Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Long Phú thôn, nay ở đâu ?
Thứ tư: 08:10 ngày 04/04/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Đi theo dòng Cái Bắc, hết đất Phước Vinh là sang xã Hoà Hiệp thuộc huyện Tân Biên. Như vậy, theo những tài liệu trích dẫn trên đây mô tả, thì Long Phú thôn chính là vùng đất nay thuộc về hai xã Phước Vinh (Châu Thành) và Hoà Hiệp (Tân Biên).

Đình Hoà Hội.

Cuốn sách nhỏ (được photocopy lại) có tựa đề “Tiểu sử Thần hoàng bổn cảnh/ Đình thần Bến Kéo/ Xã Long Thành/ Quận Phú Khương tỉnh Tây Ninh” được in ngày 6.2.1963, tại nhà in Phú San, đường Phan Thanh Giản- Sài Gòn hiện đang được sử dụng trong lễ Kỳ yên của đình Long Thành. Sách có đoạn: “Cụ (Trần Văn Thiện) lên ngã ba Trảng Châu quy tựu một số dân người nam và người thổ khai mở từ Trảng Châu lên Lò Gò lập làng tại đây gọi là Long Phú thôn, vì vùng này thổ sản như cây dầu chai v.v…”.

Sau đó 10 năm, khi tác giả Huỳnh Minh đi và viết sách Tây Ninh xưa, chắc ông cũng đã tham khảo tài liệu này để viết bài “Tiền hiền Trần Văn Thiện” tại các trang từ 111 đến 117. Được coi là nhà văn chuyên viết sách sưu khảo về vùng đất Nam bộ, tác giả Huỳnh Minh đã viết lại chi tiết này một cách rõ ràng hơn. 

Tuy nội dung vẫn là việc lập thôn Long Phú. Cụ thể: “Cụ và các cộng sự viên lên ngã ba Trảng Châu, quy tụ một số người dân Nam và người Thổ, khai mở từ Trảng Châu lên Lò Gò lập làng tại đây, gọi là làng Long Phú thôn, vùng này rất nhiều thổ sản như: cây dầu chai, mây… và bọn Thổ thường hay quấy phá dân ta…” (Tây Ninh xưa, Nxb Thanh niên, tái bản năm 2001).

Tham khảo thêm một cuốn mang tính tư liệu, lịch sử là cuốn sơ thảo “Truyền thống cách mạng xã Phước Vinh” của Ban Tổng kết chiến tranh tỉnh Tây Ninh xuất bản năm 1985. Sách có một đoạn nói về Long Phú thôn như sau: “Khoảng giữa thế kỷ 19, các vị lãnh binh của triều đình sau khi dẹp yên giặc ra khai hoang lập ấp.

Lần lượt các làng từ phía Nam lên phía Bắc tỉnh được hình thành. Làng cuối cùng do người Việt và Khmer xây dựng từ Vàm Tráng Trâu, lên Lò Gò xong năm 1858 lấy tên Long Phú Thôn…”. Sách này cũng cho biết: “Qua nguồn gốc của Địa phương chí và các gia phả lưu lại, truy nguồn xã Hảo Đước rất rộng, bao gồm cả phần đất của Phước Vinh ngày nay…”.

Như thế là tư liệu viết sau 1975 cũng chỉ khác với các tư liệu trước 1975 đã trích trên đây ở chỗ việc lập Long Phú thôn là do các vị lãnh binh của triều đình mà không phải là một nhân vật cụ thể nào như cụ Trần Văn Thiện. Mặt khác, đối chiếu với các nguồn sử liệu khác liên quan đến Tây Ninh, cũng chưa tìm được chi tiết nào liên hệ với việc Long Phú thôn là làng cuối cùng được lập vào năm 1858. Đây có thể là do suy đoán từ sự kiện vào năm này, có chuyện tàu chiến phương Tây nã pháo vào Đà Nẵng, mở đầu cho cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Chúng ta cũng cần chú ý đến một địa danh đều được các tài liệu trên nhắc đến. Đấy là Vàm Trảng Châu ghi trong cuốn Tiểu sử thần hoàng bổn cảnh và cuốn Tây Ninh xưa. Nhưng đến sách Truyền thống cách mạng xã Phước Vinh thì địa danh này đã được viết thành Vàm Tráng Châu. Chúng ta sẽ trở lại sự biến đổi về tên gọi này vào dịp khác. Còn tiếp theo đây sẽ dùng theo cách viết xa hơn.

Vậy Vàm Trảng Châu ở đâu? Nhiều người Tây Ninh đã biết, nhưng nhiều người khác có thể còn chưa được tỏ tường. Là bởi vì bản đồ Hành chính tỉnh Tây Ninh tỷ lệ 1/50.000, do NXB Bản đồ in năm 2001 đã không còn ghi địa danh ấy nữa. Trong khi bản đồ tiền nhiệm của nó, là bản đồ tỉnh Tây Ninh tỷ lệ 1/25.000 lại còn và cũng được ghi là Vàm Trảng Châu. Hiện nay, cái tên này còn được gắn với tên Đồn Biên phòng 839 trên địa bàn xã Biên Giới, huyện Châu Thành.

Vàm Trảng Châu là địa danh thuộc xã Biên Giới, huyện Châu Thành. Đây là nơi rạch Cái Cậy đổ vào rạch Cái Bắc (tên đoạn sông Vàm Cỏ Đông từ Phước Vinh lên Lò Gò - Xa Mát). Bên này là xã Biên Giới, bên kia là xã Phước Vinh. Góc ngã ba còn lại đã thuộc về nước bạn. Từ trạm kiểm soát biên phòng ở ấp Phước Trung, xã Phước Vinh theo dòng sông ngược lên khoảng 1km là đã thấy một ngã ba sông nước thênh thang. Đi theo dòng Cái Bắc, hết đất Phước Vinh là sang xã Hoà Hiệp thuộc huyện Tân Biên. Như vậy, theo những tài liệu trích dẫn trên đây mô tả, thì Long Phú thôn chính là vùng đất nay thuộc về hai xã Phước Vinh (Châu Thành) và Hoà Hiệp (Tân Biên).

Tiếc rằng, cả hai xã trên (Phước Vinh thuộc Hảo Đước thời xa xưa và Hoà Hiệp) đều đã được triều Nguyễn thiết lập từ rất lâu trước thời điểm lập thôn Long Phú. Đấy là năm Minh Mạng thứ 19 (1838) (theo sách Từ điển Địa danh Hành chính Nam bộ- Nguyễn Đình Tư, Nxb Chính trị quốc gia, năm 2008). Các thôn này đều thuộc tổng Hoà Ninh của huyện Tân Ninh, phủ Tây Ninh. Tổng Hoà Ninh được lập ngay từ năm 1836 (Minh Mạng thứ 17), cùng với việc thiết lập phủ Tây Ninh trên vùng đất sau này là tỉnh Tây Ninh.

Chính là cuốn “Tiểu sử thần hoàng bổn cảnh đình thần tại Bến Kéo” đã kể rằng: “Nhằm trào vua Thiệu Trị thứ tư (IV) Tây lịch kỷ niên 1844, lúc cụ đặng 50 tuổi đi quan sát vùng phủ Tây Ninh thấy đất hoang rừng rậm đã nhiều nên mới tiến hành công cuộc khai khẩn. Thoạt đầu là 4 thôn ở Bến Cầu, sau nữa là vùng Bến Kéo, Long Đình thôn, Thái Đình thôn, Thái Bình thôn và Thái Hiệp thôn…

Sau đó cụ mới lên “ngã ba Trảng Châu… lập làng Long Phú thôn”. Tất cả những việc lớn lao ấy chỉ có thể thực hiện sau năm 1844. Mà vùng đất Trảng Châu- Lò Gò kia đã được thiết lập thôn làng từ 1836 đến 1838, trước khi cụ tới Tây Ninh từ 6 đến 8 năm. 

Cũng trên chuyên mục Sắc màu văn hoá Tây Ninh các số trước đây, chúng tôi đã chứng minh rằng cả 4 thôn: Long Giang, Long Chữ, Long Thuận và Long Khánh nay là các xã thuộc huyện Bến Cầu cũng như các xã Hiệp Ninh, Thái Bình nay là các phường thuộc TP. Tây Ninh đều đã có từ trước khi cụ Trần Văn Thiện đến Tây Ninh năm 1844. Long Thới và Thái Hiệp là những cái tên chưa từng có trong lịch sử phát triển thôn, làng, xã ở Tây Ninh. Riêng Long Khánh muộn nhất cũng là năm 1845, nhưng do quan Tuyên phủ sứ Tây Ninh là Cao Hữu Dực lập nên. Còn lại là Long Phú thôn. Vậy thôn này nay ở đâu và thiết lập năm nào?

Tiếp tục tra cứu cuốn Từ điển địa danh Hành chính Nam bộ. Tại các trang từ 587 đến 591 có đến 20 thôn làng mang tên Long Phú. Phần lớn trong số đó là ở các tỉnh miền Tây Nam bộ, từ Bến Tre, Vĩnh Long cho tới Kiên Giang. May mà vẫn còn một địa danh Long Phú ở Tây Ninh. Đó là trang 590: “Long Phú: thôn thuộc tổng Hoà Ninh, huyện Tân Ninh, phủ Tây Ninh, tỉnh Gia Định từ năm Minh Mạng thứ 18 (1837).

Trải qua thời Thiệu Trị, Tự Đức đến Pháp vẫn thuộc tổng cũ, thuộc hạt Thanh tra Tây Ninh. Đến ngày 5.1.1876 gọi là làng thuộc hạt Tham biện Tây Ninh. Ngày 6.3.1891 giải thể nhập vào Hoà Hội” (làng này cũng được lập năm 1838 Minh Mạng thứ 19).

Từ địa điểm được mô tả, từ tuyến Vàm Trảng Châu - Lò Gò đến xã Hoà Hội là khá xa nhau. Một bên là tả ngạn và bên kia là hữu ngạn sông Vàm Cỏ Đông. Con đường đi đến cũng rất khác nhau. Vậy cũng xin thông báo, nếu có thể thì các cơ quan tổ chức xã hội liên quan điều chỉnh các văn bản lại cho phù hợp với lịch sử và địa lý địa phương.

Nhân dân ta vốn trọng ân nghĩa và rất công bằng. Người trước có công thì luôn được người sau tri ân và tưởng nhớ, nhưng cũng đừng vì quá tôn quý mà chất quá nhiều gánh nặng lên vai các cụ. Điều này chưa chắc đã là hay với các bậc tiền nhân.

TRẦN VŨ

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục