BAOTAYNINH.VN trên Google News

Lễ hội miếu Ngũ Hành

Cập nhật ngày: 18/04/2011 - 07:58

Ở Tây Ninh, trong tập quán thờ Mẫu- một hiện tượng tín ngưỡng dân gian phổ biến của người Việt, bên cạnh việc thờ Linh Sơn thánh mẫu, Bà Chúa Xứ, Bà Địa Mẫu… còn có các miễu Ngũ Hành, thờ vị nữ thần được gọi là Ngũ Hành nương nương. Thường đó là những miếu nhỏ trong khuôn viên các đình, miếu thờ các vị thần khác. Nhưng cũng có nơi, miếu Ngũ Hành đứng độc lập như tại khu phố 3, phường I, thị xã Tây Ninh. Miếu Ngũ Hành ở đây được xây dựng theo lối bán kiên cố, đã tồn tại mấy chục năm qua nhưng chưa rõ chính xác thời điểm xây dựng của nó. Hằng năm, vào ngày 12 và 13 tháng 3 âm lịch, đồng bào trong và ngoài địa phương thường  tập trung về đây dự lễ vía. Ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh khác thì vía Bà vào ngày 19 tháng 3).

Ở giữa lòng một khu vực đô thị náo nhiệt, ồn ào lại có một ngôi miếu Ngũ Hành nho nhỏ nép mình dưới bóng cây đa cổ thụ hàng trăm tuổi, trông rất cổ kính. Cây đa ấy là dấu vết của một vùng rừng rậm xa xưa. Trong mỗi dịp lễ hội tại miếu, đều có múa mâm vàng, dâng hoa, hát chập Địa Nàng… - những  loại hình văn nghệ dân gian đậm đà màu sắc văn hoá đất phương Nam. Người Việt gốc Hoa cũng có tục thờ Ngũ Hành nương nương. Vậy Ngũ Hành nương nương là ai?   

Ngũ Hành nương nương mà dân gian tôn thờ không phải là một vị nữ thần có hình tượng cụ thể mà là một nhóm gồm 5 nữ thần mặc 5 màu áo khác nhau tượng trưng cho 5 yếu tố vật chất căn bản tạo nên trời đất: kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ.

Tục thờ Ngũ Hành ở Việt Nam xuất hiện muộn hơn các tín ngưỡng dân gian khác như thờ Thổ địa, Thần tài, Bà Chúa Xứ… Năm Duy Tân thứ năm tức năm 1911 triều đình nhà Nguyễn mới có sắc phong cho 5 bà là: “Đức Thánh Nương, Trứ Phong Dực Bảo Trung Hưng Thượng Đẳng Thần”.

Thế nhưng tại sao biểu tượng cho 5 loại vật chất tạo nên trời đất lại là nữ thần chứ không phải là nam thần? Theo quan niệm của các dân tộc có nền văn minh lúa nước thì giới tự nhiên thuộc âm tính, việc sinh nở, duy trì nòi giống đều do nữ giới và các loài thú thuộc giống cái.

 Dân gian tin rằng, thờ Ngũ Hành là thể hiện ước mơ cuộc sống gia đình hạnh phúc, nhất là đối với phụ nữ và trẻ con. Có người còn cho rằng thờ Ngũ Hành sẽ mang lại nhiều may mắn cho những chị em hiếm muộn.

Nói chung lễ hội miếu Ngũ Hành là một dạng lễ hội dân gian, một dịp gặp gỡ, giao lưu của dân gian phần lớn thuộc tầng lớp lao động. Đến chung vui với bà con trong ngày lễ hội ta sẽ nghe lòng mình lâng lâng một cảm giác bình yên trong một không gian tâm linh trang nghiêm mà thư thái, nhẹ nhàng.

PHAN KỶ SỬU