Văn hóa - Giải trí   Đất nước mến yêu

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Lễ hội Tung hoa làng Tiếu

Cập nhật ngày: 10/03/2011 - 12:03

Những người tung hoa nhất thiết phải là thanh niên chưa vợ; dáng vẻ khôi ngô, tuấn tú. Hoa ở đây thực chất là miếng bánh được làm từ gạo nếp, giã bằng tay đến khi nhuyễn như bánh dày, cắt thành thanh, dài 5 cm, rồi nhuộm màu đỏ.

Hàng năm, cứ đến ngày 2.2 âm lịch là người dân làng Tiếu (Mai Đình-Hiệp Hòa- Bắc Giang) lại nô nức kéo nhau ra Nghè Ngũ Giáp để dự lễ hội tung hoa, cầu may cho cả năm làm ăn may mắn.

Làng Tiếu còn có một tên gọi khác là làng Tiếu Mai, là một làng cổ ven sông Cầu, thuộc địa phận xã Mai Đình, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang chuyên làm nghề trồng dâu nuôi tằm. Làng có 5 giáp là Đông Trước, Tây Trước, Nam Trước, Mai Thượng và Mai Hạ nên miếu thờ thành hoàng làng được gọi là miếu Ngũ Giáp.

Miếu Ngũ Giáp thờ đức thánh Trương Kiều, con trai thứ tư của đức thánh Tam Giang . Sinh thời, cả nhà đức thánh Trương Kiều vì không chịu khuất phục kẻ thù nên đã cùng nhau tuẫn tiết ở ngã ba Xà để tỏ rõ tấm lòng trung nghĩa với quê hương, đất nước.

Cảm phục tấm long trung hiếu ấy, nên người dân địa phương đã lập đền thờ Trương Kiều bên dòng sông Cầu, mặt miếu quay ra sông, trước mặt là cánh đồng dâu xanh thắm.

Người già trong làng kể lại rằng: Khi còn nhỏ, đức thánh Trương Kiều rất thích chơi trò tung hoa, vì dân làng tổ chức lễ hội tung hoa, vừa để tưởng nhớ đức thánh vừa để xin lộc đầu năm, nhưng cũng là cách nhắc con cháu về long trung hiếu với quê hương, đất nước.

Hoa ở đây thực chất là miếng bánh được làm từ gạo nếp, giã bằng tay đến khi nhuyễn như bánh dày, cắt thành thanh, dài 5 cm, rồi nhuộm màu đỏ. Hoa này được cả làng tập chung làm trước ngày lễ hội 2 ngày để cho bột ráo lại, chưa bị cứng, cũng không bị mềm.

Nét đặc sắc của lễ hội này nằm ở chỗ những người tung hoa nhất thiết phải là thanh niên chưa vợ; dáng vẻ khôi ngô, tuấn tú. Họ cùng các bô lão trong làng thực hiện nghi lễ “Giao hoa”. Khi bài văn giao hoa kết thúc, những thanh niên này leo lên các ngọn cây quanh sân đình đợi khi ba hồi trống vang lên, cũng là lúc hoa đã được thụ lộc thánh, thì hoa được tung xuống khắp nơi ở trong khuôn viên miếu thờ.

Lúc này hàng trăm, hàng nghìn người dân trong làng và các vùng lân cận chờ sẵn bắt đầu chen lấn, xô đẩy nhau để giành giật hoa. Tiếng reo hò, tiếng cười xem lẫn cảnh chen nhau, xô đẩy khiến không khí trong miếu trở nên sôi động. Người ta quan niệm rằng giành giật hoa càng khó khăn bao nhiêu thì hoa đó càng đem lạ may mắn cho gia chủ bấy nhiêu nên ai ai cũng không không quản khó khăn để giành lộc về mình.

Khi mang được lộc về nhà, có rất nhiều cách sử dụng khác nhau. Người thì ăn lộc hoa, người buôn bán thì thích để hoa vào túi đựng tiền, còn người nông dân thì để hoa vào chum đựng gạo với quan niệm tiền và gạo trong năm mới sẽ nảy nở.

Trải qua hàng trăm năm, ngày nay lễ hội tung hoa vẫn được tổ chức như một nghi lễ thiêng liêng của người dân làng Tiếu và trở thành một nét đẹp văn hoá được lưu truyền và gìn giữ từ đời này sang đời khác. Hội tung hoa là lễ hội xuân đặc sắc của miền đất Kinh Bắc ven sông Cầu ngàn năm văn vật.

K.D (st)