Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Lộc Ninh và Suối Ông Hùng
Thứ tư: 16:38 ngày 04/09/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Sách Truyền thống Cách mạng xã Lộc Ninh (1945- 1975) do BCH Ðảng bộ huyện Dương Minh Châu xuất bản năm 2017, đoạn mở đầu chương I nói về quê hương, vùng đất con người có viết: “Lộc Ninh là tên địa danh hình thành lâu đời trên đất Tây Ninh, có từ nửa đầu thế kỷ XIX.

Suối Ông Hùng

Năm 1815, vua Gia Long cho mở con đường “Thiên lý cũ” (đường sứ) từ phía Tây tỉnh Gia Ðịnh đi Nam Vang. Từ đó các cụm dân cư cũng dần hình thành dọc theo con đường này…”. Tên cũng là địa danh thôi, nhưng là tên thôn, làng hay xã thì còn chưa biết. Năm thành lập cũng chưa xác định cụ thể. Và ở đoạn sau, sách mới chỉ biết là: “thời kỳ Pháp thuộc, năm 1897… Lộc Ninh là một trong 4 làng thuộc tổng Hàm Ninh Thượng, quận Thái Bình…”.

Ðể sách được bổ sung cho chính xác hơn trong tái bản lần sau, xin được cung cấp tài liệu này. Sách Từ điển Ðịa danh Hành chính Nam bộ (Nguyễn Ðình Tư, NXB Chính trị Quốc gia, xuất bản năm 2008, trang 625) có mục từ Lộc Ninh, đấy là: “Thôn thuộc tổng Hàm Ninh, h.Tân Ninh, p.Tây Ninh, t.Gia Ðịnh, triều Minh Mạng. Trải qua triều Thiệu Trị, Tự Ðức đổi thuộc tổng Hàm Ninh thượng…Ðầu Pháp thuộc vẫn tổng cũ, đặt thuộc hạt thanh tra Tây Ninh. Từ 5.1.1876 gọi là làng. Thập niên 20 thế kỷ XX thuộc quận Thái Bình, cùng tỉnh. Từ 1942 đổi thuộc quận Châu Thành… Sau năm 1956 gọi là xã, tổng Hàm Ninh Thượng, quận Phú Khương…”.

Như vậy, cái tên Lộc Ninh thoạt đầu là của một thôn, sau đó đổi thành làng và cuối cùng là tên xã. Xem thêm các mục từ Hàm Ninh và Hàm Ninh thượng (trang 416) ta còn biết thêm rằng: Lộc Ninh đã có tên trong sổ bộ triều đình từ ít nhất là vào năm Thiệu Trị thứ nhất (1841). Và tổng Hàm Ninh khi ấy là thuộc huyện Tân Ninh, phủ Tây Ninh. Tổng này có 11 thôn làng, trong đó có Lộc Ninh (chứ không phải chỉ “4 làng” như đã dẫn ở trên- chi tiết sai này còn thấy ở sách Tây Ninh xưa của Huỳnh Minh).

Một chi tiết cũng cần “xem lại” là khi viết: “Vùng đất Phước Hội, Lộc Ninh dọc đường thiên lý cũ”. Thực ra chỉ có Phước Hội là đúng vậy, còn Lộc Ninh đã là một thôn ở khá xa, cách qua cả một xã Phước Hội rất dài rộng từng bao trùm cả Chà Là, Suối Ðá… Về sau còn có đường tỉnh lộ 13, sau đổi thành đường DT 781, Lộc Ninh nằm ở trên trục đường ấy. Sách Truyền thống Cách mạng xã Lộc Ninh… cũng đã miêu tả rất đúng là: “Ðầu thế kỷ XX, Lộc Ninh vẫn còn là vùng hoang hoá, rừng già, đất rộng người thưa. Dân cư gồm người Việt và một số dân Khmer sống tập trung tại khu vực suối Sanh Ðôi (còn gọi là suối Song Ðôi, suối Lộc Ninh), Sân Chầu, Tà Dơ, Bưng Bàng…

Dân làng Lộc Ninh còn xây dựng được một ngôi đình thần toạ lạc gần nhà ông Cả Sang, cách cầu Lộc Ninh khoảng vài trăm mét…”. Những cái tên trong đoạn văn trên, kể cả cầu Lộc Ninh và đình làng đều đã nằm dưới Lòng hồ Dầu Tiếng. Vài cái tên còn lại như Tà Dơ, Bưng Bàng nay đều thuộc huyện Tân Châu. Xem thế, cũng biết là Lộc Ninh từng nằm giữa chiến khu Dương Minh Châu lịch sử. Một vùng đất quyết liệt và bị tàn phá nặng nề suốt hai thời kháng chiến. Vì thế, xã Lộc Ninh xưa hầu như đã bị xoá sổ sau hai cuộc chiến tranh. Sau 1975, huyện Dương Minh Châu đã phải lập lại trên miền đất cũ một xã “kinh tế mới Lộc Ninh”.

Nhưng đến tháng 7.1984, dân xã này đã nhường đất cho công trình thuỷ lợi Lòng hồ, để về vị trí mới nằm giữa các xã Bến Củi, Truông Mít, Cầu Khởi, Phước Minh. Miền đất mới này có suối Ông Hùng chảy qua, bà con địa phương quen gọi là vùng đất Suối Ông Hùng. Vậy nên dù xã mới chỉ có tên là Lộc Ninh, nhưng nhiều người vẫn gọi là Lộc Ninh- Suối Ông Hùng. Ngay cả sách truyền thống xã cũng viết theo tên gọi trìu mến thân thương ấy.

Ai đi đường Ðất Sét- Bến Củi, hãy dừng chân một phút bên suối Ông Hùng. Trước khi qua cầu, bên trái đường có một tấm bia đá sơn sơ. Chỉ ba phiến đá tảng từ núi Bà Ðen, chồng xếp lên nhau, khắc chữ sơn vàng mà trĩu nặng, biết bao những chiến công của những người quyết giữ quê hương. Bia ghi lại sự kiện quân dân ta tiêu diệt một tiểu đoàn thuộc lữ đoàn thiết giáp số 11 của quân đội Mỹ vào ngày 28.2.1967, khi cuộc hành quân càn quét Junction City vừa mới bắt đầu.

Họ đã bắn cháy 31 xe tăng Mỹ và 6 khẩu đại bác 105 ly. Chiến công này chắc chắn đã làm giảm bớt nhiều máu xương cán bộ chiến sĩ ta trên mặt trận chính là căn cứ địa Dương Minh Châu và Bắc Tây Ninh. Vì quyết tâm của quân Mỹ là: “Tiêu diệt cơ quan đầu não lãnh đạo cuộc kháng chiến miền Nam- Trung ương Cục- Ðài phát thanh Giải phóng; Tiêu diệt lực lượng quân giải phóng miền Nam, bẻ gãy xương sống Việt Cộng: sư đoàn 9, sư đoàn 5, trung đoàn 16…bịt biên giới, triệt kho tàng, tạo lá chắn cho quân nguỵ bình định…” (Lịch sử LLVT huyện Dương Minh Châu (1951- 2015)- BCH Quân sự Dương Minh Châu xuất bản).

Sau lưng bia, suối Ông Hùng vẫn tràn trề tuôn chảy. Một khoảng thượng lưu gần đập còn rộng ra thêm như một chiếc hồ, với cả một đảo cỏ nõn xanh nhô lên ở giữa. Qua cầu, dòng nước mới thu mình lại như một con suối nhỏ hiền hoà, lững thững vịt bơi. Anh Nguyễn Văn Ðục có nhà bên suối kể:- Từ khi có kênh Ðông Lòng hồ thì quanh năm suối tràn trề nước chảy. Ngay cả khi chưa có Lòng hồ thì suối cũng đã có tới 5 nguồn, nên suối còn có tên là Năm Ngọn.

Rồi từ đây suối trườn qua các nương rẫy, ruộng đồng của Lộc Ninh để về rạch Cầu Ngang, qua những Bến Kinh, Bà Nhã, Bời Lời của xã Ðôn Thuận trước khi nhập vào sông Sài Gòn. Anh Ðục còn kể, trước kia, suối nổi tiếng vì nhiều cá, từ các loại thông thường như rô, lóc, trê, trạch cát, trạch lấu…cho đến loài đặc sản như cá rễ tre. Dân “hứng đáy” có khi thu về trăm ký mỗi ngày.

Nhắc đến Ðôn Thuận, cũng cần nói thêm rằng, đất xã Lộc Ninh hiện nay, xưa thuộc về Ðôn Thuận; cùng với Lộc Ninh xưa là hai trong những xã đầu tiên của tổng Hàm Ninh. Theo sách Từ điển địa danh Hành chính Nam bộ: “từ 21.10.1940 chia Ðôn Thuận thành hai làng, làng phía Nam vẫn giữ tên Ðôn Thuận, làng phía Bắc có tên Thuận Lợi…”. Xã Thuận Lợi nay là các xã Truông Mít, Bến Củi và Lộc Ninh- Suối Ông Hùng.

Vậy thì, dù có ở trên miền đất cũ nay đã chìm trong nước Lòng hồ; hay là trên vùng quê mới hôm nay thì người Lộc Ninh, hay Lộc Ninh- suối Ông Hùng vẫn là con cháu của những người mở đất thuở xa xưa, trước cả khi lập phủ Tây Ninh vào mùa thu năm Minh Mạng thứ 17 (1836). Người ta vẫn nhớ những cái tên cha ông một thuở vang danh. Thậm chí nhớ cả những cây cột gỗ của cái cầu thời Ông Hùng mở mang khai phá đất này, đã bắc cho dân qua lại mỗi ngày trên suối.

TRẦN VŨ

Tin cùng chuyên mục