BAOTAYNINH.VN trên Google News

Lệ phí đăng ký, chi phí giải quyết nuôi con nuôi cần rõ ràng

Cập nhật ngày: 27/05/2010 - 10:43
HTML clipboard

Sáng 26.5, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Nuôi con nuôi. Đây là dự Luật thể hiện tính nhân văn của dân tộc Việt Nam, đáp ứng nguyện vọng được làm cha mẹ của những cặp vợ chồng hiếm muộn, tạo điều kiện cho trẻ em có mái ấm gia đình, được chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục; tạo hành lang pháp lý thống nhất để thu hút sự quan tâm của toàn xã hội đối với công tác bảo vệ, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em.

Nuôi con nuôi là vấn đề xã hội, chủ yếu liên quan đến trẻ em và xảy ra ở hầu hết các quốc gia, nên đều được pháp luật các nước điều chỉnh. Vấn đề nuôi con nuôi ở nước ta cũng đã được pháp luật điều chỉnh từ lâu, nhưng cho đến nay vẫn chưa được quy định thống nhất trong một văn bản pháp luật, mà quy định lồng ghép trong Luật Hôn nhân và gia đình, Bộ luật Dân sự, Nghị định của Chính phủ và các văn bản pháp luật khác. Chính vì vậy, việc ban hành Luật Nuôi con nuôi nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của pháp luật về nuôi con nuôi trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, thống nhất các vấn đề liên quan đến nuôi con nuôi hiện được quy định tản mát trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau. Dự thảo Luật Nuôi con nuôi được trình ra Quốc hội lần này quy định nguyên tắc, điều kiện nuôi con nuôi; thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết việc nuôi con nuôi; quyền, nghĩa vụ của cha mẹ nuôi, con nuôi và cha mẹ đẻ của con nuôi; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức về nuôi con nuôi.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu tập trung đóng góp ý kiến về Lệ phí đăng ký nuôi con nuôi, chi phí giải quyết nuôi con nuôi; nuôi con nuôi ở khu vực biên giới.

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (đoàn Lạng Sơn) phát biểu ý kiến tại Quốc hội

Quy định rõ lệ phí đăng ký, chi phí giải quyết nuôi con nuôi

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý (đoàn Đà Nẵng) đồng ý với Điều 12 của dự thảo Luật Nuôi con nuôi quy định, người nhận nuôi con nuôi phải nộp lệ phí đăng ký nuôi con nuôi. Người nước ngoài không thường trú tại Việt Nam nhận con nuôi là người Việt Nam phải trả một khoản tiền để bù đắp một phần chi phí cho việc giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài, bao gồm chi phí lập hồ sơ của người được giới thiệu làm con nuôi; xác minh nguồn gốc của người được giới thiệu làm con nuôi; thẩm định hồ sơ của người xin nhận con nuôi; nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ khi được giới thiệu làm con nuôi đến khi hoàn thành thủ tục giao nhận con nuôi và thù lao hợp lý cho nhân viên của cơ sở nuôi dưỡng.

Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý, Luật cần quy định chi tiết thẩm quyền thu, mức thu, việc miễn, giảm và chế độ quản lý, sử dụng chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài. Vấn đề này là vô cùng nhạy cảm nên cần có quy định chặt chẽ và rõ ràng, minh bạch về tài chính để tránh diễn ra tình trạng buôn bán trẻ em.

Chia sẻ về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (đoàn Lạng Sơn) không đồng tình với quy định tổ chức, cá nhân là người Việt Nam hay nước ngoài nhận nuôi con nuôi thì phải nộp chi phí giải quyết nuôi con nuôi. Giải thích về lý do này, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, người Việt Nam hay nước ngoài nhận nuôi con nuôi hầu như đều là những người có kinh tế. Họ đã có tâm nguyện nhận nuôi con nuôi và phải trả chi phí trong quá trình giáo dục, nuôi dưỡng con rồi mà nay Luật yêu cầu phải trả chi phí giải quyết nuôi con nuôi thì quá là gây khó khăn đối với họ.

Theo đại biểu Nguyễn Minh Thuyết, người nhận nuôi con nuôi chỉ cần trả lệ phí đăng ký nuôi con nuôi. Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết cũng băn khoăn việc người nước ngoài nhận nuôi con nuôi là người Việt Nam thì phải nộp lệ phí là bao nhiêu. Ngược lại, người Việt Nam muốn nuôi con nuôi là người nước ngoài thì lệ phí như thế nào. Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết đề nghị, các khoản chi trả đăng ký nuôi con nuôi phải được ghi rõ trong Luật. Điều này sẽ khắc phục được tình trạng khiếu kiện, thắc mắc của người nhận nuôi con nuôi.

Đồng ý với quan điểm này, đại biểu Phan Thị Thu Hà (đoàn Đồng Tháp) nêu ý kiến: Lệ phí đăng ký nuôi con nuôi, chi phí giải quyết nuôi con nuôi nên được giới thiệu, trưng bày ở các tổ chức Việt Nam ở nước ngoài để người nước ngoài biết rõ các quy định, điều lệ khi nhận người Việt Nam làm con nuôi.

Cần quy định chi tiết việc nuôi con nuôi ở khu vực biên giới

Một vấn đề khác được nhiều đại biểu quan tâm là việc cho nhận con nuôi ở khu vực biên giới. Hầu hết các ý kiến đều nhận định, đây là vấn đề nhạy cảm liên quan đến mối quan hệ về họ tộc, dân tộc, thân tộc của đồng bào dân tộc có chung đường biên giới với Việt Nam. Chính phủ cần sớm đàm phán, ký kết với các nước làng giềng để có được những điều ràng buộc, quy định thống nhất trong việc giải quyết nuôi con nuôi ở khu vực biên giới.

Đại biểu Tống Văn Thoóng (đoàn Lai Châu) cho rằng: Điều 42 quy định về việc nuôi con nuôi ở vùng biên giới, nhưng trong thời gian qua, chúng ta chưa có quy định nào để giải quyết việc đăng ký, quản lý việc nuôi con nuôi ở khu vực biên giới nên việc giải quyết vấn đề này vẫn còn lúng túng. Vì vậy, Chính phủ nên quy định chi tiết việc nuôi con nuôi ở khu vực biên giới, bởi vì mỗi dân tộc có những phong tục tập quán khác nhau, nhận thức vấn đề khác nhau.

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (đoàn Lạng Sơn) cho rằng: Không nên quy định trong Luật vấn đề nuôi con nuôi ở khu vực biên giới, bởi vì trên thực tế cho đến nay, chưa có trường hợp nào được đăng ký. Ngoài ra, nuôi con nuôi ở khu vực biên giới là vấn đề phức tạp, liên quan đến một số nước có chung đường biên giới với nước ta, liên quan đến vấn đề dân tộc, tôn giáo, phong tục của đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là việc thực hiện chính sách, pháp luật về dân số của Việt Nam cũng như của các nước láng giềng.

Nên khuyến khích nhận trẻ có HIV/AIDS làm con nuôi

Trong dự thảo Luật Nuôi con nuôi có đề cập đến việc Uỷ ban Nhân dân, Sở Tư pháp, các cơ quan ở địa phương phải lập hồ sơ giới thiệu, báo cáo về tình trạng sức khỏe, đặc điểm tâm sinh lý của trẻ em được nhận làm con nuôi. Vấn đề này, đại biểu Danh Út (đoàn Kiên Giang) phản đối và cho rằng, nếu làm như vậy sẽ dẫn đến sự phân biệt đối xử đối với trẻ em. Nếu người nhận nuôi con nuôi đều chọn trẻ có sức khỏe tốt, hình thể cân đối thì sẽ không có ai nhận nuôi trẻ khuyết tật, trẻ có HIV/AIDS...

Quan điểm trên cũng được đại biểu H`Luộc Ntơr (đoàn Đắk Lắk) đồng tình và cho rằng, trong Luật Nuôi con nuôi nên khuyến khích các tổ chức, cá nhân nhận con nuôi mắc các bệnh hiểm nghèo, bị khuyết tật, có HIV/AIDS... Điều này sẽ góp phần giảm sự kỳ thị, phân biệt đối xử đối với những trẻ em không may mắn như trên.

* Chiều 26.5, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, Quốc hội làm việc tại Hội trường nghe Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Đặng Vũ Minh trình bày Báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Bưu chính.

Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Bưu chính, ý kiến đại biểu chủ yếu tập trung vào 3 nhóm nội dung chính: Bảo đảm an toàn, an ninh trong cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính (Điều 13, 14); Cung ứng dịch vụ bưu chính công ích (Điều 34); Cơ sở phục vụ bưu chính cấp xã (điểm bưu điện văn hoá xã).

Quy định cơ sở bưu chính cấp xã vào luật

Về vấn đề có nên quy định điểm bưu điện văn hoá xã vào luật hay không đã được đại biểu Quốc hội cho ý kiến nhiều tại kỳ họp thứ 6. Nhiều ý kiến khẳng định hiệu quả hoạt động của điểm bưu điện văn hoá xã trong thời gian qua đã có những đóng góp nhất định trong việc tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận với các dịch vụ bưu chính cũng như kiến thức pháp luật, khoa học chính sách của Đảng và Nhà nước; đồng thời đề nghị tiếp tục xem xét, nghiên cứu tổ chức, hoạt động của các điểm bưu điện văn hoá xã để quy định phù hợp.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Hồng đề nghị quy định điểm bưu điện văn hoá xã ngay trong Luật, không nên để quy định trong văn bản của Chính phủ. Có chăng, hướng dẫn Chính phủ có thể quy định ở những nơi cần thiết vẫn phải có bưu điện văn hoá xã, còn ở những vùng kinh tế, xã hội phát triển, dân không có nhu cầu thì không cần đặt điểm này. Đại biểu cho rằng, có như vậy mới thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào, vùng sâu, vùng xa, những nơi còn nhiều khó khăn, trong khi hiện nay ta chưa chỉ ra được phương tiện, biện pháp nào thay thế hiệu quả hơn bưu điện văn hoá xã.

Đại biểu Nguyễn Lân Dũng (đoàn Đắk Lắk) cũng đề nghị có thêm một điều khoản nào đó để hỗ trợ cho trạm bưu điện văn hoá xã. Ông phản ánh, cán bộ bưu điện văn hoá xã có thu nhập rất thấp so với cán bộ trong ngành bưu chính viễn thông, chỉ vài ba trăm ngàn đồng. “Với mức lương thấp như vậy mà trực 24 tiếng để phục vụ cho cả một xã, đưa thư từ thôn này đến thôn khác thì đúng là ít ỏi quá”.

Đại biểu cho rằng, không thể cấp lương cho các đối tượng này, nhưng vẫn có thể tạo dịch vụ giúp họ có thêm thu nhập. Đại biểu đưa ra hướng: “Có thể cung cấp cho họ một máy photocopy, họ in ra những bài hướng dẫn trồng trọt cây gì, con gì bán với giá 500-1.000 đồng vừa để cung cấp thông tin cho bà con nông dân vừa giúp họ có thu nhập”.

Sau khi nghe ý kiến thảo luận của các đại biểu về vấn đè này, Bộ trưởng Bộ thông tin truyền thông Lê Doãn Hợp thay mặt ban soạn thảo giải trình cho biết, Bộ thông tin truyền thông chịu trách nhiệm trước Quốc hội và Chính phủ chỉ đạo quyết liệt vấn đề này. Từ đầu năm đến nay, Bộ đã tổng kết đánh giá lại toàn bộ các điểm văn hoá xã, hiệu quả hoạt động cũng như những vấn đề đặt ra.

Trên cơ sở đó lên kế hoạch nâng cấp và xây mới các điểm văn hoá xã; Cải thiện điều kiện thu nhập của các nhân viên phục vụ ở các điểm văn hoá xã từ 450 ngàn/tháng lên 650 ngàn/tháng và cuối cùng là tìm các nguồn lực để tiến hành đầu tư.

Kiểm soát chặt doanh nghiệp được chỉ định

Về dịch vụ bưu chính dành riêng chỉ định cho một doanh nghiệp bưu chính Nhà nước thực hiện, đại biểu Nguyễn Thành Tâm (đoàn Long An) bày tỏ sự đồng tình với Báo cáo giải trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Đại biểu cho rằng, đặc thù của bưu chính không phải doanh nghiệp nào cũng có thể thực hiện được, trong khi chúng ta muốn phổ cập dịch vụ tới tất cả các vùng sâu, vùng xa. Hiện nay về hạ tầng bưu chính thật ra chỉ có bưu chính Việt Nam làm được và hệ thống này tương đối nặng nề. Do đó cần phải có sự tập trung nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước để cho hệ thống này hoạt động đem lại hiệu quả, phổ cập được dịch vụ tới người dân vùng sâu, vùng xa.

Tuy nhiên, đại biểu kiến nghị, trong quá trình đầu tư, Nhà nước phải có những biện pháp kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo ưu tiên của Nhà nước đối với hệ thống bưu chính được thực hiện một cách hiệu quả. Để dịch vụ đưa tới người dân đạt chất lượng, tránh tình trạng những ưu đãi của Nhà nước biến thành ưu đãi riêng cho doanh nghiệp, còn doanh nghiệp thì lợi dụng ưu đãi để hưởng lợi trong khi dịch vụ cung cấp cho người dân không đạt chất lượng.

Về nội dung bảo đảm an toàn, an ninh trong cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (đoàn Gia Lai) băn khoăn, Điều 14 quy định các trường hợp xử lý đối với việc vi phạm điều cấm. Tuy nhiên, trong thực tế xảy ra những trường hợp nghi ngờ vật phẩm và hàng hoá có thể bị vi phạm, cụ thể ở tỉnh Gia Lai nghi ngờ những tài liệu chống đối, chống phá Nhà nước, trong trường hợp này sẽ xử lý như thế nào? Đại biểu đề nghị trong Luật phải lường đến những trường hợp vật phẩm hay hàng hoá bị nghi ngờ vi phạm.

Về vấn đề này, theo Bộ trưởng Lê Doãn Hợp, đây là lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, Nhà nước cho các doanh nghiệp được chỉ định làm dịch vụ bưu chính hiện nay nhằm giảm bù lỗ cuả nhà nước.

Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cũng tiếp thu các ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội, hoàn thiện Dự thảo luật trước khi trình Quốc hội thông qua vào ngày 17.6.

Ngày 27.5, Quốc hội sẽ thảo luận tại Hội trường về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2009; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2010 trong những tháng đầu năm.

(Theo VOV News)