thị Trinh pháp danh Chơn Trinh tự Diệu Tiết đến cải tạo lại am tranh cạnh cái trảng có nhiều cây bàng sinh sống trong vùng để tu tập, thờ Phật và bốc thuốc chữa bệnh cho người dân trong vùng, đây cũng là vị trí phát tích nên địa danh “Trảng Bàng” đến ngày nay.

Am tranh được phát triển thành chùa, gọi là chùa Bà Ðồng và là tiền thân của chùa Phước Lưu. Qua đây, đã cho thấy được những đóng góp từ rất sớm của ni giới Phật giáo Bắc tông ở Tây Ninh. Sau Hoà thượng Trừng Lực - Chơn Hữu thuộc phái Thiền, chi phái Lâm Tế, dòng đạo Liễu Quán thế hệ thứ 42 kế thế trụ trì, ngài phát triển chùa thành trung tâm ứng phú đạo tràng, đặt hiệu là Phước Lưu. Ðây là ngôi tổ đình đã góp phần vào việc mở rộng dòng Lâm Tế Liễu Quán, một chi phái thịnh hành ở Tây Ninh có gốc từ chùa Linh Sơn Tiên Thạch.

Một ngôi tháp trên núi Bà Ðen, 1920-1929. Ảnh tư liệu Ð.H.T

Sau dòng Lâm Tế Liễu Quán, dưới sự ảnh hưởng của Phật giáo vùng Sài Gòn - Gia Ðịnh, ở Tây Ninh cũng đã phát triển dòng truyền thừa của phái Thiền, chi phái Lâm Tế, dòng đạo Bổn Nguơn.

Hoà thượng Minh Giảng quê ở làng Gia Lộc (Trảng Bàng), đến tổ đình Giác Lâm (thành phố Hồ Chí Minh) xuất gia cầu đạo với Hoà thượng Hải Tịnh nối đời thứ 38 dòng Lâm Tế Bổn Nguơn, sau trở về thành lập chùa Phước Lâm ở Trảng Bàng vào năm Giáp Thìn (1844) để hoằng pháp độ sanh.

Tiêu biểu, có vị Yết - ma Minh Ðạt - Trí Lượng thuộc đời thứ 38 dòng Lâm Tế Bổn Nguơn có công khai hoang mở đất và thành lập chùa Thiền Lâm vào khoảng năm Bính Ngọ (1846), nay thuộc phường 2, thành phố Tây Ninh. Ngài là vị danh tăng duy nhất ở Tây Ninh được Quốc sử quán triều Nguyễn ghi chép lại trong bộ sách Ðại Nam nhất thống chí cùng với những đạo hạnh của bậc chân tu, trước năm 1975 có một con đường mang tên “Yết Ma Lượng”, nay là đường Nguyễn Văn Cừ thuộc phường 2, thành phố Tây Ninh.

Hoà thượng Như Nhãn - Từ Phong đến quy y với sư Trí Lượng, một danh tăng khả kính đương thời. Sau ngài đến chùa Giác Viên (Thành phố Hồ Chí Minh) xin thọ giáo với Hoà thượng Minh Khiêm. Năm Ất Sửu (1925), Hoà thượng Từ Phong về Tây Ninh xây dựng ngôi chùa mới ở Gò Kén thuộc thôn Thái Hiệp Thạnh gần tỉnh lỵ Tây Ninh (vị trí này nay thuộc thị xã Hoà Thành) đặt tên là Thiền Lâm, đây cũng là ngôi chùa Phật giáo duy nhất tại thị xã Hoà Thành ngày nay.

Cơ duyên lập chùa ở Tây Ninh

Một nhà sư người Chiêm Thành tục gọi là “ông Chàm” và nhà sư Huệ Mạng - Kim Tiên lấy hang đá ở trên núi Bà Ðen làm nơi tu hành. Khoảng năm Giáp Tý (1864), sư Huệ Mạng khai sơn chùa Linh Sơn Long Châu, dân gian còn gọi là chùa Hang. Từ Phan Rang - Tháp Chàm, ông Chế Văn Hưng là người Chăm cùng với các lưu dân trong dòng chảy xuôi về vùng đất phương Nam đến khai hoang mở đất ở thôn Thanh Phước (nay thuộc huyện Gò Dầu).

Ông đến núi Bà Ðen xuất gia với tổ Phước Chí, có đạo hiệu Trừng Long nối đời thứ 42 dòng Lâm Tế Liễu Quán. Sau thời gian học đạo, năm Ất Sửu (1865), Hoà thượng về lại thôn Thanh Phước cất am tranh tu tập, hoằng pháp. Ðến năm Bính Dần (1926), cải tạo thành chùa và đặt hiệu là Linh Sơn Thanh Lâm. Hiện nay, chùa truyền thừa theo dòng Lâm Tế Bổn Nguơn.

 Năm Nhâm Tuất (1802), trước sự truy lùng của triều đình nhà Nguyễn, ông Lê Văn Tâm- một võ tướng của Tây Sơn phải cải trang làm tu sĩ Phật giáo đến Trảng Bàng cư ngụ tại ấp Bàu Trâm là vùng còn rừng rú hoang sơ, có ít người ở. Sau khi dần ổn định, ông xuất gia có pháp danh Minh Không.

Hoà thượng cất am tranh tu hành và giúp đỡ dân làng nơi đây ngăn chặn bọn trộm cắp, nhờ vậy mà cư dân trong vùng rất quý trọng và kính mến Hoà thượng. Chùa Am khi xưa nay được biết đến là tu viện Chơn Như, nhưng cái tên “Chùa Am” vẫn ăn sâu trong tâm thức của cư dân địa phương và còn được đặt tên cho một con đường ở khu phố Gia Lâm, phường Gia Lộc, thị xã Trảng Bàng ngày nay.

Ngoài ra, Hoà thượng Diệu Nhẫn thuộc thế hệ thứ 38 dòng Lâm Tế Tổ Ðạo cũng là người từng tham gia vào nghĩa quân Tây Sơn, về sau ngài đến xuất gia với Hoà thượng Liễu Linh ở chùa Hội Phước và lập chùa Phước Thạnh ở làng Gia Lộc (Trảng Bàng).

Tây Ninh buổi đầu là vùng đất hoang vu, rừng núi hiểm trở. Bọn giặc từ bên kia biên giới thường sang quấy nhiễu khắp nơi, chúng giết người, cướp bóc tài sản của nhân dân. Vào thời bấy giờ, có vị quan tên là Trần Công Thắng, chỉ huy một cơ lính triều Nguyễn đóng quân ở đồn Quang Hoá.

Sau khi ổn định được an ninh vùng biên giới, nhân dân được thái bình, có vị quan khuyết danh lui về ở ẩn. Ông đến thôn Cẩm Giang cất một cái am tranh ở đó tu hành. Ông đặt tên là chùa Cẩm Phong, nhưng cư dân địa phương quen gọi là “chùa Quan Huế”, hiện toạ lạc tại ấp Cẩm Thắng, xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu.

Ngoài ra, tại huyện Gò Dầu còn có chùa Thạnh Lâm, do Hoà thượng Như Khai thành lập vào năm Canh Ngọ (1930). Hoà thượng là người ở vùng sông Tra (tỉnh Long An), tham gia hoạt động cách mạng, nguyên là thành viên phong trào Hội kín ở Nam kỳ, chống lại ách áp bức của thực dân Pháp vào những năm đầu của thế kỷ XX. Sau khi không còn hoạt động, ngài đến vùng Bến Mương (xã Thạnh Ðức, huyện Gò Dầu), định cư và lập nên ngôi chùa ở đây .

Khi xưa, những ngôi chùa thường do nhân dân đóng góp hay quan chức địa phương đứng ra xây dựng, được gọi là chùa làng. Nguyên trước đây, tại làng An Tịnh có ngôi miếu nhỏ ở gốc cây giữa trảng ruộng Bàu Ðắng, do trẻ chăn trâu dựng nên bằng tre, thờ các tượng Phật bằng đất sét. Năm Nhâm Dần (1902),

Tri huyện Trảng Bàng là ông Nguyễn Vạn Bửu cùng với quan chức địa phương và người dân cất một cái chùa lớn ở gần Bàu Ðắng. Trong lễ khánh thành chùa, làng thỉnh Hoà thượng Trừng Lực đến chứng minh và đặt tên là Tịnh Lý với ngụ ý Tịnh là làng An Tịnh, Lý là lý hào, lý trưởng, đứng ra xây dựng chùa. Làng thỉnh sư Ðạt Ân thuộc đời thứ 38 dòng Lâm Tế Tổ Ðạo, còn gọi là thầy Ngãi, nguyên là Hương nhạc của làng An Tịnh về trụ trì.

Trước đây, thôn Phước Hiệp thuộc tổng Hàm Ninh, thành lập vào năm Ðinh Dậu (1837), sau khi tách ra từ thôn Phước Hội. Vào năm Canh Ngọ (1870), người dân trong thôn xây dựng ngôi chùa Giác Nguyên.

Trụ sở hành chính của thôn Phước Hiệp xưa gọi là nhà vuông, được đặt tại đất chùa, thuộc khu phố Phước Hậu, phường Gia Bình ngày nay. Năm Ất Tỵ (1845) thôn Gia Bình được thành lập, vào những năm 1925-1930, cư dân xây dựng thêm chùa Giác Minh. Do tách nhập địa giới, nên hiện nay tại phường Gia Bình (Trảng Bàng), có đến hai ngôi chùa làng, đều do dân chúng đóng góp xây dựng nên.

Ðường bậc đá lên (chùa) Ðiện Bà, 1920-1929. Ảnh tư liệu Ð.H.T

Ngoài ra, còn có nhiều ngôi chùa Phật giáo Bắc tông ở Tây Ninh gắn liền với những di tích khảo cổ, những di chỉ, di vật của nền văn hoá Óc-eo và của người Khmer xưa. Chùa Cổ Lâm (Châu Thành) được vị sư đến xây cất trên gò đất cao là nền chùa tháp cũ của cư dân thuộc nền văn hoá Óc-eo vào những năm 1798.

Vào khoảng những năm 1936, 1937 người Pháp đến chùa Cổ Lâm để khai quật nền chùa, đã phát hiện được một số gạch thức cũ kỹ, những tảng đá màu đen sắp lớn, họ cạy nền lấy được mấy tượng Phật cổ và một ít vàng nén của di tích xưa còn để lại. Ðầu năm Canh Ngọ (1990), di chỉ đã được khai quật trong phạm vi 400m2, kết quả cho thấy gò Cổ Lâm chứa đựng những kiến trúc của Óc-eo, có thể được xây dựng vào thế kỷ thứ VIII sau Công nguyên.

Chùa Cao Sơn (Gò Dầu) cũng được xây dựng trên một gò đất cao, rộng và có nhiều cây dầu cổ thụ. Khuôn viên chùa được tạo bởi khúc quanh lượn của sông Vàm Cỏ Ðông, giống như một bán đảo. Chùa An Phước (Bến Cầu) cũng được xây dựng trên một gò đất cao, đây là nơi lưu trú cư dân thuộc nền văn hoá Óc-eo xưa.

Chùa Bửu Long (Bến Cầu) gắn liền với di chỉ Bàu Tượng. Chùa Linh Sơn (Trảng Bàng) còn gọi là “chùa Cà Nhen”, có bức tượng thần Vishnu - một vị thần Bảo hộ trong Ấn Ðộ giáo và Bà La Môn, được cư dân Phù Nam tôn thờ và là di vật của nền văn hoá Óc-eo từ lâu đời ở Tây Ninh.

Song song với việc hình thành nên các làng mới thì hàng loạt các ngôi chùa đã được xây dựng lên nhằm đáp ứng cho nhu cầu tinh thần của lớp cư dân Việt đi khai phá đồng thời khẳng định công cuộc định cư của họ, đặc biệt là sau khi nhà Nguyễn lập nên phủ Tây Ninh. Bước chân du hoá của các vị sư đến Tây Ninh từ rất sớm, việc lập chùa vào buổi đầu đã gắn liền với đời sống của cư dân trong tiến trình khai phá và hình thành nên vùng đất.

Phí Thành Phát

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục