Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Lấy phiếu tín nhiệm: ĐBQH “chấm điểm” cả vấn đề tài sản
Thứ tư: 21:59 ngày 24/10/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
"Kiểm điểm về thời gian 3 năm, nhưng trong đó ít người nói về vấn đề tài sản. Nếu có hỏi về vấn đề tài sản, có chất vấn gì thì các vị đó phải trả lời. Vấn đề này rất quan trọng, nó thể hiện trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu", ông Vũ Trọng Kim nêu quan điểm.

Hoạt động lấy phiếu tín nhiệm diễn ra trong 2 ngày 24 và 25-10.

Trong chiều nay,  Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy trình bày Tờ trình về dự kiến danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm.

Quốc hội thông qua danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm bằng hệ thống biểu quyết điện tử. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở Đoàn về các vấn đề liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm.

Sáng mai, 25-10, Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm bằng bỏ phiếu kín.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn sẽ được công bố vào chiều mai, 25-10.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, hiện có tất cả 50 chức danh thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm, trong đó nhân sự Chủ tịch nước và Bộ trưởng Bộ TT-TT lần này sẽ không lấy phiếu do mới được bầu, phê chuẩn. Các chức danh còn lại dự kiến sẽ được lấy phiếu gồm: Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Phó chủ tịch nước, các thành viên Chính phủ, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội...

Trước kỳ họp 30 ngày, các chức danh được lấy phiếu tín nhiệm đã gửi hồ sơ đánh giá kết quả công tác đến từng đại biểu để nghiên cứu.

Việc lấy phiếu tín nhiệm diễn ra vào đầu kỳ họp, trước khi có hoạt động chất vấn tại Quốc hội để "bảo đảm sự bình đẳng giữa những người được lấy phiếu tín nhiệm”. Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín. Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của những người được lấy phiếu, các mức độ: tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp (ba mức).

Theo quy định, người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức. Trường hợp người được lấy phiếu tín nhiệm có từ hai phần ba tổng số đại biểu trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban Thường vụ trình cấp có thẩm quyền khởi động quy trình bỏ phiếu tín nhiệm (2 mức tín nhiệm hoặc không).

Bên hành lang Quốc hội,  SGGP đã ghi nhận ý kiến một số ĐBQH về lần lấy phiếu tín nhiệm này

* Đại biểu Vũ Trọng Kim, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Lấy phiếu tín nhiệm không phải điều bất ngờ mà đó là điều chúng ta đã có theo dõi cả một quá trình những người thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm. Hay nói cách khác, đó là trách nhiệm giám sát ngay từ kỳ đầu tiên khi được Quốc hội bầu giữ chức vụ.

Bản báo cáo của 48 người được lấy phiếu tín nhiệm lần này đã  gửi cho ĐBQH. Kiểm điểm về thời gian 3 năm, nhưng trong đó ít người nói về vấn đề tài sản. Nếu có hỏi về vấn đề tài sản, có chất vấn gì thì các vị đó phải trả lời. Vấn đề này rất quan trọng, nó thể hiện trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu. Anh có công tâm, thật thà, là tấm gương trung thực hay không, điều đó rất quan trọng. Quốc hội lần này nên chú ý mặt đó.

Cá nhân tôi sẽ bỏ phiếu cho từng người một. Mỗi người tôi sẽ nhận diện một cách đầy đủ rồi mới bỏ phiếu. Phương châm của tôi là thận trọng. Làm sao sau khi quyết định rồi mình không thấy ân hận.

Phương châm bỏ phiếu của tôi cũng rõ ràng, đầu tiên là anh được Quốc hội bầu ở vị trí có nhiệm vụ quyền hạn đó thì nhiệm vụ đó anh có hoàn thành, quyền hạn có sử dụng hết không.

Thứ hai là người đại biểu của dân, anh phục vụ nhân dân thế nào trong điều kiện Chính phủ kiến tạo, liêm chính.

Thứ ba là đạo đức, lối sống. Ở điểm này tôi đánh giá cao sự nhiệt tình, hết sức vì dân. Người nhiệt tình khác, người làm cho lấy lệ để lấy phiếu thì không ổn.

Thứ tư là xung quanh vấn đề tài sản, có điều tiếng gì không. Cái này phải quan sát lối sống, nhân dân đều biết.  

* Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng):

Những người được Quốc hội phê chuẩn qua 2 nhiệm kỳ thì được đòi hỏi cao hơn những người mới làm từ nhiệm kỳ này. Đối với những người nhiệm kỳ này mới bắt đầu làm Bộ trưởng, mới có hơn 2 năm, có những khó khăn nhất định cần được hiểu và chia sẻ. Tuy nhiên, cần xem xét người lãnh đạo đó làm được những gì, việc nào liên quan trực tiếp đến trách nhiệm của họ.

* ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre):

Đây là thời điểm giữa kỳ của kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm. Vì vậy, lấy phiếu tín nhiệm thời điểm này rất quan trọng, nhằm đánh giá lại những việc làm được và chưa làm được của các Bộ trưởng, trưởng ngành và những chức danh do Quốc hội bầu. Qua đánh giá, cần có giải pháp khắc phục những hạn chế nửa nhiệm kỳ qua.

Việc lấy phiếu tín nhiệm này để chúng ta nhắc nhở, thông báo, cảnh báo, thậm chí có thể thay đổi, để những người ngồi chiếc ghế đó họ biết rằng phải cố gắng nhiều lần so với những người khác.

Để lấy phiếu tín nhiệm, chúng tôi không chỉ đánh giá dựa trên cơ sở báo cáo của các thành viên, chúng tôi dựa trên toàn bộ những vấn đề chúng tôi giám sát thời gian qua.

* Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình):

Việc lấy phiếu tín nhiệm là giải pháp đánh giá năng lực, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của các chức danh được Quốc hội bầu. Việc đánh giá đó cần phân tích phạm vi nhiệm vụ thế nào, nếu không tốt Quốc hội và Chính phủ sẽ có những giải pháp, hoặc sửa chữa, hoặc là miễn nhiệm.

Kết quả phiếu tín nhiệm sẽ thể hiện năng lực phẩm chất và uy tín của người được lấy phiếu. Điều đó giống như thang điểm để đánh giá năng lực đạo đức phẩm chất và khả năng điều hành nhiệm vụ. Đánh giá để giúp anh biết đến tầm nào, cần khắc phục điểm gì trong thời gian tới. Đồng thời cũng là cơ sở cho quy hoạch sắp tới, nếu còn đủ tuổi thì có đào tạo cho nhiệm kỳ tới...

Danh sách 48 người lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp 6:

1. Bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó chủ tịch nước

2. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội

3. Ông Phùng Quốc Hiển, Phó chủ tịch Quốc hội

4. Ông Uông Chu Lưu, Phó chủ tịch Quốc hội

5. Bà Tòng Thị Phóng, Phó chủ tịch Quốc hội

6. Ông Đỗ Bá Tỵ, Phó chủ tịch Quốc hội

7. Bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội

8. Ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng

9. Ông Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng dân tộc

10. Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường

11. Ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật

12. Ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại

13. Ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban tài chính - Ngân sách

14. Bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện

15. Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp

16. Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký Quốc hội

17. Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế

18. Ông Trần Văn Túy, Trưởng ban Công tác đại biểu

19. Ông Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh

20. Ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng

21. Ông Trương Hòa Bình, Phó thủ tướng

22. Ông Trịnh Đình Dũng, Phó thủ tướng

23. Ông Vũ Đức Đam, Phó thủ tướng

24. Ông Vương Đình Huệ, Phó thủ tướng

25. Ông Phạm Bình Minh, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao

26. Ông Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ

27. Ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Công Thương

28. Ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án TAND Tối cao

29. Ông Đỗ Văn Chiến, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc

30. Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

31. Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội

32. Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư

33. Ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Tài chính

34. Ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ

35. Ông Phạm Hồng Hà, Bộ trưởng Xây dựng

36. Ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường

37. Ông Lê Minh Hưng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước

38. Ông Lê Minh Khái, Tổng Thanh tra Chính phủ

39. Ông Tô Lâm, Bộ trưởng Công an

40. Ông Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng

41. Ông Lê Thành Long, Bộ trưởng Tư pháp

42. Ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo

43. Ông Hồ Đức Phớc, Tổng Kiểm toán Nhà nước

44. Ông Lê Vĩnh Tân, Bộ trưởng Nội vụ

45. Ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Giao thông Vận tải

46. Ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch

47. Bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Y tế

48. Ông Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND Tối cao

Nguồn SGGPO-Zing.vn

Tin cùng chuyên mục