Văn hóa - Giải trí   Đất nước mến yêu

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Lên Cao nguyên đá Đồng Văn xem lễ hội cầu mưa của người Lô Lô  

Cập nhật ngày: 20/04/2012 - 11:47

Trong những ngày này, đến với Chợ tình Khau Vai huyền thoại - phiên chợ "độc nhất vô nhị" trên Cao nguyên đá Đồng Văn, du khách trong và ngoài nước được xem lễ hội cầu mưa của người Lô Lô. Đây là lễ hội truyền thống của bà con dân tộc Lô Lô sinh sống tại xóm Sảng Pả A, thị trấn Mèo Vạc (huyện Mèo Vạc).

Tiết mục múa đặc sắc của đồng bào dân tộc Lô Lô.

Theo ông Sùng Minh Sính, Bí thư Huyện ủy Mèo Vạc: Dân tộc Lô Lô sinh sống chủ yếu ở các xã: Lũng Cú, Lũng Táo, Sủng Là (huyện Đồng Văn) và xã Thượng Phùng, Xín Cái (huyện Mèo Vạc) với 1.692 người. Mặc dù dân số ít, cuộc sống còn rất nhiều khó khăn, song dân tộc Lô Lô là một cộng đồng có sự gắn kết mạnh. Đồng bào luôn sống tập trung thành từng làng nhỏ. Đây là một trong những yếu tố giúp cho dân tộc này giữ gìn hầu như nguyên vẹn nét văn hóa truyền thống. Từ lâu, người ta đã biết đến dân tộc này với hình ảnh các thiếu nữ Lô Lô trong bộ trang phục truyền thống cầu kỳ bậc nhất, với làn điệu dân ca sâu lắng, điệu múa rộn ràng. Trong nghệ thuật múa hát dân gian của dân tộc Lô Lô có nhiều lễ hội đặc sắc như lễ hội nhẩy cây (hay còn gọi là lễ hội mùa xuân thường được tổ chức vào ngày 25 tháng chạp năm trước đến hết rằm tháng giêng năm sau); lễ hội hái ngô được tổ chức vào dịp tết cổ truyền. Nổi bật nhất của dân tộc Lô Lô là lễ hội cầu mưa - đây là lễ hội thường được bà con tổ chức vào tháng 3 âm lịch hàng năm với ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi.

Với những nghi thức đặc sắc, độc đáo, mang tính chất tín ngưỡng bao gồm các phần: Phần lễ và phần hội. Lễ hội cầu mưa của người Lô Lô năm nay được tổ chức ở khu sân rộng giữa xóm Sảng Pả A. Để cho lễ hội cầu mưa thành công, ngay từ tối hôm trước thầy cúng phải làm lễ xin phép tổ tiên cho phép tổ chức lễ hội cầu mưa.

Tiếp đó, bà con trong làng phải cùng nhau chuẩn bị đồ để tế lễ trong lễ hội bao gồm: 1 con gà trống, 2 con chó, 1 thanh kiếm bằng gỗ hoặc sắt, 1 bát nước, 4 chén rượu; 4 ống hương bằng tre tượng trưng cho 4 phương trời, cùng với hương, giấy vàng, bạc. Một vật tế lễ cầu mưa không thể thiếu được trong tất cả các lễ hội cầu mưa của đồng bào Lô Lô đó là trống đồng và nhị.

Người Lô Lô cho rằng từ thửa có trời, có đất là có trống đồng. Trống đồng là biểu tượng của vũ trụ, của con người được thần linh hóa cả hình dáng lẫn tiếng nói. Xuất phát từ quan niệm bố Trời - mẹ Đất, họ cho rằng mặt trời là trung tâm vũ trụ. Trong trong dịp lễ hội, lễ tế trời, lễ hội cầu mưa, người Lô Lô dùng trống mồ dảnh (trống trời). Mỗi bộ gồm 2 chiếc: Trống đực và trống cái, trống đồng như báu vật linh thiêng của cha ông để lại. Chiếc nhị của người Lô Lô cũng khá độc đáo, chiếc nhị thường to gấp 3 - 4 lần so với chiếc nhị của người Kinh.

Khi thầy cúng bắt đầu tiến hành làm lễ là lúc tất cả bà con trong làng đều đến tập trung đông đủ ở sân. Lúc này thầy cúng giao các con vật được sử dụng trong buổi lễ cho 6 người giúp việc để làm thịt, bày trên 1 chiếc mẹt.

Thầy cúng tiến hành cúng lần một mời thần linh 4 phương trời chứng giám lễ cầu mưa của dân làng và xin thần linh phù hộ cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt. Sau khi tiến hành xong thủ tục cúng sống, thầy cúng giao lại chó và gà cho người giúp việc chế biến.

Khi chế biến xong, đồ tế được bày trong một cái mẹt đặt trên giá đỡ, thầy cúng bắt đầu hành lễ. Tay phải ông cầm kiếm nâng lên, hạ xuống theo nhịp khấn, tay trái ông đánh trống đồng, và cầu khấn thần Kết Dơ - đây là hai vị đứng đầu, cai quản trời đất của dân tộc Lô Lô. Cầu thần phù hộ cho mùa màng tốt tươi, mưa thuận gió hoà, làng bản no ấm. Bài khấn rất dài và thanh âm trầm bổng như một bài văn tế, người khấn như hát văn, nghe du dương trong tiếng trống, tiếng nhị. Sau khi khấn xong, thầy cúng tiến hành đốt giấy bản ở bốn góc bàn, vẩy rượu ra bốn phương tạ ơn trời đất.

Mỗi phần lễ trong lễ hội cầu mưa của người Lô Lô ông thầy cúng phải tiến hành trong khoảng hơn 1 giờ đồng hồ. Khi cúng xong, tất cả dân bản trong làng dự lễ (chỉ trừ người già ốm đau không đến được) tất cả đều quây quần uống rượu, múa hát xung quanh bàn lễ. Lúc này, những chàng trai, cô gái của dân tộc Lô Lô sẽ thể hiện những làn điệu dân ca Tế Phua, Tế La, Hồ La Tế, Ta Sì Phua... chan chứa ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, hạnh phúc lứa đôi.

Ngày hội cầu mưa là ngày hội vui nhất của người Lô Lô. Trong ngày này, những người già gặp nhau nói chuyện gia đình, chuyện phát triển sản xuất chăn nuôi, trồng cây, trồng ngô, chuyện chọn dâu, kén rể. Với đám thanh niên, đây là dịp các chàng trai tìm người yêu qua câu hát giao duyên, bằng tiếng sáo cờ lé, sáo đôi. Trong ngày hội này, những cô gái Lô Lô đẹp rạng ngời, rực rỡ trong bộ váy áo mới, thêu hoa văn rực rỡ. Mỗi bộ trang phục của chị em phụ nữ Lô Lô luôn phong phú về chủng loại, kỹ thuật và cách tạo dáng ấn tượng, độc đáo do chính tay những cô gái Lô Lô tự thiết kế. Không ai giống ai, cũng chiếc áo cổ vuông, tay áo được ghép bằng nhiều mảnh vải chàm màu khác nhau; trên nền vải tự tay thêu trang trí. Cùng với chiếc dây lưng thêu hoa có tua sặc sỡ, kết hợp với chiếc vòng cổ, vòng tay bằng bạc lóng lánh.... Các chàng trai Lô Lô trong ngày này với cách nhìn tinh tế của mình sẽ chọn cho mình một cô gái dịu dàng, khéo léo, tinh tế qua trang phục để lấy làm vợ.

Lễ hội cầu mưa là một lễ hội tín ngưỡng phồn thực, trong dịp tổ chức lễ hội, mọi sinh hoạt của người Lô Lô đều hướng vào việc cầu mưa. Họ tâm nguyện, cầu khấn, ước ao năm nay có nhiều hạt mưa rơi xuống tưới cho cánh đồng của Cao nguyên đá Đồng Văn ngày càng xanh tốt, cho dân bản được mùa, đời đời no ấm. Đặc biệt, thông qua việc tổ chức lễ hội cầu mưa, bà con dân tộc Lô Lô còn truyền dạy cho con cháu của mình tự hào, giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống, đậm đà bản sắc của dân tộc.

Đ.T (st)