Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Trong điều kiện dịch bệnh Covid 19 ngày càng diễn biến phức tạp, nguy hiểm, khu vực biên giới Tây Ninh được xác định là địa bàn trọng yếu trong công tác phòng chống dịch.
Trung tá Hồ Ngọc Sơn, Chính trị viên Đồn biên phòng Phước Chỉ mỗi lần ra thăm anh em trên chốt đều ghi lại ngững khoảnh khắc các chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tây Ninh liên tục được tăng cường quân số, nhiều điểm chốt dã chiến được dựng lên, tạo thành “lá chắn” vững chắc trên cửa ngõ Tây Nam này. Kể từ đó, hằng ngày các lực lượng thực hiện “nhiệm vụ kép” trên biên giới Tây Ninh phải đối mặt với muôn vàn khó khăn: Đêm không ngủ - ngày không nghỉ, bởi vấn nạn xuất, nhập cảnh trái phép, buôn lậu qua biên giới liên tiếp xảy ra; thời tiết khí hậu khắc nghiệt, mưa giông thất thường… tất cả đã và đang là thách thức lớn đối với công tác tuyên truyền trên biên giới trong giai đoạn hiện nay.
Trước tình hình đó, Phòng Chính trị Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ động mạnh dạn thay đổi, điều chỉnh phương pháp, cách thức tuyên truyền kịp thời, mang lại hiệu quả cao, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của đơn vị.
“Thật tình mà nói lúc đầu khi có vụ việc, chúng tôi chỉ biết cầm điện thoại lên là chụp thôi chứ biết thế nào là ảnh báo chí, mỗi lần gửi về thì được anh em trên tỉnh hướng dẫn lại cách chụp, cách quay như thế nào.
Lúc mới, phải làm lại, nhiều lúc cũng khó chịu, nhưng rõ ràng sau khi thực hiện theo hướng dẫn của anh em chuyên môn, chất lượng được nâng lên. Bây giờ mỗi lần gửi tin, bài về trên, chúng tôi lại mong chờ phản hồi để rút kinh nghiệm” - Thiếu tá Phạm Văn Hoàn, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Cửa khẩu Mộc Bài nói.
Mỗi chiến sĩ là một tuyên truyền viên
Đầu tháng 3.2021, xuất phát từ tình hình dịch bệnh ngày càng căng thẳng, đột biến ở một số quốc gia trong khu vực lân cận, nhất là kể từ sau sự kiện “lây nhiễm cộng đồng ngày 20.2” ở nước bạn Campuchia, thêm lần nữa Tây Ninh được xác định là cửa ngõ Tây Nam, là “lá chắn” quan trọng nhất trên trận tuyến phòng dịch.
Sau khi công trình Đài quan sát này của Đồn biên phòng Phước Chỉ được đăng báo, thấy được hiệu quả của nó nhiều đơn vị đã áp dụng làm theo.
Trước yêu cầu nhiệm vụ đòi hỏi phải nhanh nhạy, cấp bách và kịp thời, Phòng Chính trị tham khảo ý kiến từ cơ quan nghiệp vụ cấp trên như Phòng Tuyên huấn của Cục Chính trị, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tây Ninh cũng như các quy định pháp luật liên quan, Phòng Chính trị đã thành lập “Nhóm Tuyên truyền BĐBP Tây Ninh” trên Zalo, bao gồm lãnh đạo phòng, ban nghiệp vụ và sĩ quan chính trị ở 16 đơn vị cơ sở.
Trong đó giao trực tiếp cho Trưởng Ban Tuyên huấn điều hành, 2 nhân viên tuyên truyền theo dõi, tiếp nhận và xử lý thông tin; các thành viên ở đơn vị cơ sở trực tiếp theo dõi hoạt động tại đơn vị mình, ngay sau khi có vụ việc xảy ra kịp thời chụp ảnh, quay phim và gửi thông tin vào Nhóm trong thời gian nhanh nhất có thể. Chỉ hơn một tuần khởi động, Nhóm tuyên truyền BĐBP Tây Ninh mang lại hiệu quả khá bất ngờ.
Điển hình như vụ giông lốc phá hỏng các chốt chống dịch hồi đầu tháng ./2021, khi vụ việc vừa xảy ra, Đồn Phước Chỉ đã kịp thời ghi lại hình ảnh tan tác đó và chuyển về nhóm để tuyên truyền. Trung tá Hồ Ngọc Sơn, Chính trị viên Đồn biên phòng Phước Chỉ nhớ lại: “Lúc đó, tôi lấy điện thoại ra chụp, quay video lại, chứ không nghĩ là sẽ tuyên truyền lên báo, đài được. Nhưng sau đó những hình ảnh thực tế và kịp thời đó, đã được xuất hiện trên các phương tiện truyền thông”.
Đối với những thông tin, đề tài nhạy cảm, trực tiếp Đại tá Nguyễn Công Tuân - Chủ nhiệm Chính trị phải xét duyệt nội dung trước khi xử lý biên tập và đăng tải.
Sau sự kiện đó, bây giờ mỗi lần ra biên giới, ngoài chuyện kiểm tra, đôn đốc cán bộ chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ, Trung tá Sơn Hồ Ngọc Sơn luôn quan sát, theo dõi, thấy chuyện gì chưa được thì anh nhắc nhở, chuyện gì tốt anh lại ghi hình gửi về Nhóm để tuyên truyền.
Bài báo “Sáng kiến hay mùa chống dịch” đăng vào trung tuần tháng 5 là do Trung tá Sơn cung cấp sau một lần anh ra biên giới và phát hiện anh em ở chốt số 12 tự làm đài quan sát dã chiến để giám sát đoạn biên giới do chốt phụ trách.
Trung tá Hồ Ngọc Sơn cho biết thêm, kể từ khi tham gia Nhóm tuyên truyền, mọi hoạt động của đơn vị được tuyên truyền nhanh hơn, hiệu quả hơn trước rất nhiều, điều này vừa cổ vũ động viên tinh thần cho các anh em ở chốt và cả chính quyền địa phương nơi đơn vị đóng quân, đồng thời tạo hiệu ứng xã hội mạnh mẽ.
“Sau khi những hoạt động, thành tích của đơn vị được báo chí đưa lên, chúng tôi nhận được rất nhiều nguồn cổ vũ, động viên chia sẻ từ vật chất đến tinh thần, điều này chứng minh rằng chúng tôi không đơn độc, luôn luôn có sự dõi theo của lãnh đạo, mọi tầng lớp nhân dân ở tuyến sau”.
Hiện nay, mạng lưới cộng tác viên của Nhóm tuyên truyền BĐBP Tây Ninh không chỉ có cán bộ đồn mà còn có cả các chiến sĩ ở các điểm chốt dã chiến, bởi nhiều vụ việc xảy ra vào lúc nửa đêm, ở những nơi không có sóng điện thoại, chính các chiến sĩ tại chốt là những tuyên truyền viên độc quyền.
Trung tá QNCN Lê Văn Bình – Đội phó Đội PCMT-TP Đồn BPCKQT Mộc Bài ghi lại hình ảnh vụ việc nhập cảnh trái phép vừa lưu hồ sơ vừa gửi về trên để tuyên truyền.
Trung tá quân nhân chuyên nghiệp Lê Văn Bình – Đội phó Đội Phòng chống ma tuý – tội phạm, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài chia sẻ: “Thường thì sau khi bắt được các đối tượng xuất nhập cảnh trái phép hay buôn lậu qua biên giới, chúng tôi hay ghi hình, vừa để phục vụ cho công tác điều tra truy xét và lưu hồ sơ, vừa để báo cáo về đơn vị nắm. Nhưng gần đây khi thấy những hình ảnh của mình chụp được đăng báo, chúng tôi rất là vui, niềm vui đó giống như sự khích lệ động viên anh em cố gắng thi đua lập nhiều thành tích hơn nữa”.
Trung tá Nguyễn Văn Thành - cán bộ tăng cường từ Bộ đội Biên phòng thành phố Hồ Chí Minh, phụ trách Chốt số 12 của Đồn Mộc Bài cho biết: “Mỗi lần thấy thành tích của anh em ở chốt được đăng báo, chúng tôi đều tự nhủ rằng, cần phải canh gác cẩn thận hơn, quyết không để nhập cảnh trái phép và buôn lậu qua biên giới. Vui nhất là khi người thân gia đình ở tuyến sau khi thấy anh em ở chốt được lên báo, điện hỏi thăm động viên”.
Đại uý Bùi Thế Công – Chính trị viên phó của Đồn biên phòng cửa khẩu Phước Tân mỗi lần ra chốt đều gi lại các hoạt động có ý nghĩa tại chốt để gửi về Phòng Chính trị để tuyên truyền.
Học làm báo qua màn hình điện thoại
Với đội ngũ cộng tác viên không chuyên rải khắp 15 đồn biên phòng, tiểu đoàn huấn luyện và trên 159 chốt chống dịch, có thể nói đây là thế mạnh của công tác tuyên truyền.
Tuy nhiên để đảm bảo nội dung và chất lượng hình ảnh để tuyên tuyền, đó là vấn đề khó khăn đối với đối với những người làm công tác biên tập, xử lý thông tin của nhóm, nhất là trong thời gian đầu mới thành lập.
Đại tá Nguyễn Công Tuân - Chủ nhiệm Chính trị cho biết: “Khi nhận thông tin từ cơ sở gửi về, điều đầu tiên chúng tôi làm là kiểm duyệt nội dung xem có tuyên truyền được không, nội dung có sai quan điểm, đường lối không; rồi các hành vi vi phạm pháp luật như thế nào, có ảnh hưởng gì khi đưa tin không… Với cách làm đó, từ ngày thành lập Nhóm đến giờ, chưa để xảy ra sai sót phải đính chính”.
Từ những thông tin do Đồn BPCK Phước Tân cung cấp, Thiếu tá Lê Trung Quân, nhân viên tuyên truyền đến đơn vị khai thác thông tin xây dựng thành các phòng sự để tuyên truyền.
Có thể nói việc xử lý thông tin, hình ảnh sao cho đúng, cho đẹp, không phản cảm là một trong những vấn đề khó khăn chủ yếu trong việc duy trì Nhóm tuyên truyền, phần lớn cán bộ, chiến sĩ cơ sở chưa từng cộng tác, tham gia viết bài.
Vì là nghiệp dư, hình ảnh thường mắc lỗi bố cục và ánh sáng, nên mỗi lần vừa nhận tin nhắn cán bộ chiến sĩ gửi về, người phụ trách biên tập của nhóm phải hướng dẫn anh em chụp lại.
Thiếu tá Phan Đình Tố, Chính trị viên phó Đồn biên phòng CKQT Xa Mát chia sẻ thêm: “Những kinh nghiệm về cách quay, cách chụp đó, chúng tôi chia sẽ, hướng dẫn lại các anh em ở cấp đội và các tổ chốt chống dịch trên biên giới. Thành tích được tuyên truyền kịp thời, đó là nguồn cỗ vũ động viên rất lớn đối với anh em chúng tôi”.
Những lỗi này, sau đó được đưa lên Nhóm để rút kinh nghiệm. Ngoài ra, từ những thông tin ban đầu, nhân viên tuyên truyền của Ban Tuyên huấn Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh phát hiện nhiều đề tài hay, phát triển thành bài, phóng sự để tuyên truyền trên chuyên trang, chuyên mục của đơn vị.
Cụ thể như đề tài các chiến sĩ đón con chào đời qua màn hình điện thoại, hay vợ lính vượt cạn giữa tâm dịch, chiến sĩ 3 lần tình nguyện ở lại biên giới Tây Ninh chống dịch…
Lê Quân
(Còn tiếp)