Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Lịch sử là bệ đỡ
Thứ tư: 08:19 ngày 15/02/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Dù đổi mới tổ hợp môn xét tuyển theo xu hướng hội nhập, coi trọng môn toán và ngoại ngữ, bỏ khối C truyền thống (văn, sử, địa), nhưng cuối cùng ngành công an vẫn quyết định giữ lại môn lịch sử trong tổ hợp mới được bổ sung: toán, ngữ văn, lịch sử.

Thay đổi này được thiếu tướng Đỗ Ngọc Cẩn - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị công an nhân dân Bộ Công an - lý giải: xuất phát từ chính nhu cầu đào tạo cũng như yêu cầu tuyển lựa người học của các trường công an.

Còn từ cơ sở đào tạo, trung tướng Nguyễn Xuân Yêm - Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân - cho rằng việc đổi mới đã rất sát với chương trình đào tạo cụ thể. Trong đó, riêng việc giữ lại môn lịch sử để đưa vào tổ hợp mới chứng tỏ các ngành đào tạo nghiệp vụ an ninh, cảnh sát, luật của ngành công an đều nhận thức rõ vai trò quan trọng của môn lịch sử cho sinh viên.

Nói như trung tướng Nguyễn Xuân Yêm, đó là “hành trang quan trọng để giúp sinh viên ngành công an hiểu được truyền thống lịch sử, từ đó nhận thức rõ được trách nhiệm trong công việc rất đặc thù...”.

Tuy nhiên, không phải ngành đào tạo ĐH nào cũng đặt môn lịch sử ở vị trí xứng đáng. Năm 2017, với sự xuất hiện của các bài thi tổ hợp, theo quy tắc do Bộ GD-ĐT đặt ra, có đến hàng trăm tổ hợp xét tuyển vào ĐH. Nhiều trường bổ sung tổ hợp mới đa dạng, nhưng hầu như chỉ thấy dày đặc môn toán, ngoại ngữ... đúng xu thế lựa chọn từ trước của thí sinh.

Nhiều trường không ngần ngại chia sẻ: nếu đưa lịch sử thành môn xét tuyển bắt buộc, nguồn tuyển sẽ sụt giảm vì từ trường phổ thông các em đã không say sưa với môn học này.

Cũng phải ghi nhận nỗ lực của Bộ GD-ĐT trong việc đưa môn lịch sử vào bài thi khoa học xã hội, để nếu trường có lấy điểm bài thi này thì học sinh cũng đã phải trả lời một phần về kiến thức sử. Tuy nhiên, với vai trò của một môn thi thành phần chỉ có 40 câu hỏi trắc nghiệm trong 50 phút làm bài, nhiều chuyên gia cho rằng việc kiểm tra kiến thức, kỹ năng chẳng thấm vào đâu...

Lướt qua phương án tuyển sinh mà một số trường đã công bố, không khỏi chạnh lòng khi các tổ hợp có “đính kèm” môn lịch sử rất thưa thớt. Còn nếu có thì cùng vào ngành đó, thí sinh có nhiều cửa khác để lựa chọn hơn mà không phải “va” vào môn lịch sử. Thậm chí có trường ĐH lớn tuyển sinh chính ngành lịch sử, nhưng nếu thí sinh chọn tổ hợp toán, lý, hóa cũng vẫn được xét tuyển rất... bình thường.

GS Đỗ Thanh Bình - Trường ĐH Sư phạm Hà Nội - cho rằng để bồi đắp nhân cách con người mới trong đào tạo nguồn lực không thể tách rời quốc văn, quốc sử. Đó không chỉ lịch sử chung chung mà trên hết, mỗi người phải hiểu được tường tận nguồn cội, lịch sử của chính đất nước, dân tộc mình.

Vị giáo sư từng là trưởng khoa lịch sử trường ĐH đầu ngành trong hệ thống các trường sư phạm Việt Nam trăn trở: “Thật kỳ lạ khi nhiều nước coi toán, quốc văn, quốc sử phải là những kiến thức cần kiểm tra bắt buộc trong bài thi “đầu vào”, còn nước ta vốn tự hào về truyền thống lịch sử ngàn năm văn hiến lại lặng lẽ tách rời môn lịch sử”.

Không kỳ lạ sao được khi nhiều ngành khoa học xã hội và nhân văn cũng thoát ly dần yêu cầu đầu vào với chính môn học gần với ngành đào tạo của mình.

Nguồn TTO

Tin cùng chuyên mục