BAOTAYNINH.VN trên Google News

Lễ cúng ông Tà của bà con Tà Mun 

Cập nhật ngày: 03/01/2024 - 10:08

BTN - Người Tà Mun ở Tây Ninh xưa nay sống bằng nghề nông. Với bà con, ông Tà là vị thần trông coi việc đồng áng, phù trợ mọi điều tốt đẹp cho thôn xóm

 

Phần “đầu heo” đi trước, dẫn đầu đoàn lễ cúng ông Tà

Đồng bào Tà Mun trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có gần 600 hộ với hơn 1.700 nhân khẩu, chiếm 0,15% dân số toàn tỉnh. Bà con cư ngụ tại phường Ninh Thạnh, xã Thạnh Tân và xã Tân Bình của thành phố Tây Ninh; một số khác sinh sống tại ấp Tân Định 2, xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu.

Người Tà Mun ở Tây Ninh xưa nay sống bằng nghề nông. Với bà con, ông Tà là vị thần trông coi việc đồng áng, phù trợ mọi điều tốt đẹp cho thôn xóm. Hằng năm, sau vụ thu hoạch, lúa được phơi khô cất vào bồ, bà con Tà Mun làm lễ tạ ơn ông Tà. Theo ông Lâm Văn Ron- người có uy tín của đồng bào Tà Mun ở phường Ninh Thạnh, thành phố Tây Ninh, ông Tà thường được bà con thờ trong một ngôi miếu, dưới gốc cây cổ thụ to, cao. Mỗi ngôi miếu sẽ do bà con Tà Mun khu vực gần đó đến tế lễ, tưởng nhớ.

Hoa quả, lễ vật được bà con chuẩn bị mang đến miếu

“Lễ cúng ông Tà hay còn gọi là cúng miếu diễn ra vào ngày 16.11 âm lịch hằng năm. Bà con chọn ngày này vì lúc này làm nông xong, việc đồng áng đã thong thả và cũng là để tạ ơn ông Tà sau một vụ mùa. Ông Tà có các vị thần Núi, thần Rừng, thần Sông, thần Suối, thần Nông. Ngày này, bà con mời quý ông về để tạ ơn quý ông phù trợ khi làm mùa, không để ruộng nương bị quậy phá”- ông Lâm Văn Ron chia sẻ.

Theo thời gian, công việc của bà con ít nhiều thay đổi, những thửa ruộng ngày nào đã trở thành khu dân cư, hãng xưởng. Vì lẽ đó, miếu thờ ông Tà của bà con Tà Mun dần ít đi. Hiện nay, chỉ còn ngôi miếu ở xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh tồn tại và được bà con duy trì cúng lễ hằng năm.

Đó là ngôi miếu do ông Lâm Văn Tum xây dựng từ năm 1976 trên phần đất của gia đình ở ấp Thạnh Hiệp. Ngôi miếu đặt trên nền gạch men cao ráo, dưới bóng cây cổ thụ xanh mát.

Tạ ơn ông Tà đã phù trợ cho bà con Tà Mun

Với bà con Tà Mun ở Thạnh Tân cũng như các vùng lân cận, ngày 16.11 âm lịch là ngày lễ trọng đại. Từ sáng sớm ngày Rằm tháng 11, mọi người tập trung về đây, chung tay làm lễ cúng ông Tà. Từ quét dọn lại ngôi miếu đến việc trang hoàng, làm lễ vật đều được mọi người làm chu đáo.

Một trong những lễ vật dâng cúng ông Tà đó là voi và ngựa- những con vật được cho là không tách rời với ông. Nguyên liệu voi và ngựa là những thứ luôn có sẵn trong vườn của mọi người ở quê. Thân voi và ngựa được làm từ thân cây chuối. Chân được tạo nên từ cọng dừa, lóng tre. Phần vòi voi, bà con cắt lấy phía thân trên của buồng chuối và gắn thêm hai chiếc tai to phe phẩy bằng bẹ chuối cắt ra. Một nhánh cau khô được cột phía sau thân làm đuôi con vật. Trên mình ngựa còn có những chiến sĩ được bà con tạo hình từ thân chuối và trái quýt đỏ tươi.

Bà Lâm Thị Niệm- người có uy tín của đồng bào Tà Mun ở xã Thạnh Tân cho biết, năm nay, bà con làm 1 cặp ngựa và 1 cặp voi với 1 chú voi con mới sinh đặt ở hai bên miếu. Đây là những con vật gắn liền với ông Tà, là phương tiện đi lại và bảo vệ ông.

“Voi để ông Tà cưỡi, còn ngựa hộ tống ông, giống như cận vệ mở đường cho ông đi. Ngày xưa, ở trong rừng, phương tiện không nhiều, nên làm hình dáng con voi, con ngựa chỉ bằng cây chuối, cây tre vầy thôi. Giờ mình cũng làm y như ông bà xưa”- bà Lâm Thị Niệm nói.

Voi và ngựa được đặt trước miếu ông Tà

 Cùng với đó, một nhóm người khác chuẩn bị cây bông và cây nêu dâng lễ. Cây bông chọn từ cây mai hoặc cây sung, trên đó được trang trí nhiều những bông hoa màu sắc sặc sỡ, tượng trưng cho những điều tốt đẹp, may mắn, sung túc.

Cầu kỳ và mất nhiều thời gian hơn là tạo hình cây nêu. Không giống cây nêu của đồng bào Kinh xuất hiện vào ngày tết với thân tre cao vót hướng lên trời, cây nêu của đồng bào Tà Mun chỉ cao hơn 1m, được làm từ những nan tre cắm 9 tầng vào thân cây chuối. Phần đầu nan tre được tỉa thành những sợi mỏng, tua rua và sơn 3 màu xanh, đỏ, vàng. Phía trên cùng cây nêu được đặt 9 lá trầu và 9 miếng cau.

“Tua rua này tượng trưng cho sợi tóc của linh hồn những người quá cố. 9 tầng này biểu trưng cho 9 tầng trời đất. Con người chúng ta sống tốt thì được lên trời, còn ở phàm làm chuyện xấu thì phải chịu về ông thổ. Còn ý nghĩa của 9 lá trầu và 9 miếng cau là vì xưa giờ dân tộc mình sống làm gì cũng phải có trầu cau, từ đi hỏi vợ, lễ lộc… trầu cau không thể thiếu”. Sang ngày 16.11, ngày lễ chính, bà con tập trung đầy đủ để chuẩn bị nấu ăn. Nào cá, nào thịt, nào xôi, hoa quả được mọi người chuẩn bị chu đáo. Trong đó, món đầu heo sẽ được mang đi đầu trong lễ dâng cúng. “Đầu heo là món không thể thiếu khi dâng lên ông Tà. Vì trước giờ, hễ cúng kỉnh, cầu nguyện, bà con vẫn hay lấy đầu heo ra vái để tạ ơn”- ông Lâm Văn Ron cho biết.

Ông Lâm Văn Ron làm cây nêu chuẩn bị dâng cúng lễ

Khi mọi thứ đã sẵn sàng, mọi người tập trung tại Nhà văn hoá dân tộc xã Tân Bình- nơi cách miếu ông Tà của xã Thạnh Tân chỉ hơn 10 phút đi bộ. Bà con chia thành hai hàng dọc với những lễ vật trên tay, di chuyển đến miếu. Sau 3 vòng đi quanh miếu, nghi lễ cúng kỉnh đã xong. Những già làng, trưởng sóc, người có uy tín và bà con lần lượt vào thắp nhang tế lễ ông Tà; tạ ơn ông một năm qua đã trợ giúp bà con mọi chuyện suôn sẻ, thuận lợi.

Sau phần lễ, bà con Tà Mun cùng ăn tiệc và múa hát, vui chơi ngay dưới cội cây cổ thụ, bên ngôi miếu ông Tà. Lễ cúng ông Tà còn là dịp để mọi người từ các nơi về đây họp mặt, thăm hỏi và cầu chúc những điều tốt lành trong năm mới sắp đến.

Ngọc Diêu