Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
LLVT Tây Ninh “xây thế - tạo lực, tranh thủ thời cơ” trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng tỉnh nhà
Chủ nhật: 08:12 ngày 17/04/2011

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Tin thắng trận của quân ta từ Phước Long, Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng đã làm nức lòng và cổ vũ tinh thần quân và dân Tây Ninh chuẩn bị bước vào chiến dịch lịch sử.

Thế và lực là điều kiện đưa đến chủ động chiến trường trong chiến tranh. Thế và lực của ta luôn từ sức mạnh đoàn kết của toàn dân để tiến hành chiến tranh nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong đó, Thế trận lòng dân có vai trò đặc biệt quan trọng, tạo nên phong trào cách mạng rộng khắp của quân và dân ta thi đua giết giặc lập công. Đánh địch mọi lúc, mọi nơi để tiêu hao, quấy rối, căng kéo, chia cắt, buộc địch phải phân tán lực lượng tập trung. Đưa đến địch nhiều hoá thành ít, địch mạnh hoá thành yếu, chúng phải rơi vào thế bị động đối phó, phải theo thế trận bày sẵn của ta, làm cho hoả lực của địch mạnh nhưng không phát huy được. Từ đó, làm cho ta ít hoá thành đông, đưa đến thời cơ mở các chiến dịch quyết định, thực hành chiến lược tổng tiến công và nổi dậy giành chính quyền về tay nhân dân, kết thúc chiến tranh.

Trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ xâm lược, sau Hiệp định Paris (1.1973) đến cuối năm 1974, cách mạng Việt Nam đã hội đủ việc xây lực, tạo thế; thúc đẩy và nắm lấy thời cơ chiến lược giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ban Chỉ huy Trung đoàn 311 và Bộ đội Hải ngoại Sivotha, những đơn vị tiền thân của LLVT Tây Ninh (ảnh truyền thống LLVT-TN).

Trên chiến trường chung, Quân uỷ Trung ương đã chỉ đạo đánh chiếm tỉnh lỵ Phước Long để thăm dò chiến lược (tháng 12.1974), quân nguỵ rút chạy bỏ Phước Long. Ngày 7.1.1975, ta chiếm Trung tâm truyền tin lớn nhất của địch ở miền Nam tại đỉnh núi Bà Đen (Tây Ninh); chính quyền Sài Gòn không có khả năng tái chiếm, Mỹ quyết định không đưa quân Mỹ quay lại chiến trường miền Nam. Lực lượng của hai bên địch, ta lúc này là tương đương; tuy địch có hoả lực mạnh và đồn trú trong các căn cứ kiên cố; nhưng ta có thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp với lòng dân một lòng đi theo Đảng, quyết đánh thắng kẻ thù để giành cho được độc lập và được nhân dân tiến bộ các nước ủng hộ. Do đó, “Thế và lực mới” của ta đã rất vững chắc. Lúc này, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương đánh giá tình hình, quyết định giải phóng miền Nam trong 2 năm 1975-1976.

Cuối năm 1974 và 3 tháng đầu năm 1975 thế tiến công của ta đang phát triển từng ngày, lúc này “thời gian là lực lượng”, các đơn vị chủ lực của ta phối hợp chặt chẽ với LLVT địa phương chủ động tiến công địch với khí thế áp đảo trên một số địa bàn xung yếu bằng các chiến dịch trên quy mô sư đoàn, quân đoàn và hiệp đồng quân binh chủng hình thành thế trận chia cắt chiến lược ở Tây Nguyên và Huế - Đà Nẵng…

Đầu tháng 3.1975, ta mở màn chiến lược giải phóng miền Nam bằng chiến dịch Tây Nguyên, nghi binh Plâycu lừa địch rồi bí mật cơ động lực lượng giải phóng Ban Mê Thuột, đến 24.3 ta giải phóng hoàn toàn Tây Nguyên.

Do giải phóng Tây Nguyên quá nhanh, địch đang rệu rã từng mảng, hoang mang cực độ. Bộ Chính trị Trung ương Đảng ta mở hội nghị khẩn cấp điều chỉnh quyết tâm giải phóng miền Nam trước mùa mưa 1975 với khẩu hiệu Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, thực hành tổng công kích, tổng tiến công và nổi dậy trong thời gian sớm nhất và tốt nhất là trong tháng 4.1975, không để chậm.

Tại Tây Ninh, lúc này địch có Trung đoàn 46 thuộc Sư đoàn 25, Liên đoàn Biệt kích 81, Liên đoàn 33 Biệt động quân và hàng chục tiểu đoàn địa phương quân của địch, quân số khoảng 3 vạn tên.

Ngày 15.3.1975, Trung đoàn 201 thuộc Đoàn 232 chủ lực Miền phối hợp với LLVT địa phương tiến công tiêu diệt địch giải phóng huyện Bến Cầu, là huyện đầu tiên của tỉnh được giải phóng.

Ngày 26.3, ta giải phóng Đà Nẵng, Quảng Nam.

Ngày 29.3.1975, ta giải phóng Trị Thiên, Huế.

Như một phản ứng dây chuyền, địch nhanh chóng suy sụp tinh thần, đào rã ngũ, mất sức chiến đấu từng ngày, rối loạn từ Trung ương đến cơ sở.

Tin thắng trận của quân ta từ Phước Long, Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng đã làm nức lòng và cổ vũ tinh thần quân và dân Tây Ninh chuẩn bị bước vào chiến dịch lịch sử.

Thượng tá TRẦN ĐIỀN SINH

(Ban Khoa học - Lịch sử Quân sự, Bộ CHQS tỉnh)

(Còn tiếp)

 

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục