Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Lính Trường Sa
Thứ ba: 19:31 ngày 05/02/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - “Biển này là của ta, đảo này là của ta, Trường Sa. Dù phong ba, dù bão tố, dù gian khổ ta vẫn vượt qua, chiến sĩ Trường Sa. Đem chí trai, giữ vững chủ quyền Tổ quốc Việt Nam ta, giữ vững chủ quyền Tổ quốc Việt Nam ta”.

Giữa mênh mông biển cả, giữa đất trời giao hòa, trong giờ khắc thiêng liêng, đứng gác canh cột mốc chủ quyền mà nghe những ca từ ấy như thấm vào gan ruột.

Vững tay súng canh giữ biển đảo

Xuân Kỷ Hợi 2019 đã về trên khắp nẻo đường góc phồ làng quê. Trong khi ở đất liền từng đôi nam thanh, nữ tú đi chơi xuân đón tết, thì giữa ngàn khơi Tổ quốc, những người lính hải quân Trường Sa, nhà giàn DK1 luôn vững tay súng đứng gác trong gió gào sương lạnh, canh giữ biển đảo cho nhân dân cả nước đón Tết yên bình.

Canh cột mốc chủ quyền đảo Sơn Ca.

Ở giữa trùng dương tít tắp ấy, trong phút giây lặng lẽ, đôi mắt các anh luôn dõi về đất mẹ, chờ đón bóng dáng những con tàu.

Ai đã từng đến Trường Sa chạm tay vào cột mốc chủ quyền; ai đã vượt sóng đến nhà giàn DK1 rồi leo lên hệ thống cầu thang dốc cao trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt sóng to gió lớn mới hiểu hết được sự hy sinh gian khổ, cống hiến quên mình và ý nghĩa cao cả, sứ mệnh lớn lao, niềm tự hào của người lính nơi tuyến đầu Tổ quốc.

Dẫu biết chiến tranh hay thời bình, nỗi vất vả gian truân bao giờ cũng đặt lên vai người lính, nhưng sự vất vả gian lao của người lính Trường Sa được tính bằng máu xương và không bao giờ nói hết bằng lời. Trên đôi vai trọng trách ấy là chủ quyền biển đảo, là nhiệm vụ Đảng giao, là niềm tin của nhân dân cả nước gửi gắm.

Đón Xuân tận chân trời Tổ quốc, những người lính Trường Sa lại có niềm riêng của lính đảo xa nhà. Trên đường tuần tra đầy nắng và sỏi cát, bồng súng đứng canh cột mốc chủ quyền, các anh lại nghĩ về những ngày huấn luyện lăn, lê, bò, trườn trong mưa rào nắng lửa. Đá san hô có thể làm chân toạc máu, nắng gió có thể làm áo bạc màu, vết tỳ của đá có thể làm vai hằn sâu, nhưng tình yêu biển, đảo thì cao hơn hết thảy.

Tuần tra mùa xuân

Hàng nghìn lần chuyển đá từ tàu vào xây đảo, hàng trăm lần cứu ngư dân gặp nạn, nhiều đêm trắng cùng đồng đội đồng cam cộng khổ chống bão,… các anh nhận ra một điều, trong gian khổ mới thấy đức hy sinh, giữa ngàn khơi càng thấy yêu Tổ quốc, Trường Sa là mảnh đất thiêng liêng mà chủ quyền của nó không thể tách rời. Đó là máu thịt của dân tộc Việt Nam được kiến tạo qua hàng ngàn năm lịch sử. Ở đó, mỗi tấc đảo, mỗi ngọn sóng đều thấm máu đồng đội, đều mang khát vọng hòa bình.

 Để kê cao nền Tổ quốc giữa đại dương, các anh chẳng tiếc tuổi thanh xuân, nguyện dâng hiến quên mình biển đảo. Trung úy liệt sĩ Nguyễn Văn Phương, trước họng súng quân thù hô vang “Hãy để máu của mình nhuộm đỏ lá cờ truyền thống của quân chủng Hải quân”, rồi ngã vào lòng biển; Trung úy liệt sĩ Đinh Văn Nam ở Lữ đoàn 125 Hải quân đã dũng cảm cứu tàu tránh mắc cạn, để rồi quên mình giữa đảo Phan Vinh B; 64 cán bộ chiến sĩ hy sinh trong trận chiến Gạc Ma năm 1988 là biểu tượng của ý chí kiên cường, lòng trung thành với Đảng và Tổ quốc, với tinh thần “quyết tâm bám đảo, một tấc không đi, một ly không rời”.

Sóng mùa xuân ở đảo Song Tử Tây.

Máu đào của các anh đã hòa vào biển cả, xương cốt của các anh nằm tận đáy san hô, tên các anh đã tạc vào lịch sử, để thanh niên cả nước tự hào về các anh- những người lính Hải quân.

Những cánh chim tung trời

Chẳng phải ngẫu nhiên mà lính Hải quân được ví như những cánh chim tung trời bạt gió. Với những nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, vận chuyển hàng ngàn tấn đá ra xây dựng đảo Trường Sa. Để có sức khỏe và nghị lực dẻo dai, họ phải thường xuyên không ngừng rèn luyện, mài sắc ý chí sắt đá “khó khăn chẳng sờn lòng, gian lao không chùn bước, còn biển còn nhà giàn, giữ Trường Sa bằng trái tim người lính”. Điều đó như một mệnh lệnh thiêng liêng khắc sâu trong tim mỗi người lính hải quân Trường Sa anh hùng.

Xuân Kỷ Hợi này, những người lính Trường Sa cũng có đầy đủ hương vị mùa xuân từ nhân dân trên mọi miền Tổ quốc gửi tặng. Những phần quà ấy chẳng đắt tiền nhưng chứa đựng bao nghĩa tình sâu nặng của tình quân dân cá nước. Tình cảm ấy như một sự hàm ơn những người lính biển xuân này vững chắc tay súng canh biển, giữ đảo để nhân dân trọn niềm vui đón Tết.

Gói bánh chưng đón Tết.

Ở Trường Sa, quà được chuyển xuống tàu chuyển tải đưa vào đảo nhỏ. Có khi gặp sóng to gió lớn, hàng quà được chuyển qua xuồng chuyển tải. Người đất liền và chiến sĩ trên đảo không bắt được tay nhau, chỉ biết gửi nỗi nhớ vào sóng gió, chúc Tết qua bộ đàm, thầm chúc cho nhau một năm mới an lành sức khỏe.

Ở Trường Sa, bánh chưng được gói bằng lá bàng vuông. Trước phút giao thừa, mọi người mặc quân phục chỉnh tề quây quần bên nhau, hái hoa dân chủ, bình thơ, bình báo tường, xem không khí đất liền từ màn hình nhỏ.

Trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh và các liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì Trường Sa, các anh nguyện trung thành với Tổ quốc, vững vàng tay súng giữ biển, đảo yên bình.

Sớm mồng Một Tết, đảo trưởng đến từng phòng nhân viên chúc tết. Mừng tuổi là cái bắt tay, hoặc phong bì lì xì 10.000 đồng lấy thảo. Chúc cho nhau năm mới sức khỏe hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Mai Thắng

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục