Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Thăng hạng chức danh nghề nghiệp:
Lợi thế không thuộc về giáo viên
Thứ tư: 06:31 ngày 14/03/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Với quy định mới nhất vừa được trung ương và địa phương ban hành, để chuyển loại, thăng hạng chức danh nghề nghiệp trong ngành, giáo viên chỉ nộp hồ sơ để xét, không còn phải thi như trước. Không thi nhưng muốn được xét thăng hạng cũng không đơn giản.

Giáo viên Trường THCS Mạc Ðĩnh Chi trong giờ dạy.

Sở Giáo dục - Đào tạo (Sở GD-ĐT) vừa có văn bản hướng dẫn rà soát, tập hợp hồ sơ lập đề án xét thăng hạng giáo viên mầm non, phổ thông công lập từ hạng 4 lên hạng 3 và từ hạng 3 lên hạng 2. Vấn đề này đang thu hút sự quan tâm của nhiều người trong ngành Giáo dục.

Giáo viên khó “với”

Theo văn bản của Sở, để được xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, giáo viên phải thoả mãn nhiều điều kiện, tiêu chuẩn. Một trong các điều kiện đó là được cấp có thẩm quyền đánh giá: từ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong thời gian công tác 3 năm liên tục (tính đến thời điểm hết hạn nộp hồ sơ dự xét).

Vẫn theo quy định, giáo viên phải có đủ phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp; không trong thời gian bị thi hành kỷ luật hoặc đã có thông báo về việc xem xét xử lý kỷ luật của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền. Về văn bằng, giáo viên phải có đủ trình độ đào tạo, bồi dưỡng, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp ở hạng đăng ký dự xét theo quy định của Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ.

Công văn của Sở GD-ĐT có ghi rõ: giáo viên trong các cơ sở giáo dục tham dự kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp được tổ chức trước ngày 31.12.2018 chưa yêu cầu có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Trong thời hạn tối đa một năm kể từ ngày công bố kết quả xét thăng hạng, cơ quan, đơn vị có thẩm quyền quản lý, sử dụng giáo viên có trách nhiệm cử giáo viên đã tham dự kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp tham dự khoá bồi dưỡng để hoàn chỉnh tiêu chuẩn của hạng chức danh nghề nghiệp dự xét.

Trường hợp giáo viên được cử đi bồi dưỡng để hoàn chỉnh tiêu chuẩn của hạng chức danh nghề nghiệp dự xét mà không tham gia khoá bồi dưỡng hoặc kết quả học tập không đạt yêu cầu thì cơ quan có thẩm quyền không bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp đã trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng và không bảo lưu kết quả tại kỳ xét này.

Về độ tuổi, tính từ ngày 31.12 của năm tổ chức xét thăng hạng, giáo viên có tuổi đời từ đủ 55 trở lên đối với nam và từ đủ 50 trở lên đối với nữ thì được miễn xét trình độ ngoại ngữ, tin học theo quy định của hạng chức danh nghề nghiệp.

Trong trường hợp nêu trên, giáo viên có trình độ ngoại ngữ, tin học cao hơn so với quy định về trình độ ngoại ngữ, tin học tối thiểu của hạng thì vẫn được xét để tính điểm tăng thêm (coi như điểm khuyến khích).

Quy định về xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp được Sở GD-ĐT ban hành dựa trên tinh thần các thông tư của Bộ GD-ĐT. Hồ sơ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp gồm nhiều tiêu chí và được quy thành điểm (thang điểm tối đa là 100).

Ví dụ, để được 5 điểm trong phần thực hiện chức trách nhiệm vụ, người lập hồ sơ thăng hạng chức danh nghề nghiệp phải thoả mãn các điều kiện, tiêu chuẩn dưới đây: tham gia biên tập, biên soạn, phát triển chương trình, tài liệu bồi dưỡng giáo viên, học sinh (tuỳ từng cấp học); chủ trì các hoạt động bồi dưỡng và sinh hoạt chuyên đề của nhà trường hoặc tham gia đánh giá, xét duyệt sáng kiến kinh nghiệm, đề tài nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng của đồng nghiệp từ cấp huyện trở lên; tham gia công tác kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên từ cấp huyện trở lên vv...vv...

Trong tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ, ứng viên phải chủ động tuyên truyền, vận động đồng nghiệp thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của ngành Giáo dục và của địa phương. Ứng viên phải chủ động, tích cực phối hợp với đồng nghiệp, cha mẹ học sinh và cộng đồng để nâng cao hiệu quả giáo dục…

Một quy định “cứng” nữa, đó là giáo viên phải có giấy chứng nhận thi đua cấp cơ sở hoặc giáo viên dạy giỏi, chủ nhiệm giỏi, tổng phụ trách Đội giỏi từ cấp huyện trở lên.

Quy định về tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp đã và đang nhận nhiều ý kiến phản hồi trái chiều của giáo viên lẫn cán bộ quản lý. Sau khi bộ tiêu chuẩn, điều kiện thăng hạng được phổ biến đến từng đơn vị trường học, phần lớn giáo viên... mừng hụt khi thấy mình không đáp ứng được điều kiện quy định.

Hầu hết giáo viên không có cơ hội làm hồ sơ xét duyệt, vì các tiêu chuẩn, điều kiện trong văn bản hướng dẫn chủ yếu dành cho cán bộ quản lý trường (có khi ngay cả cán bộ quản lý cũng không đáp ứng được). Chẳng hạn quy định “tham gia biên tập, biên soạn, phát triển chương trình, tài liệu bồi dưỡng giáo viên, học sinh” không phải ai cũng đủ năng lực, trình độ để làm.

Trong số hơn 14.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục ở Tây Ninh, liệu có mấy người đủ trình độ để “biên soạn, phát triển chương trình”, trong khi phần tiêu chí, điều kiện này chỉ được 5 điểm trên thang điểm tối đa 100?

Một vấn đề khác, nhiều giáo viên bình luận: quy định về điểm số cho từng tiêu chí, điều kiện chưa hợp lý. Ví dụ, trong tổng số 100 điểm, phần tiêu chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ chiếm 75 điểm. Số điểm này được chia nhỏ cho từng tiêu chuẩn, điều kiện mà không phải quy định nào trong nhóm này cũng phù hợp.

Chẳng hạn, quy định giáo viên “phải chủ động tuyên truyền, vận động đồng nghiệp thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của ngành Giáo dục và của địa phương” là không phù hợp và xa rời thực tế.

Nhiệm vụ của giáo viên- theo luật là dạy các môn học, thực hiện theo đúng chương trình giáo dục; không phải là đi tuyên truyền đường lối hay chính sách pháp luật. Mặt khác, công cụ nào để minh chứng giáo viên có thực hiện tuyên truyền hay không và hiệu quả tuyên truyền đến đâu? Lại còn có quy định “ứng viên phải chủ động, tích cực phối hợp với đồng nghiệp, cha mẹ học sinh và cộng đồng để nâng cao hiệu quả giáo dục”- rõ ràng thiếu tính thực chất, thiên về cảm tính và gần như không có công cụ nào để “đo lường” cả.

Riêng quy định: ứng viên phải có giấy chứng nhận chiến sĩ thi đua cấp cơ sở thì càng bất hợp lý, bởi chỉ tiêu thi đua danh hiệu này đã bị khống chế bởi Luật Thi đua - Khen thưởng: mỗi năm, cơ quan đơn vị có không quá 15% cán bộ, nhân viên được công nhận.

Như vậy, tại mỗi đơn vị trường học, nhiều lắm cũng chỉ vài ba người đạt danh hiệu ấy trong một năm học, thậm chí có trường còn không có ai đạt được. Đó còn chưa nói, phần lớn danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở đều... rơi vào tay cán bộ quản lý.

Cán bộ quản lý rộng đường !

Khác với số đông giáo viên còn lắm “tâm tư”, nhiều vị làm công tác quản lý tại trường học không giấu sự hoan hỉ trước quy định trên. Một hiệu trưởng cho biết, quy định về điều kiện, tiêu chuẩn thăng hạng càng cảm tính, mơ hồ thì càng dễ thực hiện vì đặc tính “xuê xoa, chín bỏ làm mười” của người Việt Nam! Mặt khác, nhiều tiêu chí, điều kiện hay thực hiện chức trách nhiệm vụ quy định trong văn bản hầu như chỉ dành cho cán bộ quản lý. “Cơ hội xét thăng hạng đối với cán bộ quản lý cao hơn giáo viên” - vị này nhìn nhận.

Hiện nay, giáo viên được xếp thành 4 hạng, từ hạng 4- thấp nhất đến hạng 1- cao nhất. Mỗi hạng bậc tương ứng với hệ số lương từ khởi điểm cho đến mức vượt khung. Từ năm 2013 (có nơi từ năm 2011) trở về trước, chỉ cần hội đủ bằng cấp và các yêu cầu phụ khác, giáo viên sẽ được xét chuyển loại viên chức. Ví dụ, một giáo viên có bằng cao đẳng, sau đó học tiếp lấy bằng đại học sẽ được xếp chuyển lương theo bằng cấp mà không phải thi cử.

Tuy nhiên, khoảng 5 năm qua, việc xét chuyển loại viên chức đã tạm dừng. Theo quy định hiện hành, giáo viên muốn chuyển loại viên chức phải thi, và công việc này do ngành Giáo dục kết hợp với ngành Nội vụ chủ trì. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, chưa có một đợt thi chuyển loại viên chức nào.

Điều này giải thích vì sao nhiều giáo viên có bằng đại học hoặc thạc sĩ nhưng vẫn chỉ hưởng lương hệ cao đẳng. Với quy định mới nhất vừa được trung ương và địa phương ban hành, để chuyển loại, thăng hạng chức danh nghề nghiệp trong ngành, giáo viên chỉ nộp hồ sơ để xét, không còn phải thi như trước. Không thi nhưng muốn được xét thăng hạng cũng không đơn giản.

Thăng hạng chức danh nghề nghiệp là một quy định được hình thành cách nay chưa lâu lắm. Nhiều giáo viên- lực lượng đông đảo nhất trong ngành Giáo dục còn khá mơ hồ, không nắm chắc về chính sách này. Một vị làm công tác tổ chức của ngành nhận định: phần lớn giáo viên chỉ lo hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, ít khi tìm hiểu rõ về những chính sách có tác động trực tiếp đến quyền lợi bản thân mình.

Xem ra, chính sách thi đua, khen thưởng, thăng hạng chức danh... vẫn còn nhiều bất cập.

VIỆT ĐÔNG

Tin cùng chuyên mục