Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Lấy phiếu tín nhiệm: 5 năm 1 lần
Thứ sáu: 07:11 ngày 06/06/2014

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Theo Trưởng Ban công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương, sau hơn 1 năm triển khai thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, đã có nhiều ý kiến phản hồi, góp ý cả mặt tích cực và hạn chế của việc lấy phiếu tín nhiệm.

Qua đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành sơ kết đánh giá, rút kinh nghiệm việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn và thành lập Ban soạn thảo sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 35.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức nghiên cứu các Nghị quyết, văn kiện có liên quan của Trung ương và căn cứ vào kết quả sơ kết đánh giá, rút kinh nghiệm việc thực hiện Nghị quyết số 35 để xây dựng Dự thảo Nghị quyết.

Đến nay, Dự thảo Nghị quyết (sửa đổi) đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến, đồng thời đã có Tờ trình số 640/TTr-UBTVQH13 ngày 26/4/2014 về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn gửi đến các vị đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan để tham gia, góp ý kiến hoàn thiện.

Nghị quyết số 35 hiện hành quy định, việc lấy phiếu tín nhiệm được tổ chức định kỳ hằng năm, quy định này có một số ưu điểm là: Thực hiện được việc giám sát, đánh giá cán bộ thường xuyên, gắn kết quả lấy phiếu tín nhiệm với việc đánh giá, phân loại cán bộ hằng năm. Tuy nhiên, mặt hạn chế là thời gian giữa các lần lấy phiếu quá ngắn, một năm là chưa đủ thời gian để người được lấy phiếu điều chỉnh, khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết đã thảo luận, cân nhắc nhiều mặt và đề nghị chọn phương án mỗi nhiệm kỳ của Quốc hội, HĐND tiến hành lấy phiếu một lần vào giữa nhiệm kỳ (năm thứ 3).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích, ưu điểm của phương án này là gắn kết quả lấy phiếu tín nhiệm với việc xem xét, đánh giá cán bộ giữa nhiệm kỳ; đồng thời tạo được cơ chế giúp cho người được lấy phiếu tín nhiệm có thời gian, điều kiện để khắc phục hạn chế, thiếu sót trong công tác; tạo sự đồng bộ với quy định về thời hạn và thời điểm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm trong cả hệ thống chính trị theo tinh thần kết luận tại Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI).

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, đa số ý kiến đồng tình với dự thảo sửa đổi trên, với quy định 5 năm chỉ lấy phiếu 1 lần vào giữa nhiệm kỳ.

Về mức đánh giá tín nhiệm trong việc lấy phiếu tín nhiệm, nhiều ý kiến của đại biểu qua thăm dò tại các đoàn ĐBQH cho thấy, các đại biểu cho rằng vẫn nên để ở 3 mức Tín nhiệm cao”, “Tín nhiệm”, “Tín nhiệm thấp như quy định của Nghị quyết số 35; một số ý kiến đề nghị phiếu tín nhiệm chỉ nên để ở hai mức là “Tín nhiệm” và “Không tín nhiệm”.

Về hệ quả đối với người được Quốc hội, HĐND đánh giá “Tín nhiệm thấp” như thế nào, Tờ trình của nêu rõ: Đối với người được lấy phiếu, khi có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đánh giá “Tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức.

Trường hợp người được lấy phiếu tín nhiệm có từ quá nửa, nhưng chưa đến 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đánh giá “Tín nhiệm thấp” thì Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội, Thường trực HĐND trình HĐND bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp tiếp theo.

Người có từ 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trở lên đánh giá “Tín nhiệm thấp” thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội, Thường trực HĐND trình HĐND bỏ phiếu tín nhiệm ngay tại kỳ họp đó.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội XIII: Số người có tỷ lệ phiếu “Tín nhiệm cao” đạt từ 50% trở lên có 18 người, bằng 38,3%; số người có tỷ lệ phiếu “Tín nhiệm” đạt từ 50% trở lên có 29 người, bằng 61,7%; số người có tỷ lệ phiếu “Tín nhiệm thấp” từ 50% trở lên: không có người nào.

Ở cấp tỉnh: HĐND 63 tỉnh, thành phố đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 907 người. Kết quả: Số người có tỷ lệ phiếu “Tín nhiệm cao” từ 50% trở lên có 689 người, bằng 76%; số người có tỷ lệ phiếu “Tín nhiệm” từ 50% trở lên là 216 người, bằng 24,78%; số người có tỷ lệ phiếu “Tín nhiệm thấp” trên 50% có 2 người, bằng 0,22%.

Ở cấp huyện: HĐND đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 6.664 người. Kết quả: Số người có tỷ lệ phiếu “Tín nhiệm cao” từ 50% trở lên có 4.871 người, bằng 73%; số người có tỷ lệ phiếu “Tín nhiệm” từ 50% trở lên là 178 người, bằng 26,8%; số người có tỷ lệ phiếu “Tín nhiệm thấp” trên 50% có 12 người, bằng 0,2%.

Theo Báo điện tử Chính phủ

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục