BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chuyện thời sự

Lo gần và phòng xa

Cập nhật ngày: 30/07/2018 - 15:52

BTN - Băn khoăn, trăn trở gì mà trông có vẻ đăm chiêu, tư lự dữ vậy ông nhà báo, bí đề tài hả? Chẳng lẽ ông không biết những chuyện gì đang “hot” trên khắp các báo, từ báo in truyền thống đến báo mạng hiện đại sao?

-Ý ông muốn nói là chuyện gian lận thi cử vừa đổ bể ở vài tỉnh miền núi phía Bắc, hay là mấy ông bộ trưởng, nguyên bộ trưởng, mấy ông tướng vừa bị phát hiện có vi phạm bị Đảng, Chính phủ xử lý, kỷ luật?

-Chứ còn gì nữa, chẳng lẽ nhà báo không nghe dư luận xã hội xôn xao bàn tán mấy vụ đó à?

-Đúng là Bàn Dân đang suy nghĩ về những chuyện nóng bỏng ấy, nhưng vẫn còn băn khoăn, liệu chuyện gian lận thi cử cũng như chuyện những người có chức, có quyền dính líu đến tham nhũng có… mối liên hệ xa, gần nào không đó chứ?!

-Tôi thì nghĩ rằng, trong sự việc cụ thể hiện tại mới bị phát hiện, chưa thấy có căn cứ để xác định, nhưng ta hoàn toàn có thể suy luận rằng nếu như tình trạng gian lận thi cử không được phát hiện, để có những học sinh yếu kém lại đạt điểm tối đa được xét tuyển vào những trường đại học, đào tạo các ngành quan trọng tác động trực tiếp đến tiền đồ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước; rồi khi ra trường lại tiếp tục chạy chọt để thăng tiến và nhanh chóng trở thành những người có chức, có quyền; nghĩa là tham nhũng lại đẻ ra tham nhũng, tương lai vận mệnh đất nước sẽ ra sao?

-À, hoá ra là ông… không chỉ lo gần mà còn phòng xa nữa!

-Đó là tôi suy nghĩ theo… chủ quan của mình thôi. Nhưng nếu xem xét, đối chiếu lại với quá trình “thăng tiến phi mã” của những đối tượng có chức, có quyền mới bị phát hiện, xử lý trong công cuộc phòng, chống tham nhũng những năm gần đây- nhất là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng tới nay, khi Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng chuyển về trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư trực tiếp làm Trưởng ban, thì đã có bước tiến mạnh mẽ, đột phá, đạt được nhiều kết quả toàn diện, tích cực.

Không còn tình trạng chống tham nhũng “từ vai đánh xuống”, mà đã thật sự quyết liệt, trực diện, không nể nang, né tránh, không có vùng cấm. Tham nhũng đang từng bước được kiềm chế; niềm tin và kỷ luật, kỷ cương trong cán bộ, đảng viên được tăng cường, tạo hiệu ứng tích cực, lan toả mạnh mẽ và sâu rộng trong toàn xã hội, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Điều đó, tôi nghĩ các nhà báo thấy rõ hơn người dân. Chẳng phải trên các diễn đàn chính thống của Đảng, Nhà nước đều xác nhận các cơ quan báo chí, truyền thông là một trong những kênh “góp lửa” để “đốt lò” phòng, chống tham nhũng đó sao?

-Cảm ơn ông đã động viên, nhưng… ông cũng nên hiểu cho rằng, báo chí tham gia trên lĩnh vực nóng bỏng ấy cũng không phải dễ dàng, nếu như vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” như Trung ương đã đánh giá.

BÀN DÂN