BAOTAYNINH.VN trên Google News

Lỗi quy trình hay là sự tắc trách ?

Cập nhật ngày: 08/05/2017 - 20:05

Thông tin Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP Hồ Chí Minh phải tiêu hủy gần 20 nghìn viên thuốc Tasigna 200mg (thuốc đặc trị bệnh bạch cầu mạn dòng tủy kháng glivec) do quá hạn sử dụng, đã để lại nhiều ý kiến bất bình và những câu hỏi cần được làm sáng tỏ. Trước hết, vì những nguyên nhân nào mà có sự chậm trễ khiến quá trình thực hiện nhập lô thuốc hơn 34 nghìn viên Tasigna 200mg về Việt Nam kéo dài cả năm trời, khi đến tay người bệnh, thời gian sử dụng chỉ còn rất ngắn. Hậu quả là có tới gần 20 nghìn viên buộc phải tiêu hủy vì đã hết hạn sử dụng.

Theo thông cáo báo chí được Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP Hồ Chí Minh phát đi thì đây là lô thuốc hỗ trợ nhân đạo có điều kiện với sự đồng chi trả của người bệnh. Để được nhập khẩu và sử dụng, bệnh viện đã làm công văn đề nghị gửi đến nhiều cấp, ngành, từ Sở Y tế, Sở Tài chính, Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị của thành phố đến cơ quan Hải quan, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế)...

Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP Hồ Chí Minh lý giải, do phải qua nhiều khâu như vậy, cho nên thời gian nhập thuốc kéo dài gần 12 tháng. Khi bệnh viện này nhận được lô thuốc thì hạn sử dụng chỉ còn 10 tháng. Cùng với đó là những quy định chặt chẽ về đối tượng được sử dụng thuốc của đơn vị tài trợ, cho nên chỉ có 26 người bệnh được sử dụng loại thuốc này, giảm một nửa so với kế hoạch đề ra (50 người bệnh). Do đó đã có một số lượng lớn thuốc không kịp sử dụng vì hết hạn sử dụng.

Việc để xảy ra sự việc phải tiêu hủy một số lượng lớn thuốc như trên là sự lãng phí lớn, nếu biết rằng thuốc Tasigna là loại thuốc đặc trị cho những người không may bị bệnh bạch cầu mạn dòng tủy kháng glivec.

Các đơn vị có liên quan cần làm rõ, xác định những nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ đó, lỗi ở quy trình, thủ tục nhập thuốc hay có sự sao nhãng của những cán bộ thực thi công vụ liên quan. Mặc dù các đơn vị liên quan nêu nhiều lý do để khẳng định mình thực hiện đúng các thủ tục khi tiếp nhận số thuốc viện trợ nhưng những bằng chứng đưa ra cho thấy đã có sự tắc trách từ nhiều phía.

Nếu đúng như nguyên nhân Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP Hồ Chí Minh đưa ra là do phụ thuộc vào thủ tục xin tiếp nhận thuốc của các cơ quan chức năng thì càng cần phải làm rõ, để không xảy ra những sự việc tương tự.

Đi vào phân tích cụ thể tiến độ của quy trình, có ý kiến cho rằng, đó là hậu quả của tình trạng “cha chung không ai khóc”, thậm chí là thiếu trách nhiệm của những người có liên quan.

Thời gian từ khi Bệnh viện Truyền máu Huyết học thành phố làm công văn gửi Sở Y tế, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị thành phố đến khi được UBND thành phố Hồ Chí Minh có quyết định phê duyệt việc tiếp nhận lô thuốc viện trợ đó kéo dài sáu tháng là quá lâu.

Trong khi các thủ tục hành chính trong việc cấp phép nhập khẩu thuốc nói chung, thuốc viện trợ nhân đạo nói riêng ngày càng thuận tiện và rút ngắn. Trong kết luận mới đây, Thanh tra TP Hồ Chí Minh đã đề nghị Giám đốc Sở Y tế thành phố làm rõ trách nhiệm các cá nhân và tập thể liên quan tới việc làm chậm trễ thủ tục phê duyệt số thuốc trên.

Khả năng tiếp cận những loại thuốc chuyên khoa, đặc trị của những người bệnh, nhất là người bệnh nghèo còn nhiều hạn chế, mà chủ yếu là do giá các thuốc đó thường quá cao so với khả năng chi trả.

Vì vậy, những năm qua các tổ chức quốc tế, các nhà sản xuất thuốc đã có những hỗ trợ cho những đối tượng này, như thuốc điều trị bệnh lao, HIV/AIDS… cũng như các thuốc điều trị bệnh nan y, mở ra nhiều cơ hội điều trị cho người bệnh nghèo ở nước ta.

Các nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ phê duyệt tiếp nhận lô thuốc viện trợ nêu trên chắc chắn sẽ được làm rõ. Đây sẽ là bài học cho những đơn vị, cá nhân có liên quan trong việc làm thủ tục tiếp nhận thuốc viện trợ nhân đạo trong cả nước.

Nguồn Báo Nhân dân