BAOTAYNINH.VN trên Google News

Lễ rước đại lịch của người Khmer 

Cập nhật ngày: 14/04/2023 - 05:50

BTN - Để chuẩn bị cho nghi lễ rước đại lịch, gần chiều, bà con Khmer tắm gội sạch sẽ và thay y phục truyền thống, trang điểm đẹp đẽ, rồi mang nhang đèn lên chùa để làm lễ rước Đại lịch Moha Sankran mới.

Chú tiểu lau tượng Phật, chuẩn bị đón tết. Ảnh: Lê Văn Hải

Chol Chnam Thmay là lễ hội mừng năm mới theo lịch cổ truyền của dân tộc Khmer, thường diễn ra từ ba đến bốn ngày vào trung tuần tháng tư dương lịch. Trong những ngày này, chủ yếu có ba nghi lễ chính, đó là rước đại lịch, đắp núi cát và tắm Phật tắm sư. Trong đó, lễ rước đại lịch được xem là thiêng liêng và quan trọng hơn cả. 

Trước khi nói về nghi thức và sự tích rước đại lịch, xin sơ lược về lịch của người Khmer. Theo lịch âm dương của người Khmer, thì một năm có 12 tháng, tháng Meakase (tháng 1) có 29 ngày, tháng Pos (tháng 2) có 30 ngày… và luân phiên chẵn lẻ như thế cho đến tháng Kadak (tháng 12) có 30 ngày.

Như vậy, theo lịch cổ truyền của dân tộc Khmer, một năm có 354 ngày, mỗi tháng trung bình có 29 ngày và 1/2 ngày của tháng sau. Người Khmer không ăn tết vào tháng giêng như những dân tộc khác, mà ăn tết vào tháng Chett (tháng 5), tương đương khoảng thời gian từ ngày 13-16.4 dương lịch.

Lý do thứ nhất là chu kỳ của mặt trăng giáp vào tháng này, thứ hai là tháng Chett đã hoàn thành công việc gặt hái, mọi nhà không bận bịu công việc đồng áng. Bên cạnh đó, đây là thời điểm của mùa nắng ráo, phum sóc sạch sẽ, phù hợp cho mọi người vui chơi sinh hoạt và nghỉ ngơi. 

Người Khmer đến chùa Khedol cúng dường. Ảnh: Nguyễn Minh Thiện

Đại lịch trong tiếng Khmer được gọi là Moha Sankran (មហាសង្ក្រាន្ត). Đây là loại lịch cổ truyền do các Hô Ra (Chiêm tinh gia) soạn ra để sử dụng trong một năm. Đại lịch ghi rõ các ngày, tháng và thời khắc diễn ra tất cả các lễ hội, mưa nắng, điềm tốt xấu trong một năm. Người Khmer dựa vào đại lịch để tổ chức giao thừa, thời khắc vào năm mới và bói điều hung kiết trong năm.

Nếu như Chnam là tính theo sự vận chuyển của mặt trời và đánh dấu bước đầu vào năm mới, thì Chol là tính theo sự vận chuyển của mặt trăng và đánh dấu việc thay đổi của 12 con giáp trong một chu kỳ.

Dựa vào sự tính toán của các Hô Ra trong đại lịch, thì năm 2023, thời khắc giao thừa sẽ diễn ra vào 16 giờ ngày 14.4, tức là năm 2567 Phật lịch. Ngày 14.4 lại là ngày thứ sáu, nên Quản Thế Thiên [Têvôđa Roksamonusslok - ទេវតារក្សាមនុស្សលោក] của năm Thos [ឆ្នាំថោះ- năm con thỏ] sẽ là người con gái thứ sáu của Đại Phạm Thiên [Pres Moha Prum - ព្រះមហាព្រហ្ម], nàng tên Kếmira Têvy [កិមិរាទេវ] ngồi trên lưng bạch ngưu xuống cai quản trần gian.

Để giải thích cho nghi thức văn hoá này, người Khmer có câu chuyện về Hoàng tử Dhammabal Palakumar và Thần Bốn Mặt - Đại Phạm Thiên như sau: “Thuở xa xưa có một vị hoàng tử tên là Dhammabal Palakumar cực kỳ thông minh, có thể trả lời tất cả những câu hỏi.

Đại Phạm Thiên biết được rất tức giận, một hôm ông xuất hiện trước mặt Dhammabal Palakumar và đưa ra ba câu hỏi cực kỳ khó, đó là “buổi sáng có thể tìm hạnh phúc ở đâu, buổi chiều và buổi tối thì tìm ở đâu?”. Đại Phạm Thiên nói rằng hoàng tử không trả lời được sẽ bị chặt đầu; nếu trả lời được thì Đại Phạm Thiên sẽ tự chặt đầu mình.

Dhammabal Palakumar nghe xong rất buồn và đi vào rừng, đột nhiên ông nghe hai con chim đại bàng nói với nhau rằng “vào buổi sáng hạnh phúc hiện diện ở trên mặt, buổi chiều ở trên thân thể và buổi tối thì nằm ở đôi chân”. Đây chính là nguồn gốc tập tục người Khmer vào ngày tết dùng nước thơm để rửa mặt buổi sáng, tắm rửa thân thể vào buổi chiều và rửa chân vào buổi tối.

Hoàng tử trở về và đem câu trả lời đó đối đáp với Đại Phạm Thiên, thế là ngài chịu thua và phải tự chặt đầu mình. Đại Phạm Thiên có bảy người con gái, sau khi tự cắt đầu, ông giao cho người con gái thứ nhất đặt vào tháp, từ đó về sau, mỗi năm một lần, đúng ngày này, bảy cô con gái của ngài xuống trần, vào tháp bưng đầu lâu bốn mặt của cha đến núi Tudi, đi theo hướng mặt trời vòng quanh chân núi ba lần. Mỗi năm một cô gái bưng một lần, theo thứ tự ứng vào mỗi ngày trong tuần lễ. Ngày rước đầu lâu là ngày thiên hạ thái bình, đó cũng là ngày đầu năm mới của người Khmer”.

Bảy người con gái của Đại Phạm Thiên theo thứ tự từ cả đến út có tên như sau: Tungsa Têvy (cả); Khôrakhă Têvy (2); Riakhayasa Têvy (3); Monthia Têvy (4); Kếrếnây Têvy (5); Kếmira Têvy (6) và Mahathăria (7).

Năm nào giao thừa rơi vào ngày thứ mấy thì sẽ tương ứng thứ tự của con gái thần Maha Prum xuống trần gian đảm nhiệm chức Quản Thế Thiên. Năm nay (2023), giao thừa rơi vào ngày thứ sáu, nên Quản Thế Thiên là tiên nữ Kếmira Têvy. Đi cùng Quản Thế Thiên xuống trần gian còn có các vị Thiên tôn của Ngọc Đế Indra.

Các Thiên tôn này đều được thay đổi mỗi năm chiếu theo 12 con giáp trong một kỷ. Khi xuống trần gian, các Thiên tôn cưỡi thú, trang phục, ăn uống, sử dụng pháp khí khác nhau theo từng năm. Các Hô Ra của người Khmer dựa vào tính tình và cách ăn uống, trang phục, sử dụng pháp khí của Quản Thế Thiên và các Thiên tôn bói ra điềm lành dữ của năm để có hướng liệu tính cho khoảng thời gian của tương lai năm mới.

Người dân Khmer đến chùa Khedol cúng Phật trong dịp Tết Chol Chnam Thmay. Ảnh: Lê Văn Hải

Để chuẩn bị cho nghi lễ rước đại lịch, gần chiều, bà con Khmer tắm gội sạch sẽ và thay y phục truyền thống, trang điểm đẹp đẽ, rồi mang nhang đèn lên chùa để làm lễ rước Đại lịch Moha Sankran mới.

Tại sân chùa, dưới sự hướng dẫn của vị Kru Achar (chủ lễ của phum sóc), bà con xếp thành hàng tư, hàng năm, khi tiếng trống nổi lên thì đoàn người cũng bắt đầu đi vòng quanh chánh điện ba vòng để thể hiện sự cung kính đối với đức Phật và đón chư thiên năm mới.

Xong, Kru Achar đội mâm lễ vật trên đầu (gồm quyển Đại lịch, baisây, slathor, nhang đèn, hoa quả...) cùng mọi người vào chánh điện để vị sư cả tiếp nhận quyển đại lịch, đặt lên bệ thờ, tụng kinh đón Quản Thế Thiên của năm mới và tụng kinh cầu an cho tất cả dân làng…

Đối với những gia đình không có điều kiện tham gia rước đại lịch tại chùa thì thực hiện nghi thức đón năm mới tại nhà của mình. Bà con Khmer thường tổ chức hành lễ trước sân nhà với khay lễ gồm quyển đại lịch, một đôi baisây, một đôi slathor, nước ướp hương, nhang, đèn cầy, cốm nổ, hoa quả, bánh trái… Đến thời khắc giao thừa, tiếng trống hiệu của nhà chùa vang lên, thì cả nhà tập trung về nơi hành lễ, thắp nhang đèn, phát tâm thanh sạch, tiến hành nghi thức đón chư thiên tại gia đình.

Lễ rước đại lịch của bà con Khmer Tây Ninh không khác gì mấy so với bà con Khmer Nam bộ. Nghi lễ này có ý nghĩa tương tự lễ đón giao thừa trong tết nguyên đán của các dân tộc Việt, Hoa… nhằm tiễn đưa những điều xui xẻo trong năm cũ, gửi gắm ước vọng vào điều mới mẻ, may mắn, tốt lành trong năm mới.

Tống tiễn Quản Thế Thiên và Chư thiên của năm cũ để nghinh đón Quản Thế Thiên và Chư thiên của năm mới, qua đó bói ra những điềm hung kiết để liệu tính, trấn an, khắc phục hạn chế để có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Lễ đón giao thừa của người Việt thường tổ chức cố định vào lúc 00 giờ ngày mùng một tháng giêng âm lịch; còn lễ rước đại lịch đón năm mới của đồng bào Khmer lại không cố định về thời gian, luôn thay đổi tuỳ từng năm, đó chính là nét riêng và một phần bản sắc của văn hoá Khmer.

Đào Thái Sơn