BAOTAYNINH.VN trên Google News

Lo cho cây mì

Cập nhật ngày: 18/06/2013 - 05:48
HTML clipboard

Củ mì được đưa về một nhà máy chế biến

(BTN) - Ngày 14.6.2013, UBND tỉnh tổ chức buổi họp mặt giữa lãnh đạo tỉnh, các ngành chức năng và doanh nghiệp chế biến tinh bột khoai mì nhằm nắm bắt, chia sẻ những khó khăn của doanh nghiệp hiện nay để kịp thời có giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ. Buổi họp mặt có sự tham dự của ông Nguyễn Minh Tân - Uỷ viên Thường vụ trực Tỉnh uỷ, ông Võ Hùng Việt- Chủ tịch HĐND tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thu Thuỷ chủ trì, cùng trên 50 doanh nghiệp chế biến tinh bột khoai mì tham dự buổi họp mặt.

ThiẾu nguyên liỆu vẪN “nâng công suẤt” ?

Vấn đề chủ yếu được đặt ra trong buổi họp mặt này là: làm thế nào để bảo đảm đủ nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy chế biến và bảo đảm tinh bột mì có thị trường đầu ra.

Theo báo cáo của Sở Công Thương, Tây Ninh đã quy hoạch vùng chuyên canh cây mì diện tích 30.000 ha, sản lượng gần 960.000 tấn vào năm 2015. Đến năm 2020, sản lượng củ mì nguyên liệu dự kiến đạt trên 1 triệu tấn. Tuy nhiên, những năm gần đây, diện tích cây mì lẫn sản lượng đều vượt cao so với quy hoạch. Năm 2011, Tây Ninh trồng 45.720 ha mì, sản lượng đạt trên 1,3 triệu tấn. Năm 2012, toàn tỉnh trồng 45.390 ha, sản lượng cũng đạt trên 1.317.629 tấn. Năm 2011, toàn tỉnh sản xuất được gần 800.000 tấn tinh bột, năm 2012 là trên 880.000 tấn (tăng gần 12% so với năm 2011). Năm 2011, xuất khẩu được 181.626 tấn (chiếm 23% tổng sản lượng của tỉnh); năm 2012 xuất khẩu được 222.565 tấn, tăng 22,5% so với năm 2011 (chiếm 25,2% tổng sản lượng)…

Cũng theo Sở Công Thương, hiện toàn tỉnh có 71 cơ sở chế biến tinh bột mì (49 công ty, doanh nghiệp và 22 cơ sở nhỏ) với tổng công suất hoạt động khoảng 4.800 tấn bột/ngày. Hiện có khoảng trên 80% cơ sở chế biến khoai mì đạt trình độ công nghệ “trung bình tiên tiến” so với khu vực; còn khoảng 19% cơ sở chế biến công suất nhỏ có trình độ công nghệ và máy móc thiết bị lạc hậu. Tổng sản lượng củ mì đưa vào chế biến (kể cả lượng củ mì nhập khẩu từ Campuchia) năm 2011 khoảng trên 2,2 triệu tấn; năm 2012 là gần 2,5 triệu tấn; 5 tháng đầu năm 2013 là trên 1,3 triệu tấn.

Sở Công Thương nhận định: Từ tổng sản lượng củ mì nguyên liệu được đưa vào chế biến năm 2012 cho thấy, các nhà máy còn “thừa” công suất chế biến, mới “chạy” khoảng gần 60% công suất thiết kế, dẫn đến mất cân đối lớn. Hiện có nhiều nhà máy tạm ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, bởi lẽ diện tích cây mì có xu hướng giảm liên tục hằng năm do bị cây cao su “lấn át”. Những năm gần đây, nguồn củ mì nguyên liệu từ Campuchia đưa vào Tây Ninh chiếm sản lượng đáng kể cho các nhà máy chế biến. Thế nhưng sắp tới, nguồn nguyên liệu này sẽ hạn chế đáng kể do nước bạn đang đầu tư nhiều nhà máy tại nội địa.

Dù diện tích trồng mì cũng như sản lượng củ mì nguyên liệu đã tăng rất cao so với quy hoạch, nhưng vì sao các doanh nghiệp liên tục kêu thiếu củ mì nguyên liệu để chế biến và lo lắng cho hoạt động sản xuất trong những năm tới? Lý giải điều này, một doanh nghiệp xuất khẩu tinh bột mì cho biết, so với những con số thống kê được, trên thực tế, sản lượng củ mì nguyên liệu, diện tích cây mì lẫn công suất chế biến của các nhà máy còn cao hơn. Doanh nghiệp này cho rằng, ước lượng mì CPC vào Tây Ninh năm 2012 khoảng 2 triệu tấn; mì trong nước khoảng 1,8 triệu tấn. Tuy nhiên, do công suất chế biến thực tế quá cao nên dù sản lượng nguyên liệu tăng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu.

Đáng chú ý là mặc dù vẫn “kêu” thiếu nguyên liệu nhưng hiện đang có 18 cơ sở chế biến khoai mì xin được nâng công suất chế biến. Đây là một nghịch lý khó hiểu? Thực tế, một doanh nghiệp “huỵch toẹt”: việc một số nhà máy xin tỉnh cho chủ trương nâng công suất chẳng qua là “hợp thức hoá chuyện đã rồi”, bởi hầu hết các nhà máy đã tự nâng công suất trong mấy năm gần đây. Nay các nhà máy muốn được “cấp phép” nâng công suất chế biến nhằm có hồ sơ hợp lệ để cho việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải được thuận lợi.

CẦn nhiỀu giẢi pháp đỒng bỘ

Tại buổi họp mặt, một doanh nghiệp kiến nghị tỉnh xem xét đề xuất về Trung ương miễn, giảm thuế nhập khẩu củ mì từ Campuchia vào vì hiện nay thuế quá cao (thuế 10%). Một doanh nghiệp khác phản ánh tình trạng “tranh mua, giành bán” giữa một số nhà máy. Hiện do sản lượng củ mì nguyên liệu giảm, các doanh nghiệp cạnh tranh thu mua càng đẩy giá lên cao, dẫn đến nguy cơ mất cân bằng giữa giá thành và giá bán. Doanh nghiệp này cho rằng nên có sự liên kết “4 nhà”, mà trước hết là liên kết giữa các nhà máy với nông dân, nâng cao sản lượng bằng kỹ thuật trồng và chọn giống có năng suất cao. Các nhà máy cũng có thể hợp đồng bao tiêu nguyên liệu cho nông dân.

Một doanh nghiệp khác cho rằng một trong các giải pháp để nâng cao sản lượng củ mì nguyên liệu là áp dụng kỹ thuật mới trong trồng mì. Hiện một số địa phương đã phổ biến cách trồng mì phủ bạt, cho năng suất cao- khoảng 100 tấn/ha. Tuy nhiên, việc trồng mì theo phương pháp mới khá tốn kém. Do đó, Nhà nước, nhà khoa học và cả các nhà máy cần hỗ trợ nông dân về vốn, kỹ thuật trồng.

Một doanh nghiệp khác cảnh báo: Tinh bột mì được xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc là chính nhưng chủ yếu đi qua đường tiểu ngạch, đầy rủi ro, nhiều doanh nghiệp đã lao đao với thị trường xuất khẩu này. Vì vậy, các doanh nghiệp nên mở rộng thị trường ngoài Trung Quốc, ít rủi ro hơn, bền vững hơn. Một doanh nghiệp cũng cho biết bức xúc về việc phải chờ vài ngày để “kiểm dịch củ mì”.

Một số doanh nghiệp kiến nghị tỉnh cần có lộ trình “co giãn” để các doanh nghiệp có thêm thời gian, điều kiện đầu tư hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn A theo quy định. Bởi hiện tại, do nhiều khó khăn nên việc buộc doanh nghiệp phải xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn A vào cuối năm nay là rất khó thực hiện.

Những đề xuất, kiến nghị, thắc mắc của các doanh nghiệp được lãnh đạo các sở, ngành có liên quan giải thích, trả lời. Ông Vương Quốc Thới– Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng sản lượng, diện tích trồng mì đã vượt quy hoạch; sản lượng bình quân của cây mì cũng đã vượt kế hoạch. Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp dự kiến khả năng mở rộng vùng nguyên liệu sang tỉnh khác, kể cả các tỉnh giáp biên giới thuộc vương quốc Campuchia. Về đề xuất liên kết các nhà máy, bao tiêu mì nguyên liệu của nông dân, lãnh đạo các sở, ngành đều cho rằng không dễ thực hiện trong một sớm một chiều bởi có quá nhiều nhà máy chế biến và nhiều phức tạp, khó khăn trước mắt lẫn phát sinh.

Sở Công Thương kiến nghị UBND tỉnh không khuyến khích đầu tư mới nhà máy chế biến tinh bột mì nhằm giữ ổn định và bảo đảm hiệu quả sản xuất của các nhà máy, doanh nghiệp chế biến hiện có; chỉ xem xét cho đầu tư mới trên giấy phép cũ đối với dự án chế biến tinh bột mì có công nghệ hiện đại hơn so với hiện tại và đầu tư dự án sản xuất sản phẩm sau bột mì; khuyến khích các nhà máy đang hoạt động đầu tư cải tiến kỹ thuật và công nghệ, tránh di dời đi nơi khác vì chi phí cao. Sở Công Thương cũng kiến nghị UBND tỉnh cho phép thành lập Hội doanh nghiệp sản xuất, chế biến tinh bột mì Tây Ninh nhằm tạo sự gắn kết giữa các doanh nghiệp để cùng phát triển. Khi thành lập hội, các doanh nghiệp từng bước ký hợp đồng với nông dân trồng mì, bao tiêu sản phẩm với giá cả hợp lý, bảo đảm cân đối quyền lợi người trồng mì và nhà máy sản xuất, tránh việc tranh mua giành bán xô bồ.

Phát biểu tại buổi họp mặt, lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh cho biết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi có thể để hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng tự thân các doanh nghiệp cũng phải nỗ lực vượt qua khó khăn, có những giải pháp, chiến lược sản xuất, kinh doanh đúng đắn, phù hợp trong tình hình mới. Lãnh đạo tỉnh cảnh báo nếu để tồn tại tình trạng cạnh tranh không lành mạnh sẽ rất nguy hiểm. Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hùng Việt nhắc nhở: “Doanh nghiệp cần hết sức gắn kết với nông dân, người dân khu vực quanh nhà máy”. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, cơ sở chế biến tinh bột mì cũng cần cố gắng thực hiện tốt quy định về bảo vệ môi trường. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thu Thuỷ đề nghị trong thời gian tới, Sở NN&PTNT cần tổ chức hội thảo về chế biến tinh bột mì nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành này với những nội dung, giải pháp cụ thể, nhất là giải pháp “chuyển hướng” sang sản phẩm sau tinh bột mì.

BẢO TÂM