Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Đối với đồng bào Ơ Đu, thời điểm khởi đầu một năm mới, bắt đầu vụ gieo trồng là khi có tiếng sấm đầu tiên vang rền trên bầu trời. Tiếng sấm gắn với mọi sinh hoạt, với những nghi lễ thiêng liêng. Trong kho tàng văn hóa truyền thống của người Ơ Đu có một phong tục còn lưu giữ đến ngày nay đó chính là lễ mừng tiếng sấm.
Tiếng sấm trong đời sống của người Ơ Đu
Trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử, người Ơ Đu ở bản Văng Môn (xã Nga My, huyện Tương Dương, Nghệ An) đã phải mưu sinh mòn mỏi để sinh tồn và lưu giữ vốn văn hóa cổ. Là một dân tộc ít người, đời sống của đồng bào Ơ Đu rất khó khăn, từ xa xưa người Ơ Đu đã dựa vào những hiện tượng của thiên nhiên để xác định thời gian. Họ không theo lịch thông thường mà dựa vào tiếng sấm. Trao đổi với chúng tôi, anh Lo Xuân Tình - Bí thư chi bộ xã Nga My cho biết: “Trước đây, thời ông cha xưa không có đồng hồ, lịch ta như bây giờ, thế nên là chỉ còn biết dựa vào tiếng sấm để đoán định thời gian. Khi tiếng sấm vang lên là năm mới đến, khi tiếng sấm lần sau là kết thúc một năm rồi”.
Trong những tập tục cổ xưa nhất của người Ơ Đu, lễ mừng tiếng sấm năm mới là lễ hội thiêng liêng nhất trong năm. Khi những hồi chiêng được gióng lên, đồng bào tề tựu đông đủ tại bản làng mổ trâu, giết lợn cúng tế thần linh, mong cho một năm mới an lành, no đủ... Nghi lễ đầu tiên trong ngày có tiếng sấm là phong sắc, phong tước cho các chức sắc trong bản như trưởng họ, già làng, phong chức sắc cho thầy mo và đổi tên cho những người đàn ông đã trưởng thành. Khi trẻ em sinh ra phải đợi cho đến khi nghe tiếng sấm đầu đời mới được đặt tên, bắt đầu tính tuổi. Người Ơ Đu phụ thuộc vào tiếng sấm, từ khi sinh ra cho đến lúc chết đi họ cũng phải chờ tiếng sấm. Chỉ khi có tiếng sấm vang lên thì linh hồn họ mới được coi là siêu thoát. Trong gia đình người Ơ Đu, khi người vợ hay người chồng không may qua đời, họ phải làm lễ chia của và khóc cho người chết. Ngoài mâm đồ cúng lễ, quan trọng nhất là phải có 1 đồng xu chia làm đôi. Một nửa người sống giữ lại còn nửa kia chôn theo người quá cố. Nếu vợ hay chồng của người quá cố muốn đi bước nữa, họ cũng phải chờ tới tiếng sấm đầu năm. Có sấm, mới bắt đầu lễ cúng, mới xin phép được người quá cố cho đi bước nữa.
Lễ mừng tiếng sấm
Tết mừng tiếng sấm (tết Chăm Phtrong) là tập tục cổ xưa duy nhất được người Ơ Đu lưu giữ với mong muốn một năm mưa thuận gió hòa để thuận lợi cho việc trồng trọt, săn bắt. Đối với tộc người Ơ Đu, lễ mừng tiếng sấm năm mới là ngày tết lớn nhất trong năm nên cả bản tổ chức rất long trọng, giết trâu, mổ lợn ăn uống linh đình...
Anh Lò Văn Thái - Trưởng bản Văng Môn cho biết: Trong những ngày tết Chăm Phtrong, trên bàn thờ gia đình của người Ơ Đu được trang trí rất cầu kỳ và rực rỡ sắc màu với đầy đủ các loại giấy ngũ sắc. Tuy nhiên, màu đỏ lại không được xuất hiện trong những ngày tết, bởi họ rất sợ lửa.
Trong dịp tết Chăm Phtrong, đồng bào Ơ Đu chọn một con lợn để cúng tổ tiên, tuỳ thuộc vào điều kiện gia đình mà mổ lợn to hay nhỏ (thông thường là từ 15 - 20kg). Khi mổ lợn, các gia đình Ơ Đu đều phải mời dân làng tới dự và uống rượu để ăn tết cùng. Đây được xem là dịp gia chủ cảm ơn bà con, hàng xóm trong bản đã giúp đỡ gia đình một năm vừa qua. Bên cạnh đó, mỗi gia đình người Ơ Đu đều phải chuẩn bị một con gà trống thiến. Con gà trống này sẽ được làm thịt để làm lễ cúng và cặp chân gà được giữ cẩn thận để xem chân gà. Đôi chân gà này sau khi cúng tổ tiên, các gia đình sẽ mang đến nhà cộng đồng nhờ những thầy mo giỏi nhất bản làm lễ thăm chân gà. Theo quan niệm của người Ơ Đu việc xem chân gà đầu năm là để xem một năm mới có được no ấm, hạnh phúc hay không? Bởi cũng theo người Ơ Đu thì sau tiếng sấm đầu tiên trong năm con vật cất tiếng kêu đầu tiên là con gà. Vì vậy, gà được xem là linh vật thần sấm gửi gắm thông điệp những ngày đầu năm. Ngoài ra những món không thể thiếu trong mâm cúng của đồng bào Ơ Đu là mọc cá (hỗn hợp cá, bột gạo nếp, muối, sả, tiêu rừng gói trong lá chuối và hong chín trên bếp củi); cá nướng; Nhọoc chuột (được làm từ thịt chuột đồng phơi khô cùng với rau rừng, hoa chuối, lá môn…); cơm lam; bánh chưng; rượu cần; rượu siêu (từ nếp rẫy và men lá cây rừng); rượu cẩm. Những lễ vật được đồng bào đặt trên 2 chiếc mâm mây, đưa từ trên nhà sàn xuống dưới sân trước nhà sàn.
Phần hội được mở ra với âm thanh vui tươi, rộn ràng. Chủ thể của lễ hội cùng với khách tham dự cùng thưởng thức lễ vật và nhảy múa theo những giai điệu truyền thống của người Ơ Đu. Trong những ngày tết Chăm Phtrong người Ơ Đu còn rộn ràng với âm thanh vui tươi của nhạc cụ cồng chiêng, đàn tùng tinh, trống và những nhạc cụ được làm từ ống nứa. Các trò chơi vui năm mới như đánh khăng, chọi gà, đi cà kheo...
Thường lễ mừng tiếng sấm của người Ơ Đu kéo dài từ 5 đến 7 ngày, cho đến khi mọi thủ tục cúng lễ thần sấm trong bản làng hoàn tất, ngày tết Chăm Phtrong mới kết thúc. Nhưng hiện nay đồng bào Ơ Đu chỉ tổ chức trong vòng một ngày.
Những thách thức bảo tồn
Trong những năm qua, ngành Văn hóa và chính quyền địa phương huyện Tương Dương đang trong quá trình nghiên cứu, tìm tòi, chuẩn bị các bước cho việc phục dựng Lễ hội Tiếng sấm đầu năm (Lễ Chăm Phtrong) - một lễ hội đặc sắc với nhiều nội dung thể hiện đặc trưng văn hóa độc đáo của tộc người Ơ Đu.
Hiện tại, bà con dân bản Văng Môn đang rất mong ngóng để Lễ hội Tiếng sấm đầu năm được khôi phục và tổ chức thường xuyên. Để bảo tồn phong tục độc đáo này đòi hỏi sự chung tay của các cấp, ngành chức năng. Anh Lo Văn Tới cho hay: “Ngày trước thì phải chờ có tiếng sấm, còn ngày nay phải có sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp, các ngành, bởi chúng tôi cũng không nhớ bất kỳ ghi lễ nào nữa. Nghi lễ này được phục dựng là niềm vui lớn đối với đồng bào Ơ Đu chúng tôi”./.
Nguồn LVO